.

Trung An - xứng danh Xã Anh hùng

Cập nhật: 13:54, 27/04/2021 (GMT+7)

Trung An là xã ven của TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 3 km về phía Tây, ngay cửa ngõ ra vào thành phố. Nhân dân nơi đây sớm giác ngộ cách mạng, quyết một lòng đi theo Đảng làm cách mạng để giải phóng quê hương. Mặt khác, địa bàn xã thuận lợi cho chiến tranh du kích phát triển và là nơi đóng quân tốt nhất cho lực lượng vũ trang của ta… Vì lẽ đó, trong kháng chiến chống Mỹ, Trung An được chọn làm căn cứ cách mạng cho lực lượng vũ trang đóng quân, là “bàn đạp” tấn công địch trong nội ô thành phố…

Đường 19-5 qua ấp 1 được mở rộng, trải đan, thuận tiện cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa. 			                  Ảnh: GIA HÂN
Đường 19-5 qua ấp 1 được mở rộng, trải đan, thuận tiện cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa. Ảnh: GIA HÂN

NƠI GIẰNG CO QUYẾT LIỆT GIỮA TA VÀ ĐỊCH TRONG SUỐT 15 NĂM

Về phía địch, do nắm được vị trí quan trọng của xã Trung An, nên chúng cũng đã chọn nơi đây để xây dựng hệ thống căn cứ quân sự phòng thủ dày đặc, gồm: Trung tâm huấn luyện Hùng Vương của sư đoàn 7 ngụy, kho đạn Cao Thắng của vùng 4 chiến thuật, căn cứ tiểu đoàn 72 pháo binh ngụy, chi khu Châu Thành và hơn 20 trụ sở, đồn bót tề ngụy, cùng 3.000 quân chủ lực thường xuyên có mặt ở Trung An, chiếm 1/3 tổng số lực lượng quân địch có mặt tại TP. Mỹ Tho.

Ngoài ra, địch còn xây dựng bộ máy kìm kẹp tại chỗ, với đủ các sắc lính: Cảnh sát, bảo an, phòng vệ dân sự, thám báo, biệt kích..., để ngăn chặn vùng giải phóng mở rộng và làm lung lạc tinh thần kháng chiến của nhân dân xã Trung An, trở thành nơi giằng co quyết liệt giữa ta và địch trong suốt 15 năm, từ phong trào Đồng khởi năm 1960 đến đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Kết thúc chiến tranh, xã Trung An được Nhà nước công nhận 375 gia đình liệt sĩ, 127 đối tượng thương binh, 223 gia đình có công với cách mạng, 135 cán bộ hưu trí và 12 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Với sự đóng góp và hy sinh to lớn đó, Đảng bộ, quân và dân xã Trung An đã được tặng thưởng: 3 Huân chương Giải phóng hạng I, 2 Huân chương Giải phóng hạng II, 5 Huy chương Giải phóng hạng III và nhiều Bằng khen, Giấy khen của Tỉnh và TP. Mỹ Tho trao tặng. Đặc biệt là, năm 1993 xã vinh dự được Nhà nước phong tặng “Quân, dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Trung An Anh hùng”.

XÃ ĐIỂN HÌNH TOÀN DIỆN TRONG PHONG TRÀO “GIÀNH VÀ GIỮ  QUYỀN LÀM CHỦ”

Với truyền thống bất khuất, quật cường của người dân xã Trung An, dù phải trải qua nhiều gian khổ, hy sinh, nhân dân xã Trung An vẫn kiên cường bám trụ, đấu tranh anh dũng để bảo vệ vững chắc vùng căn cứ, bảo toàn lực lượng và đã lập được nhiều chiến công xuất sắc.

Đầu năm 1960, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ xã, nhân dân xã Trung An cùng lực lượng du kích nổi dậy phá 2 chốt mật báo của địch, đốt 8 chòi canh, trừng trị 7 tên ác ôn và cảnh cáo nhiều tên khác. Ngày 20-6-1961, trong trận đánh càn tại ấp An Bình, du kích xã Trung An kết hợp Đại đội 207 của Thành đội Mỹ Tho diệt 5 tên dịch, bắn bị thương 10 tên khác, buộc địch phải tháo chạy. Trong năm 1962, dân quân du kích xã Trung An cắm chông, gài mìn, lựu đạn và tổ chức đánh địch càn trên 20 trận, làm chết và bị thương 50 tên dịch, thu nhiều vũ khí và vận động được 10 binh lính địch bỏ ngũ về với gia đình…

Năm 1963 hưởng ứng chủ trương của lãnh đạo tỉnh “Thi đua Ấp Bắc, thừa thắng xông lên giết giặc lập công”, quân và dân xã Trung An đẩy mạnh đấu tranh chính trị, vũ trang, thu nhiều thắng lợi to lớn, được Khu ủy Khu 8 tặng Bằng khen về thành tích “Diệt ác phá kìm, giữ vững thế bám trụ” và được Tỉnh ủy Mỹ Tho chọn làm xã điển hình toàn diện về phong trào “Giành và giữ quyền làm chủ”. Trong 4 năm, từ 1960 đến 1964, dân, quân, du kích xã Trung An đã nổ súng đánh địch hơn 150 lần, diệt 350 tên địch, giải phóng 8/10 ấp, làm tê liệt bộ máy kìm kẹp của địch, quyền làm chủ của ta được củng cố và giữ vững, người dân tích cực đóng góp sức người, sức của cho cách mạng.

Bước sang năm 1965, bên cạnh việc đấu tranh, biểu tình, đào hầm chông, gài lựu đạn và tổ chức đánh địch, nhân dân xã Trung An còn làm tốt công tác binh vận, vận động đào ngũ, rã ngũ trên 100 binh lính, trong đó có 1 đại úy, 1 thiếu úy, 2 thượng sĩ và xây dựng được 3 nội tuyến. Từ năm 1965 đến năm 1967, quân và dân xã Trung An kết hợp cùng Đại đội 207 của Thành đội đã loại khỏi vòng chiến đấu 380 tên địch, giải phóng 80% số dân khỏi ách kìm kẹp của địch và giữ vững vùng giải phóng.

Trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, xã Trung An được trên giao nhiệm vụ chuẩn bị mọi mặt về hậu cần và cũng là nơi tập kết cho các đơn vị chủ lực của ta tiến công vào nội ô thành phố. Riêng lực lượng du kích được giao nhiệm vụ dẫn bộ đội vào đánh chiếm các mục tiêu quân sự của địch. Trong chiến dịch này, nhân dân trong xã chuẩn bị hàng chục tấn lương thực, thuốc men, huy động hàng ngàn lượt người đào hầm, tải thương, vận chuyển vũ khí, đảm bảo hậu cần ăn, ở cho một trung đoàn chủ lực của ta đóng quân. Cũng trong cuộc tổng tiến công này, lực lượng vũ trang của xã đã đánh chiếm trụ sở tề xã của địch, diệt 3 đồn, bức rút 1 đồn, bắt 82 tên cảnh sát, mật vụ, thu 38 súng các loại.

Năm 1973, nhân dân xã Trung An tổ chức đấu tranh đòi địch phải thi hành Hiệp định Paris, vận động hơn 100 binh lính bỏ ngũ, lực lượng du kích xã phối hợp Đại đội 1 của Thành đội đánh hàng chục trận diệt 270 tên địch, bức rút 8 đồn, pháo kích căn cứ trung đoàn 11 sư đoàn 7 ngụy diệt 32 tên, diệt 10 xe quân sự (trong đó có 2 xe M.113 và 2 xe ủi đất).

Năm 1974 - 1975, bên cạnh việc tiếp tục tấn công địch, nhân dân xã Trung An còn khẩn trương chuẩn bị công tác hậu cần phục vụ cho chiến lược Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhân dân tích cực chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men... ủng hộ cách mạng. Ngày 30-4-1975, nhân dân xã Trung An cùng với nhân dân trong toàn tỉnh nhất tề nổi dậy tiến công đồn bót, trụ sở của địch, phát loa kêu gọi các sĩ quan, binh lính địch ra hàng, góp phần cùng nhân dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong suốt cuộc chiến tranh, xã Trung An luôn là căn cứ cách mạng vững chắc cho lực lượng chủ lực và Thành đội đứng chân làm bàn đạp tấn công địch trong nội ô thành phố. Dân, quân du kích xã luôn tích cực trong việc phục vụ bộ đội tham gia vào các chiến dịch: Mậu Thân 1968, Mùa hè năm 1972 và đặc biệt là Chiến dịch mùa Xuân năm 1975.

Thanh niên trong xã hăng hái tham gia lực lượng vũ trang; đi dân công phục vụ mặt trận, đào phá hàng trăm mét lộ; trên 10 ngàn lượt người tham gia 48 cuộc đấu tranh chính trị, làm hầm chông, hàng rào chiến đấu, đào 2 con kinh kháng chiến, trồng hàng vạn cây các loại để tạo địa hình; nuôi giấu hàng ngàn cán bộ, bộ đội và du kích; góp từng viên đạn, lon gạo ủng hộ cách mạng, tích cực tham gia vót chông, gài lựu đạn, cùng bộ đội đánh địch.

Hiện nay, đời sống nhân dân trong xã từng bước được nâng lên và đạt được nhiều thành quả to lớn: Xã đã được công nhận “Xã Văn hóa” vào năm 2009, “Xã Văn hóa nông thôn mới” vào năm 2015, được công nhận và ra mắt “Xã nông thôn mới” vào năm 2017…, xứng đáng với danh hiệu Xã Anh hùng do Nhà nước phong tặng.


 

LINH CHI (tổng hợp)

.
.
.