.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập - Người con ưu tú của đất Long Hưng

Cập nhật: 08:36, 12/11/2022 (GMT+7)

Đồng chí Nguyễn Thị Thập tên thật Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh năm 1908, trong một gia đình nông dân ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Gần 70 năm tham gia cách mạng, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách, có nhiều cống hiến xuất sắc trong các phong trào cách mạng, phong trào phụ nữ Việt Nam và phong trào phụ nữ thế giới; là cán bộ gương mẫu, với nhiều phẩm chất cao quý: Trung thực, thẳng thắn, sống giản dị, tiết kiệm, thương yêu, gần gũi đồng chí, đồng bào. Lịch sử Tiền Giang mãi mãi ghi nhận đồng chí là người con ưu tú, là tấm gương tiêu biểu của nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Nhắc đến đồng chí, mọi người luôn nhớ đến cuộc đời của một nữ chiến sĩ cách mạng đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, luôn nung nấu ước mơ cháy bỏng là góp phần cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

ỦY VIÊN XỨ ỦY NAM KỲ Ở TUỔI 27

Năm 1928, đồng chí Nguyễn Thị Thập tham gia Nông hội Đỏ tại địa phương, với nhiệm vụ thông tin liên lạc. 3 năm sau, đồng chí thoát ly gia đình lên Sài Gòn hoạt động cách mạng, thâm nhập cuộc sống công nhân, thợ thuyền, những người lao động nghèo khổ để tuyên truyền giác ngộ, xây dựng cơ sở cách mạng ở đây và các tỉnh: Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre; và đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây đồng chí lấy bí danh Mười Thập.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập tại chiến khu Việt Bắc, năm 1953.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập tại chiến khu Việt Bắc, năm 1953.

Tháng 4-1935, đồng chí được bầu làm Ủy viên Xứ ủy Nam kỳ; sau đó không lâu bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Sự tù đày, tra tấn dã man của kẻ thù vẫn không làm lay chuyển ý chí gang thép của người nữ chiến sĩ cộng sản này. Trong những năm 1935 - 1936, đồng chí và một số tù nhân chính trị chưa thành án được trả tự do.

Theo sự điều động của cấp trên, đồng chí trở về quê hương tiếp tục tuyên truyền, giáo dục xóa bỏ hủ tục mê tín dị đoan, lề thói lạc hậu ở nông thôn và tuyên truyền lý tưởng cách mạng, xây dựng cơ sở cách mạng ở khắp các tỉnh Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sa Đéc…

Ở Mỹ Tho, đồng chí cùng anh ruột Nguyễn Văn Cảnh (Tám Cảnh) và đồng chí  Lê Văn Giác (Tỉnh ủy viên Mỹ Tho, sau trở thành chồng đồng chí) thường xuyên tập hợp thanh niên trong xã Long Hưng để tuyên truyền lý tưởng cách mạng, gầy dựng, phát triển lực lượng cách mạng. Xã Long Hưng trở thành nơi lực lượng cách mạng phát triển mạnh nhất của tỉnh Mỹ Tho.

Trong Hồi ký “Qua những chặng đường”, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã viết thật giản dị: “Trong chiến đấu một mất, một còn với kẻ thù tàn bạo và hung hãn nhất thế giới là đế quốc Mỹ, toàn dân ta không có gia đình nào không ít nhiều gánh chịu mất mát, hy sinh để giữ lấy sống còn, giành lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc. Gia đình tôi cũng trong hoàn cảnh ấy…”.

Năm 1940, địch ra sức khủng bố, nhân dân đòi bạo động đánh Pháp. Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định lấy rừng Ba U làm căn cứ, tổ chức nhiều cuộc hội nghị ở nhiều nơi trong tỉnh bàn việc chuẩn bị khởi nghĩa ở Mỹ Tho, thành lập Ủy ban Khởi nghĩa. Đồng chí được giao nhiệm vụ phụ trách lực lượng vũ trang của tỉnh.

Từ tháng 8 đến tháng 11-1940, đồng chí tích cực tổ chức luyện tập, chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa lớn, cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện ở đình Long Hưng - nơi được chọn làm tổng hành dinh cách mạng của cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho. Sau cuộc khởi nghĩa, bị kẻ thù tập nã, niêm yết khắp nơi, kèm nhiều tiền thưởng cho ai bắt được đồng chí, nhưng do được cán bộ, nhân dân Mỹ Tho và Nam bộ yêu thương, che chở, đồng chí được an toàn.

Đầu tháng 8-1945, đồng chí được cử đi dự Đại hội Quốc dân, họp ở Khu căn cứ  Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang). Do đường sá xa xôi nên khi tới Hà Nội thì Đại hội đã kết thúc và Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành được thắng lợi. Đồng chí được Tổng Bí thư Trường Chinh giao trọng trách cùng với phái viên Trung ương vào hỗ trợ Đảng bộ Nam bộ thống nhất Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải phóng.

Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6-1-1946, đồng chí trúng cử đại biểu Quốc hội tại Mỹ Tho, là nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Tiền Giang và cũng là một trong 10 nữ đại biểu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

LÃNH ĐẠO HỘI PHỤ NỮ XUẤT SẮC

Suốt 9 năm kháng chiến, đồng chí được Đảng chỉ định làm Bí thư Đảng đoàn phụ nữ Nam bộ, là Hội trưởng Phụ nữ Nam bộ. Sau khi tập kết ra miền Bắc năm 1954, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc (1956 - 1974).

Đồng chí Nguyễn Thị Thập kể lại diễn biến Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ cho các thế hệ trẻ khi về thăm quê hương.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập kể lại diễn biến Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ cho các thế hệ trẻ khi về thăm quê hương.

Trên cương vị Chủ tịch, đồng chí luôn quan tâm công tác bồi dưỡng, đào tạo lực lượng cán bộ nữ và đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm để cho ra đời các phong trào lớn, trong đó nổi bật là phong trào “Ba đảm đang”.

Thông qua phong trào này, đã tập hợp rộng khắp các tầng lớp phụ nữ từ thành thị đến nông thôn hăng hái tham gia, bảo đảm cho cuộc chiến đấu ở miền Nam “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Phong trào “Ba đảm đang” cùng với phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên đã xây dựng cơ sở vững chắc cho hậu phương lớn, dốc lực chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Đồng chí còn được Đảng và Nhà nước giao nhiều chức vụ quan trọng: Bí thư Đảng đoàn phụ nữ kiêm Trưởng ban Phụ vận Trung ương Đảng; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa IV, được bầu vào Quốc hội từ khóa I đến khóa VI, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến khóa VI.

Đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam - Huân chương Sao Vàng và được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đồng chí bắt tay vào công việc tổng kết Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam trước khi được trở về miền Nam nghỉ hưu.

Nhân kỷ niệm 106 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa có bài viết về đồng chí Nguyễn Thị Thập, trong đó có đoạn viết: “Được nghe nhiều câu chuyện lịch sử và được biết đồng chí Nguyễn Thị Thập là người phụ nữ đã lãnh đạo phong trào Nam kỳ khởi nghĩa, tôi rất ấn tượng với hình ảnh của đồng chí Thập, lúc đó được gọi là “Chị Mười”, gần đến ngày sinh nở vẫn thắt khăn, nịt bụng, chỉ huy đồng bào, trương cờ, biểu ngữ xông vào cướp đồn Tam Hiệp trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.

Đây cũng là lúc Chị Mười phải trải qua những tháng ngày đau thương, nếm trải sự mất mát to lớn: Người chồng thân yêu của chị, người chiến sĩ cộng sản kiên cường Lê Văn Giác bị giặc bắt và kết án tử hình. Bản thân chị bị giặc truy nã khắp nơi, sinh con trai út được 8 ngày, chị phải nuốt nước mắt gửi con để ra đi hoạt động, gây dựng cơ sở, củng cố phong trào… Trong tôi, có cả tình cảm yêu thương, khâm phục, lòng tự hào về Chị Mười và cả niềm tin tưởng...”.

Sau khi đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc, đồng chí mất ngày 19-3-1996 tại TP. Hồ Chí Minh và được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Tiền Giang, cạnh mộ chồng.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.