Thứ Năm, 25/05/2023, 21:19 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội Tiền Giang đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

(ABO) Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, ngày 25-5 Quốc hội thảo luận ở tổ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021… Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tiền Giang đã có nhiều ý kiến thảo luận xoay quanh các nội dung này.

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH KT-XH

Liên quan đến nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang, đánh giá, năm 2022, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, phức tạp, thách thức trên cả bình diện quốc tế và trong nước, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraina diễn ra từ tháng 2-2022 đến nay đã cản trở sự phục hồi của kinh tế toàn cầu vốn đã bị tàn phá nghiêm trọng sau đại dịch Covid-19.

Nhưng với những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kinh tế nước ta ghi nhận sự phục hồi ấn tượng khi tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, là mức tăng cao nhất trong khối các nước ASEAN và Trung Quốc, mức GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.

Đặc biệt, những tháng cuối năm 2022, quốc tế và trong nước gặp nhiều khó khăn (tốc độ tăng trưởng GDP quý 4-2022 giảm mạnh (tăng 5,9% so với cùng kỳ, chậm lại đáng kể so với mức đỉnh là 13,7% trong quý 3-2022), nhưng nước ta vẫn ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát, tỷ giá; các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, có 2/15 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra, ngoài chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, thì có thêm chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP không đạt (chỉ đạt 24,76%, thấp hơn mục tiêu 25,5 - 25,8%.

Cùng với đó, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) tiếp tục sụt giảm, mặc dù tốc độ sụt giảm thấp hơn so với năm 2021, ở mức 0,2%; mức đóng góp vốn tài sản công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào tăng trưởng sụt giảm ở mức 1,36% so với năm 2021; so với các nước trong khu vực mức đóng góp của vốn tài sản ICT của Việt Nam ở mức rất thấp.

Tính đổi mới sáng tạo, Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia, cho thấy dấu hiệu thiếu tích cực của Việt Nam trong đổi mới sáng tạo, tuột 4 bậc so với năm 2021. Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) của Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng từ 33,4 điểm năm 2020 xuống còn 20,1 điểm năm 2022.

Đây đều là những chỉ tiêu phản ánh đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế còn thấp, thể hiện ở năng suất và chất lượng lao động còn thấp, tăng trưởng và đóng góp của TFP suy giảm, đóng góp của kinh tế số và mức độ đổi mới sáng tạo còn ở mức khiêm tốn, hiệu quả môi trường của tăng trưởng đang ở mức báo động.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, vốn đầu tư toàn xã hội năm 2022 thực hiện theo giá hiện hành đạt 3.219,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 33,85% GDP, tăng 11,2% so với năm trước.

Trong đó, tỷ trọng đầu tư khu vực nhà nước gia tăng từ 24,7% năm 2021 lên 25,6% năm 2022; khu vực ngoài nhà nước có mức tăng đầu tư còn rất thấp so với các khu vực khác của nền kinh tế (chỉ tăng 8,9%) và thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19 (trung bình tăng 13,4% trong giai đoạn 2015 - 2019).

Theo đó, tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài nhà nước giảm từ 59,5% năm 2021 xuống còn 58,2% năm 2022. Vốn đăng ký trung bình của một doanh nghiệp thành lập mới là 10,7 tỷ đồng, thấp hơn mức 13,8 tỷ đồng năm 2021.

Đại biểu cho rằng, những điều này cũng phản ánh những khó khăn vẫn còn rất lớn của khu vực tư nhân của nền kinh tế, tập trung vào các nguyên nhân chủ yếu sau: Đơn hàng giảm sút; chi phí đầu vào gia tăng; doanh nghiệp thiếu vốn; biến động thị trường bất động sản ảnh hưởng đến các nhà đầu tư.

TẬP TRUNG THÁO GỠ CÁC NÚT THẮT

Đánh giá về kết quả thực hiện những tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng còn lại năm 2023, đại biểu Nguyễn Minh Sơn tiếp tục phân tích, kết quả quý I tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2023 và thấp hơn nhiều so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%).

Đại biểu cho rằng, để hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch thì các quý còn lại của năm 2023 phải tăng bình quân 7,5 - 8%, đây là thách thức rất lớn trong điều hành, do vậy, Chính phủ cần phải có các giải pháp mạnh mẽ, tháo gỡ các nút thắt hiện nay đã được nhận diện.

Đồng tình với các giải pháp đã được đề cập tại báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị Chính phủ tập trung thêm 3 nhóm giải pháp.

Cụ thể, về đầu tư công: Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải ngân đầu tư công; tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp để điều chuyển cho các dự án quan trọng, cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư từ ngân sách trung ương và các dự án khẩn cấp như ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xử lý nhanh, dứt điểm vấn đề giải phóng mặt bằng; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư; hình thành cơ chế giám sát thực hiện giải ngân vốn đầu tư công để gia tăng nhanh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, tránh lãng phí… 

Về hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu: Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời đảm bảo cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; rà soát, tháo gỡ ngay các rào cản liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm các thị trường, đối tác mới, bên cạnh đó đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, kho bãi… nhằm tiết giảm dịch vụ logistics qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Về chính sách tài chính, ngân sách: Cần kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng nóng ở các thị trường tài sản; kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh chứng khoán, bất động sản; tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư; tăng cường đôn đốc, kịp thời nộp các khoản thu vào ngân sách nhà nước mà cơ quan thanh tra, kiểm toán đã có kết luận, kiến nghị; tăng cường quản lý các nguồn thu từ đất đai, các khoản thu từ thuế, phí, chống thất thu, ẩn, lậu, trốn thuế.

CẦN THÁO GỠ BẤT CẬP TRONG Y TẾ - GIÁO DỤC

Cho ý kiến về việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH trong thời gian tới, đối với lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang cho rằng còn những bất cập trong vấn đề người dân mua bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng đi khám, chữa bệnh, các cơ sở khám, chữa bệnh không cung cứng được thuốc và vật tư y tế trong danh mục BHYT thanh toán, mà phải đi mua bên ngoài.

Đại biểu cho rằng đây là tránh nhiệm của các bộ, ngành liên quan chứ không phải trách nhiệm của người dân. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành phải có trách nhiệm xem xét nghiên cứu thanh toán cho người dân tối đa bằng mức thuốc, vật tư y tế đó trong giá đấu thầu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm và Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm hơn đối với tình trạng thiếu thuốc. Đại biểu chia sẻ với những khó khăn của ngành Y tế nhưng cần phải điều chỉnh lại đối với Luật Dược và Luật BHYT. Bởi vừa qua, tại các buổi tiếp xúc cử tri, cử tri phản ánh than phiền về tình trạng thiếu thuốc ở nhiều nơi.

Đại biểu cho rằng, hiện tại danh mục thuốc được chia theo phân cấp, tuyến xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Khi người bệnh mang toa thuốc về yêu cầu cung cấp toa thuốc của Trung ương thì nhiều cơ sở khám, chữa bệnh không thể cung cấp. Vì vậy cần chỉnh sửa Luật Dược, thay đổi danh mục làm sao ở tỉnh với Trung ương gần giống nhau thì mới giải quyết được tình trạng cử tri than phiền thiếu thuốc.

Đối với vấn đề chuyển chương trình mục tiêu về y tế số về cho địa phương để chi thường xuyên, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, không chỉ Tiền Giang mà tất cả các tỉnh đều đang gặp khó khăn. Bởi khi lập danh mục vắc xin cho chương trình này cũng rất khó. Nếu chia đều về cho các tỉnh thì khi mua mỗi nơi mua một kiểu, chất lượng vắc xin cũng khác nhau. Nếu mua không được thì khi bùng phát dịch, các loại dịch bệnh như bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván… sẽ tăng. Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần có đấu thầu tập trung.

Liên quan đến vấn đề này, tới đây Chính phủ sẽ quyết định xem bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B, đại biểu Nguyễn Văn Dương kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu xem xét lại, bởi hiện nay vẫn còn những ca bệnh nhập viện bệnh nặng, nếu chuyển sang nhóm B thì các chính sách cho tình trạng khẩn cấp để chống dịch không còn nữa, từ đó các địa phương sẽ rất khó khăn. Vì vậy, cần đánh giá nghiên cứu chỉ nên chuyển sang nhóm B khi tình hình thật sự ổn định.  

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, cũng tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang có ý kiến liên quan đến giá sách giáo khoa (SGK).

Đại biểu cho rằng việc đổi mới giáo dục dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có nhiều mặt tích cực nhưng vấn đề SGK vẫn còn gây bức xúc trong cử tri do một bộ sách chỉ sử dụng 1 lần và không thể truyền lại cho các em học sau đó, trong khi giá SGK cao gấp 2 - 3 lần so với trước đây.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp quản lý giá SGK linh hoạt, phù hợp với từng vùng khác nhau để đảm bảo người dân đáp ứng được yêu cầu chương trình đổi mới giáo dục. Đối với Bộ Giáo dục  và Đào tạo (GD-ĐT) cần có hướng dẫn sử dụng đối với SGK, sách tham khảo đối với từng cấp học; có chính sách hỗ trợ đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa có thể mượn sách sử dụng.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT tham mưu Chính phủ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong nhà trường tiến đến áp dụng SGK điện tử nhằm tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước cũng như nguồn lực của từng gia đình.

Chiều 25-5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đồng thời thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)...

MINH TRÍ - THU HOÀI

.
.
.