Thứ Hai, 17/04/2017, 20:02 (GMT+7)
.

Khai mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 17-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 9. Phiên họp sẽ diễn ra trong 6 ngày (từ ngày 17-4 - 22-4), UBTVQH sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 sắp tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại Phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 6 Dự án Luật gồm: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Luật Quy hoạch.

UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2018. Xem xét kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”; cho ý kiến về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho các dự án còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2016...

Đặc biệt, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn hai nhóm vấn đề: Thứ nhất là giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ. Vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước. Thứ hai là công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác. Việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngay sau khai mạc, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại phiên họp, một trong những nội dung được tập trung thảo luận là Điều 30 của dự án Luật quy định về Trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các hiệp hội, ngành nghề.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, điều 30 quy định cho Hiệp hội DNNVV tới 6 nhóm nhiệm vụ là tạo ra bất bình đẳng giữa các hiệp hội doanh nghiệp liên quan tới việc hỗ trợ DNNVV. “Dự thảo dường như đang tự cắt bỏ một mạng lưới quan trọng các chủ thể có thể đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc hỗ trợ DNNVV vốn rất sát sườn với các DNNVV là các hiệp hội doanh nghiệp các cấp, các ngành nghề”, ông Lộc nói.

Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhận xét quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của Hiệp hội trong dự luật là phù hợp với nhiệm vụ, trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp giao cho Hiệp hội. “Việc quy định nhiệm vụ, trách nhiệm của Hiệp hội tại dự luật là cơ sở pháp lý quan trọng để Hiệp hội cùng với VCCI và các hiệp hội, ngành nghề khác có thể chủ động và phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc hỗ trợ các DNNVV. Trên cơ sở quy định này của Luật, sau khi được Quốc hội thông qua Hiệp hội sẽ có các chương trình kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện đầy đủ các quy định của luật, góp phần phát triển DNNVV” – ông nói.

Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng thẳng thắn phát biểu: “Gần đây chúng tôi có nghe ý kiến, quan niệm chúng tôi không phải là đại diện của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Nhưng tôi khẳng định rằng với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội, tham gia phát biểu tại hội trường ngày hôm nay thì Hiệp hội là đại diện cho DNNVV. Mặt khác, Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng tham gia một số tổ chức cơ quan, của mặt trận, của Chính phủ thì dứt khoát là đại diện của DNNVV”.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội rà soát lại Điều 30 để đảm bảo quy định này không làm mất vai trò của tổ chức nào. Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định: “DNNVV nhưng không nhỏ. Hiện nay chúng ta có 97-98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhỏ nhưng không phải là nhỏ, vừa nhưng không phải là vừa đâu”.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu: “Mỗi tổ chức, hiệp hội có tôn chỉ mục đích riêng, không thể có tổ chức này là mẹ của tổ chức kia. Đã là chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với DNNVV, thì càng nhiều tổ chức hỗ trợ càng tốt, tại sao chỉ là một VCCI, tôi nghĩ rằng giữ nguyên Điều 30 như hiện nay là phù hợp, có cả đại diện VCCI, có cả đại diện của Hiệp hội DNNVV và các tổ chức hiệp hội khác”.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: UBTVQH cơ bản thống nhất với định hướng tiếp thu, giải trình về dự thảo luật cũng như toàn bộ dự án luật đã được trình tại phiên họp. UBTVQH khẳng định đây là luật khung, đưa ra nguyên tắc tạo cơ sở pháp lý để sửa các luật khác, các chương trình quốc gia...

Về tên gọi của dự luật, UBTVQH thống nhất tên gọi là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về tiêu chí xác định DNNVV, thống nhất 3 tiêu chí: doanh thu, vốn, lao động, riêng về tiêu chí lao động lấy trần 200 lao động là hợp lý và yêu cầu lao động này phải tham gia BHXH để bảo vệ quyền lợi người lao động và đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp.

UBTVQH thống nhất nội dung hỗ trợ DNNVV như dự thảo luật đề xuất nhưng phải đảm bảo nguyên tắc có trọng tâm, trọng điểm, có thời gian, và phù hợp với khả năng ngân sách.

UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo rà lại Điều 30 về Trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội, ngành nghề để không ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức.

Cũng trong sáng nay,UBTVQH cũng cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý về dự án Luật Quy hoạch.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.