Về 3 liệt sĩ vừa được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014), Quân khu 9 có 50 cá nhân được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (trong đó có 7 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và 43 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước), trong đó tỉnh Tiền Giang có 3 liệt sĩ được Chủ tịch nước ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang trao Bằng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và hoa cho đại diện 3 gia đình liệt sĩ. |
LIỆT SĨ PHẠM THÀNH TRUNG: Khí tiết người cán bộ cách mạng
Liệt sĩ Phạm Thành Trung (tự Đua), nguyên Bí thư Huyện ủy Cái Bè. Suốt quá trình hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, trung thành với Đảng, gan dạ, dũng cảm, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Đồng chí đã cùng Huyện ủy lãnh đạo phong trào chiến tranh du kích ở địa phương phát triển mạnh, xây dựng nhiều cơ sở cách mạng cho kháng chiến, góp phần vào thắng lợi chung của tỉnh.
Tối 29-7-1958, trên đường đi công tác, đồng chí đã bị địch phục kích bắt đưa về giam tại An Hữu (quận Giáo Đức), sau đó đưa về quận Cái Bè giam và tra tấn suốt 15 ngày đêm nhưng không khai thác được gì, đã giải về trại giam Mỹ Tho tiếp tục tra tấn và giam cầm 5 tháng.
Trong thời gian bị giam cầm, đồng chí đã cùng tập thể tù chính trị đấu tranh không thực hiện nội quy của nhà tù, không tố cộng, không chào cờ ba que, không ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm. Tháng 3-1959, chúng đưa đồng chí về Tổng nha cảnh sát Sài Gòn tiếp tục tra tấn rồi đưa sang nhà lao Phú Lợi, lúc này sức khỏe đồng chí rất yếu do bị địch tra tấn dã man, làm hư 1 con mắt, tai bị điếc...
Ngày 1-7-1959, đồng chí bị địch đày ra Côn Đảo với mức án câu lưu. Tại đây đồng chí được Đảng ủy nhà lao phân công trong ban lãnh đạo đấu tranh “chống ly khai”. Bọn địch đã dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man và dụ dỗ, mua chuộc nhưng không khuất phục được ý chí sắt đá của đồng chí.
Đồng chí đã viết “Côn Sơn, ngày 27-3-1961. Tôi ký tên dưới đây là Phạm Thành Trung, 39 tuổi, sinh quán tại làng Mỹ Thiện, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho. Làm giấy xác định lập trường như sau: Tôi không thể ly khai Bác và Đảng Cộng sản được. Tôi không biết quốc gia là gì, vì vậy mà tôi không ly khai”. (Bút tích của đồng chí Phạm Thành Trung được in trong quyển “Những người con ưu tú Tiền Giang).
Không lung lay được ý chí của người đảng viên cộng sản, tối 27-3-1961, bọn cai ngục đã dùng mọi cực hình tra tấn rất dã man, đồng chí và 4 đồng đội vẫn giữ vững khí tiết, hy sinh trong sự tiếc thương của đồng đội tại nhà tù Côn đảo.
Quá trình tham gia cách mạng, đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì…
Để ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí, ngày 25-9-2003 Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang quyết định đổi tên Trường Trung học phổ thông An Hữu thành Trường Trung học phổ thông Phạm Thành Trung.
LIỆT SĨ HUỲNH VĂN MẢNH: Một quả lựu đạn chia đôi cái chết
Liệt sĩ Huỳnh Văn Mảnh nguyên Trưởng ban Tài chính xã Bình Phục Nhì (nay là xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã lập được nhiều thành tích trong chiến đấu, trực tiếp tham gia đánh 35 trận, tiêu diệt được 15 tên địch.
Ngày 26-12-1963, đồng chí cùng du kích xã phục kích chặn đánh địch đi lùng sục ở ấp Thới Thuận Tây, tiêu diệt được tên chỉ huy và bắn bị thương 2 tên khác. Từ năm 1964 - 1965, đồng chí cùng với Ban Binh vận đã vận chuyển hàng trăm tấn hàng từ những chuyến tàu không số chuyển vào tỉnh Bến Tre và vùng Gò Công.
Tháng 4-1966, trên đường đi thu thuế ở An Hòa Long, đồng chí bị lọt vào ổ phục kích của trung đội biệt kích quận Hòa Đồng (do tên Bông chỉ huy) tại cầu Miễu. Sau một lúc giao tranh, đồng chí bị thương. Biết đồng chí là Trưởng ban Tài chính nên chúng tranh nhau chạy đến giành giật ba lô.
Quyết không để lọt tài liệu vào tay kẻ thù, lợi dụng lúc bọn chúng mất cảnh giác, đồng chí đã rút chốt lựu đạn, quay lại ôm chặt tên Bông chia đôi cái chết, tên Chín Bông chết tại chỗ và 3 tên khác bị thương. Bọn địch đã kéo xác đồng chí về đồn treo lên cây lim 3 ngày để thị uy dân chúng. Đồng chí được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
Bông là tên ác ôn, tay sai đắc lực của quận trưởng Hòa Đồng. Tiêu diệt được tên này coi như ta đã “chặt đứt một cánh tay” của tên quận trưởng Hòa Đồng. Hành động dũng cảm diệt tên Bông của đồng chí Mảnh đã được Huyện ủy nêu gương học tập trong toàn đơn vị và Nhạc sĩ Anh Vũ đã sáng tác bài hát Nhớ tên anh để đồng đội và nhân dân ghi nhớ tấm gương dũng cảm của đồng chí Mảnh.
Tiếp bước theo anh, em của đồng chí Mảnh là Huỳnh Văn Tám theo cách mạng và đã anh dũng hy sinh. Mẹ của đồng chí (bà Giảng Thị Dung) đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
LIỆT SĨ PHAN VĂN MƯỜI HAI: Dũng sĩ diệt cơ giới, Dũng sĩ diệt Mỹ
Liệt sĩ Phan Văn Mười Hai nguyên Xã đội trưởng Trung Hòa, huyện Chợ Gạo. Từ ngày tham gia cách mạng đến lúc hy sinh, đồng chí đã trực tiếp chỉ huy chiến đấu 57 trận, diệt 137 tên địch (trong đó có 8 lính Mỹ), phá hủy 1 xe M.113.
Ngày 27-4-1966, địch đưa 13 xe M.113 đánh vào xã Trung Hòa để yểm trợ cho cuộc càn quét quy mô ở phía Long An. Một mình đồng chí (lúc này là Xã đội phó) hóa trang làm nông dân gánh lúa, đã gánh đầu pháo 155 mm lép chế lại thành mìn gài tại gò mả Học, ấp Trung Chánh đón đường về của địch, phá banh 1 xe M.113, diệt 8 tên Mỹ. Trận này đồng chí được tặng thưởng danh hiệu “Dũng sĩ diệt cơ giới”, “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp I và được đề bạt làm Xã đội trưởng.
Giữa năm 1967, trên cương vị là Xã đội trưởng, đồng chí đã chỉ huy LLVT xã kết hợp cùng quần chúng đào chiến hào dài hơn 1.500 m, sâu 1,5 m từ ấp Trung Chánh vào cách đồn Sư Nghĩa gần 100 m; xây 2 pháo đài với gần 1.000 bao đất được đắp cao hơn 4 m, tạo trận địa bao vây bắn tỉa sát thương địch, khiến cho bọn lính trong đồn không dám bung ra hoạt động.
Mỗi lần địch phát lương, tiếp tế phải sử dụng từ 1 - 2 đại đội bảo an yểm trợ. Đồng chí còn vận động nhân dân phơi khô hàng chục ký ớt đốt xông khói, gài bắt hàng trăm con chuột cho du kích đột vào trong rào bót ném xác chuột xuống mương để chúng không sử dụng được nước, buộc bọn địch bên ngoài phải tiếp tế cả thức ăn lẫn nước uống.
Ngày 23-8-1967, 1 tên lính trong đồn Sư Nghĩa mới ra tới cổng rào liền bị đồng chí bắn chết. Địch bò ra kéo xác vào và gọi bảo an Tân Hiệp chi viện lấy xác. Suốt 3 ngày, từ ngày 24 đến 26-8, 2 đại đội bảo an Tân Hiệp liên tục bị du kích chặn đánh sát thương, không vào được đến đồn.
Sáng ngày 28-8-1967, Tiểu khu Định Tường đưa 1 tiểu đoàn bảo an, có máy bay chiến đấu và pháo binh yểm trợ vào giải tỏa. Từ 10 giờ 30 phút địch tổ chức 5 đợt tấn công, đồng chí đến từng vị trí chiến đấu động viên chiến sĩ kiên cường bám trận địa đánh lui hết các đợt tấn công của địch, đến 1 giờ đồng chí Mười Hai và đồng chí Hi, Trung đội trưởng du kích bị máy bay địch phóng hỏa tiễn đã hy sinh oanh liệt. Trong trận này, du kích đã diệt và làm bị thương 27 tên (riêng đồng chí Mười Hai diệt 5 tên).
Qua 7 năm chiến đấu, Liệt sĩ Phan Văn Mười Hai đã được tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, danh hiệu “Dũng sĩ diệt cơ giới”, danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp I và nhiều Bằng khen, Giấy khen. Tên của Liệt sĩ Phan Văn Mười Hai còn được UBND huyện Chợ Gạo dùng đặt tên cho 1 tuyến đường chính.
LÊ TIỄN