Thứ Sáu, 09/10/2020, 14:26 (GMT+7)
.
TRUNG TÂM PHỤC VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG TỈNH TIỀN GIANG:

Nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Trung tâm) đã giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, mang đến sự hài lòng nơi người dân.

NÂNG CHẤT LƯỢNG PHỤC VỤ

Có thể nói, việc thành lập Trung tâm được xem là một bước đột phá trong công tác cải cách hành chính của tỉnh. Trung tâm là nơi tiếp nhận và trả kết quả của hơn 1.490 TTHC; đồng thời, cũng là địa điểm cung cấp thông tin và giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết các TTHC. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian qua, Trung tâm đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trong hoạt động giải quyết hồ sơ, TTHC.

Phó Giám đốc Trung tâm Lê Thị Kim Pha cho biết, để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, Trung tâm đã trang bị thiết bị máy tính trong việc đánh giá sự hài lòng, cũng như máy tính để người dân có thể tra cứu các thông tin về TTHC, thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng như Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Nhìn chung, khi người dân đến Trung tâm đã được hướng dẫn phục vụ theo yêu cầu.

Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết TTHC tại Trung tâm.
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang.

Thực tế cho thấy, việc ứng dụng CNTT giúp việc giải quyết TTHC thuận lợi, nhanh chóng, hồ sơ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Cụ thể, tất cả các hồ sơ TTHC được nhận tại bộ phận một cửa của các đơn vị sẽ được số hóa lên phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh Tiền Giang. Các TTHC khi được công bố sẽ kèm theo quy trình điện tử (từ khi nhận hồ sơ cho đến khi trả kết quả đều được tích hợp trên phần mềm Một cửa điện tử).

Do đó, người dân có thể biết được hồ sơ mình đang ở giai đoạn nào; bộ phận kiểm soát, giám sát TTHC tại Trung tâm cũng có thể kiểm soát được hồ sơ đang ở giai đoạn nào. Nếu hồ sơ trễ hẹn hoặc trễ hẹn do nguyên nhân nào thì cũng có thể giám sát được.

Đồng chí Lê Thị Kim Pha cho biết, trước đây, việc ứng dụng CNTT đã được thực hiện tại bộ phận một cửa của các đơn vị. Tuy nhiên, từ khi Trung tâm thành lập, hiệu quả rõ rệt nhất của việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC là kết quả giải quyết hồ sơ thời gian đúng hẹn và trước hẹn đạt cao hơn.

Bởi trước đây, dù có thực hiện quy trình điện tử, nhưng việc giám sát chưa được chặt chẽ. Khi tập trung về một đầu mối tại Trung tâm, công tác giám sát sẽ chặt chẽ hơn. Đây cũng là biện pháp để các đơn vị tăng cường công tác giải quyết TTHC. Do quy trình thực hiện chặt chẽ nên việc giải quyết TTHC cho người dân cũng được nâng cao chất lượng và hiệu quả hơn.

ĐẨY MẠNH DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN

Song song với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, Trung tâm còn đẩy mạnh triển khai DVCTT. Theo Trung tâm, hiện các quầy một cửa của các đơn vị đang thực hiện nhận hồ sơ trực tuyến qua phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh. Có một số TTHC của tỉnh được tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, công chức của bộ phận một cửa có thể nhận hồ sơ trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công của tỉnh Tiền Giang. Khi nhận hồ sơ trực tuyến, công chức vẫn xử lý như khi nhận hồ sơ trực tiếp, chuyển về đơn vị giải quyết theo thẩm quyền và chuyển trả kết quả cho người dân. Người dân có nhiều cách lựa chọn để nhận kết quả giải quyết TTHC.

Đồng chí Lê Thị Kim Pha cho biết: “Khi chấp nhận hồ sơ nộp trực tuyến, công chức tiếp nhận sẽ có phản hồi thông tin để người dân biết hồ sơ đã được nhận và có thể giám sát quá trình giải quyết trên Cổng Dịch vụ công. Thực tế, TTHC được thực hiện tại Trung tâm là 1.490 thủ tục, trong đó có 1.410 thủ tục đã ở mức độ 3, 4. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến còn hạn chế do nhiều nguyên nhân.

Dù việc nộp hồ sơ trực tuyến có thể thực hiện trên nhiều thiết bị thông minh như: Máy tính, điện thoại…, nhưng một số doanh nghiệp sử dụng thuận tiện, còn một số người dân dù có thiết bị thông minh lại không quen sử dụng. Mặt khác, người dân còn có tâm lý thích đến trực tiếp để nộp hồ sơ và hỏi thêm những việc ngoài thủ tục. Hiện tại, thủ tục DVCTT mức độ 3, 4 ở tỉnh đã đạt và vượt so với Nghị quyết 17 của Chính phủ. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến vẫn còn thấp (khoảng 7%)”.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Tiền Giang, tình hình và kết quả ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng. Điển hình như việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã tiến hành nâng cấp các chức năng mới; tích hợp chữ ký số trên phần mềm cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, tỷ lệ xử lý văn bản đi được chuyển trên môi trường mạng đạt 96%; tỷ lệ văn bản đến được chuyển và xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng đạt 98%.

Việc ứng dụng chữ ký số cũng tiếp tục đẩy mạnh trong việc gửi nhận văn bản điện tử. Trong khi đó, việc cung cấp thông tin lên Cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương theo Nghị định 43/2011 ngày 13-6-2011 của Chính phủ cũng đã thực hiện hoàn chỉnh chức năng kết nối liên thông bài viết (chuyên mục góp ý dự thảo văn bản, chuyên mục công khai ngân sách) lên Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang và được đưa vào tập huấn sử dụng chính thức.

Đối với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương (tỷ lệ TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 2, 3, 4) đến nay tỉnh đã có 1.998 TTHC và được đăng tải trên Trang dịch vụ công tỉnh tại địa chỉ: http://dichvucong.tiengiang.gov.vn...

A.P

Cũng theo đồng chí Lê Thị Kim Pha, thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được thuận lợi khi thực hiện DVCTT. Hệ thống trang thiết bị đã được Trung tâm trang bị đầy đủ, song cần thời gian tuyên truyền để người dân nắm sâu hơn và tiếp cận việc thực hiện DVCTT.

Trung tâm đang phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện công tác tuyên truyền bằng cách in tờ rơi hướng dẫn cách thức nộp hồ sơ trực tuyến; thông tin những thuận lợi để người dân tiếp cận và thực hiện TTHC qua DVCTT. Dự kiến, Trung tâm sẽ thực hiện các clip hướng dẫn cách nộp hồ sơ trực tuyến để người dân thấy và dễ dàng thực hiện hơn.

“Hiện còn một số đơn vị đang hoàn thiện việc công khai tài khoản để người dân thực hiện thanh toán trực tuyến đối với một số TTHC có thanh toán phí. Nếu muốn tạo điều kiện thuận lợi thật sự cho người dân thì cần tạo một kênh thanh toán trực tuyến. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có giải quyết TTHC sẽ kết hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để công bố số tài khoản của đơn vị tích hợp trên phần mềm Một cửa để người dân thanh toán phí trực tuyến” - đồng chí Lê Thị Kim Pha cho biết.

M. THÀNH

.
.
.