Thứ Bảy, 25/05/2024, 10:14 (GMT+7)
.

Dùng xe ô tô công vào việc riêng bị xử lý như thế nào?

Bạn đọc Phương Thảo, sống tại huyện Thanh Trì, Hà Nội hỏi: Chế độ sử dụng ô tô công được quy định như thế nào? Hành vi sử dụng ô tô công vụ vào việc riêng, bố trí ô tô công vụ đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không có tiêu chuẩn bị xử lý ra sao?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Nguyễn Minh Phương (Công ty luật TNHH Trường Sơn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết xe công vụ được hiểu là phương tiện giao thông thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, phục vụ cho mục đích công cộng, hoạt động của các cán bộ Nhà nước.

Xe công vụ gồm 04 loại chính: xe ô tô phục vụ các công tác chức danh; xe ô tô phục vụ công tác chung; xe ô tô chuyên dùng và xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng cho từng loại có quy định trong Nghị định 72/2023/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2023.

Khoản 3 Điều 20 Mục 1 Chương III Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 (Luật số: 15/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017) nêu rõ xe ô tô và phương tiện vận tải khác; máy móc, thiết bị là tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tại Khoản 4 Điều 10 Chương I quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công như sau: Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công. Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức. Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng.

a
Ảnh minh họa, nguồn: congluan.vn

Sử dụng xe ô tô và tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức. Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật...

Cụ thể, việc sử dụng tài sản công không đúng mục đích có thể hiểu là:

Sử dụng tài sản công không đúng với mục đích, công năng sử dụng của tài sản được đầu tư, trang bị, mua sắm;

Sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp làm nhà ở hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân;

Sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không có tiêu chuẩn;

Sử dụng xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Giao, sử dụng xe ô tô vào mục đích cá nhân;

Sử dụng máy móc, thiết bị, tài sản khác vào mục đích cá nhân.

Về hình thức xử phạt, Điểm c Khoản 2 Điều 8 Mục 1 Chương II Nghị định 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước nêu rõ nếu sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không có tiêu chuẩn; sử dụng xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao, sử dụng xe ô tô vào mục đích cá nhân thì có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Mức phạt tiền trên được áp dụng đối với tổ chức, còn đối với cá nhân có cùng hành vi dùng xe ô tô công vào việc riêng sẽ có mức phạt bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức theo quy định tại Điều 5 Nghị định 63/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 4 Nghị định 102/2021/NĐ-CP.

“Ngoài ra, những cá nhân, tập thể có liên quan tới hành vi vi phạm nói trên còn có thể bị xem xét xử lý theo các quy định của Luật số: 52/2019/QH14 ngày 25 tháng 11 năm 2019 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức, Nghị định 100/2019/NĐ-CP; Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017…”, luật gia Nguyễn Minh Phương nhấn mạnh./.

Theo dangcongsan.vn


 

.
.
.