Thứ Năm, 27/06/2019, 20:56 (GMT+7)
.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng;

(ABO) Sáng 27-6, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu Tiền Giang có đồng chí Lê Văn Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì và phát biểu tham luận tại hội nghị.

Chỉ thị đã chỉ rõ thực tế hiện nay trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi, đã lợi dụng vị trí công tác, kẽ hở của pháp luật, lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, doanh nghiệp, cản trở phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa phát biểu tham luận
Đồng chí Lê Văn Nghĩa phát biểu tham luận.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ thời gian qua, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng nhân dân đã vào cuộc tích cực trong công tác đấu tranh, phòng, chống nạn tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến rõ rệt và chuyển biến tích cực. Điều đó đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ: Ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân, doanh nghiệp để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư; cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.

Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Tình trạng tham nhũng vặt biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhói, gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức. Tình trạng đó cần phải sớm chấm dứt.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Nghĩa cho rằng: Với tinh thần quyết tâm cao để ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt, Tiền Giang sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Trong đó, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao ý thức trách nhiệm, phẩm chất, đạo đức của công chức, viên chức trong hoạt động công vụ; thực hiện tốt kế hoạch luân chuyển, điều động công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng, chú trọng vào các vị trí công việc có quan hệ với người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách, hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cùng với đó là tăng cường công tác thanh, kiểm tra, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm, chấp hành không nghiêm để xảy ra sai phạm, công khai kết quả xử lý để răn đe…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các cấp, ngành khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chấn chỉnh công tác quản lý, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp; bảo đảm giải quyết dứt điểm, kịp thời các kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp….


P. MAI



 

.
.
.