Thứ Hai, 21/10/2019, 10:22 (GMT+7)
.
Từ học theo Bác đến những việc làm tử tế:

Chắp cánh cho những ước mơ

Bài 1: Mệnh lệnh nơi trái tim…

Ở tuổi 72, lẽ ra cô nghỉ ngơi để an dưỡng tuổi già, nhưng cô bảo mình học tập và làm theo Bác, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, còn sức đến đâu sẽ phục vụ đến đó, chừng nào không còn sức nữa thì hẳn tính. Gần 20 năm qua, cô là điểm tựa của hàng trăm học sinh nghèo, giúp các em vượt qua khó khăn, chắp cánh cho các em bay cao, bay xa, thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học. Cô là Hồ Thị Đông, Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Mỹ Tho…

Cô Hồ Thị Đông trao học bổng cho sinh viên - học sinh vượt khó học tốt nhân Ngày Khuyến học Việt Nam.
Cô Hồ Thị Đông trao học bổng cho sinh viên - học sinh vượt khó học tốt nhân Ngày Khuyến học Việt Nam.

MẸ CỦA HÀNG CHỤC ĐỨA CON

Cô sống một mình vì không lập gia đình riêng. Người ta bảo, phụ nữ bất hạnh nhất là không được làm mẹ, vì đó là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ mà tạo hóa đã ban tặng.

Thế nhưng, dù chưa một lần sinh nở cho mình một đứa con, nhưng cô có đến hàng chục người con luôn gọi mình bằng “má”, hoặc “má Hai”.

Rồi cô cũng có ngần ấy cháu nội, cháu ngoại, nhiều đến nhớ không hết nổi. Cô cười tươi bảo, phải mở sổ ra đếm thì mới biết chính xác có bao nhiêu đứa con, chứ nhiều quá nhớ không hết.

Cô không thể nhớ hết mình có bao nhiêu đứa con, nhưng cô có thể lần kể từng hoàn cảnh của các con, như con trai Trịnh Đình T. mồ côi cha, mẹ tảo tần buôn gánh bán bưng kiếm tiền lo cho các con ăn học; hay Trương Bá Khánh Tr., phải vừa làm vừa học. Rồi Trịnh Tấn T., Nguyễn Mân Anh Th., Trần Trung H., Lê Văn T.…, mỗi người một hoàn cảnh, đứa mồ côi, đứa cha mẹ mang bệnh tật hiểm nghèo…, nhưng tựu trung đều nghèo khó.

Bây giờ, những đứa con ấy đều đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, có việc làm và thu nhập ổn định, có người bây giờ là trưởng phòng ở các doanh nghiệp, ngân hàng…

Những đứa con ấy là do cô đã chắp cánh ước mơ cho họ để họ bay cao, bay xa với ước mơ tươi đẹp của mình, đó là học. Để rồi hôm nay, điều mà cô luôn nhắc đi nhắc lại, đó là cảm thấy mình rất hạnh phúc, vì các con trưởng thành, có việc làm ổn định đã quay về đóng góp cho Hội Khuyến học TP. Mỹ Tho, để cô tiếp tục phát học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Một sự nối tiếp có trước có sau theo truyền thống ngàn đời của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, rất nhân văn và nghĩa tình! 

Nhiều trường hợp học sinh khó khăn được cô đi vận động cấp học bổng từ khi còn học tiểu học, trung học cơ sở cho đến khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Cô nói mà đầy vẻ tự hào, từ hoàn cảnh nghèo khó, cứ tưởng phải bỏ dở việc học giữa chừng, nhờ những suất học bổng đã “hà hơi tiếp sức” kịp thời, giúp các em vượt qua khó khăn, có thêm động lực để vươn lên học tốt.

Có người bây giờ đã là cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ… Đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao khiến cô quên đi tuổi già sức yếu, vẫn nỗ lực cống hiến cho đời, cho xã hội, cho thế hệ tương lai của đất nước hôm nay theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cô rất tâm đắc, đó là hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. 

Nhiều người hỏi tuổi già không chồng, không con, cô có buồn không? Cô bảo, có gì đâu mà buồn, ngược lại cô luôn vui vẻ, hạnh phúc và cảm thấy rất ấm lòng khi những ngày lễ, tết, nhất là dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Ngày Khuyến học Việt Nam 2-10 nhiều thế hệ học trò được cô giúp đỡ đã dẫn con về tụ họp để thăm cô, vòng tay thưa má, thưa nội, thưa ngoại, rồi tặng hoa, hay gọi điện, nhắn tin chúc mừng.

Cô treo dải băng với dòng chữ “Khánh Trình - Con nuôi cô Hồ Thị Đông chúc mừng Ngày Khuyến học” ngay bàn làm việc của mình ở Hội Khuyến học thành phố. Cô giải thích, treo ở đó để hằng ngày được nhìn thấy, xem nó như một lời nhắc nhở, động viên mình cố gắng nhiều hơn nữa, để có thêm nhiều suất học bổng hơn nữa giúp học sinh nghèo.

Cuộc sống như vậy là đã quá đủ, quá hạnh phúc rồi, còn buồn gì nữa! Mà nếu như có buồn thì cô cũng chẳng buồn vì những việc riêng tư của mình, mà chỉ buồn là vì mình không thể giúp đỡ được nhiều hơn nữa cho những hoàn cảnh học sinh khó khăn, có nguy cơ bỏ học giữa chừng.

Bởi vì, theo cô, hiện nay vẫn còn nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn lắm, mà kinh phí của Hội Khuyến học thành phố, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm thì có hạn nên vẫn chưa thể giúp hết được. Thế nên, mỗi lần cô nhìn thấy các em học sinh đi bán vé số là lòng cô lại xót xa, day dứt, cảm thấy như mình có lỗi…

“TÌNH RIÊNG BỎ CHỢ, TÌNH NGƯỜI ĐA ĐOAN”

Cô cười tươi bảo, nhiều người nghĩ chắc cô có tiền lắm, vì sau khi nghỉ hưu ở ngành Giáo dục vào năm 2001, cô về công tác ở Hội Khuyến học TP. Mỹ Tho cho đến nay, được lãnh 2 đầu lương, nhưng thật ra cô rất nghèo.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, cô giải thích: Thấy hoàn cảnh các em học sinh khó khăn quá, mủi lòng không chịu nổi, móc tiền túi ra cho. Rồi các em sinh viên đi học ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ về thăm nhà không có tiền đi xe, hay về nhận suất học bổng ít ỏi, thương quá nên cũng móc tiền túi dúi cho các em đi xe…

Mà đâu phải từ khi làm công tác khuyến học cô mới giúp đỡ các hoàn cảnh học sinh khó khăn, mà từ hồi còn đi dạy học, rồi chuyển công tác về Phòng Giáo dục - Đào tạo TP. Mỹ Tho cô đã thầm lặng làm công việc ấy rồi. Vì vậy, không có gì lạ khi phát hiện học sinh nào khó khăn, bệnh tật ngặt nghèo không tiền điều trị, hay không có điều kiện mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn… là mọi người lại tìm đến cô.

18 năm qua, cô cùng với các thế hệ cô, chú ở Hội Khuyến học TP. Mỹ Tho vận động các đơn vị, cá nhân hàng tỷ đồng để phát học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt, với hàng ngàn suất học bổng được trao.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Hội Khuyến học thành phố đã vận động các tổ chức, cá nhân trao 190 suất học bổng, tổng kinh phí 135 triệu đồng. Nhìn lại chặng đường 18 năm cống hiến cho công tác khuyến học, điều cô tâm đắc là Hội Khuyến học thành phố liên tục phát triển, tạo được sự đồng thuận của mọi người, sức lan tỏa của Hội ngày càng sâu rộng.

Nhiều năm liền Hội Khuyến học TP. Mỹ Tho được Hội Khuyến học tỉnh Tiền Giang đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ sự nỗ lực góp sức của cô mà trong thời gian qua Hội Khuyến học thành phố đã nhận được 6 Bằng khen của Hội Khuyến học Việt Nam, 4 Bằng khen của UBND tỉnh. Đặc biệt, năm 2017 Hội Khuyến học thành phố được nhận Cờ thi đua “Đơn vị xuất sắc” do Trung ương Hội Khuyến học trao tặng.

Đó là việc chung, còn việc riêng, cô cũng đa đoan không kém. Nhà có đến 11 chị em, cô lại là chị cả, nên ngay từ lúc còn son trẻ cô đã “khép lòng” với tình riêng, để tập trung phụ giúp cha mẹ lo cho 10 người em.

Cô chia sẻ, vì mình là chị của 7 cô em gái và 3 cậu con trai nên lúc nào cô cũng tự nhắc nhở mình phải sống gương mẫu cho các em noi theo, phải cố gắng làm phụ giúp cha mẹ lo cho các em ăn học đến nơi đến chốn. Thời gian cứ thế trôi qua, chừng ngoảnh nhìn lại thì tuổi xuân đã trôi xa hồi nào không hay.

Tuy nhiên, cô không buồn, mà trái lại cô vui và hãnh diện vì các em của cô đều trưởng thành, có việc làm ổn định, trong đó có 6 người là giáo viên. Sau khi các em trưởng thành, cô lại phụ giúp các em nuôi cháu gọi mình bằng dì, bằng cô. Cứ tưởng các em, các cháu trưởng thành thì cô sẽ nhẹ gánh lo, nhưng không, giờ cô lại phụ giúp nuôi các cháu (thế hệ thứ ba trong gia đình), gọi mình bằng “bà nội Hai”.

Trong khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì cô đang tất bật đi xác minh các trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Mỹ Tho để có cơ sở giới thiệu cho nhà hảo tâm giúp đỡ đầu học tập lâu dài, cho đến khi tốt nghiệp ra trường mới thôi.

Nhìn cái cách cô vui vẻ, hạnh phúc khi lao vào công việc xã hội, chúng tôi chợt nhớ câu thơ viết về chị của nhà thơ Đoàn Thị Tảo, được nhạc sĩ Trọng Đài phổ nhạc: Vấn vương mấy sợi tơ trời/ Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan…

Sự “đa đoan” của cô không chỉ xuất phát từ cái tâm trong sáng, luôn thương yêu, sẻ chia với cộng đồng, với xã hội và người thân của mình, mà còn là do cô học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là cả đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm.

NGUYÊN CHƯƠNG

  (Còn tiếp)

.
.
.