Quốc hội dành 7 ngày để làm công tác nhân sự
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đồng thời bầu nhân sự thay thế giữ các chức danh này bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Ngày 23-3, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì cuộc họp báo quốc tế về Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV. Kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày mai 24-3, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Thông báo về dự kiến chương trình kỳ họp, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, đây là kỳ họp tập trung, diễn ra trong thời gian 12 ngày. Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nên bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo quốc tế về Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: QUANG PHÚC |
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian để xem xét, thông qua 1 dự án Luật, đó là Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Dự án Luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Theo dự thảo, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2022.
Bên cạnh đó, Quốc hội dành khoảng 5 ngày để thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3-2021. Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026).
Sau đó, Quốc hội dành khoảng 7 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước. Công tác nhân sự dự kiến được tiến hành từ ngày 30-3.
Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đồng thời bầu nhân sự thay thế giữ các chức danh này bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Tân Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ nhậm chức ngay sau khi được Quốc hội bầu.
Quốc hội cũng sẽ tiến hành bầu, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, bao gồm: Phó Chủ tịch nước, một số Phó Chủ tịch Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội, một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ miễn nhiệm, bầu mới Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, một số Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng như Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.
Để thực hiện nguyên tắc làm việc (quyết định theo đa số) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến chương trình đã bố trí việc miễn nhiệm và bầu nhân sự thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiến hành theo 3 đợt: Chủ tịch Quốc hội, một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để luôn bảo đảm số lượng cần thiết thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
(Theo sggp.org.vn)