.

Tembin và những thách thức với ĐBSCL

Cập nhật: 15:11, 27/12/2017 (GMT+7)

Cơn bão số 16 có tên quốc tế là Tembin được dự báo sẽ không ảnh hưởng lớn đến các tỉnh, thành Nam bộ, nhất là các tỉnh ven biển như: Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang… Tuy nhiên, đây được xem là “cú ăn may” của người dân ĐBSCL. Bởi nếu xảy ra đúng như kịch bản ban đầu, bão Tembin không biết tàn phá đến mức độ nào, mặc dù các tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị quyết tâm vào cuộc để phòng, chống bão. Hàng chục ngàn người dân phải di dời đến nơi an toàn, nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh, trường học phải tạm nghỉ để ứng phó với bãoTembin. Mấy ngày nay, Tiền Giang cũng phải “căng mình” để ứng phó với bão Tembin chỉ với mục tiêu duy nhất là hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản nếu có bão xảy ra.

Di dời người dân đến nơi an toàn để tránh bão Tembin vào ngày 25-12. 	Ảnh: MINH THÀNH
Di dời người dân đến nơi an toàn để tránh bão Tembin vào ngày 25-12. Ảnh: MINH THÀNH

Bão Tembin xuất hiện đúng vào những ngày cuối năm 2017 cho thấy những dấu hiệu rất bất thường của thiên nhiên, thời tiết, đặc biệt là đối với các tỉnh, thành Nam bộ, nơi ít xảy ra mưa bão so với những vùng miền khác trong cả nước. Bão Tembin một lần nữa cho thấy thiên nhiên đang “thách thức” Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đúng như những gì các nhà khoa học đã và đang cảnh báo. Bởi theo kết quả nghiên cứu về những biến đổi của tự nhiên trong vùng của Ths. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL đã cho thấy rằng, ĐBSCL hiện đối diện với 3 thách thức chính, gồm: Biến đổi khí hậu (BĐKH) mà tập trung vào sự thay đổi về nhiệt độ, mưa, gió, bão, nước biển dâng; những hiện tượng cực đoan như El Nino gây hạn - mặn mùa khô năm 2016 và những vấn đề phát triển chưa bền vững ở ĐBSCL, trong đó gồm: Sụt lún, khai thác nước ngầm ven biển và ô nhiễm nước mặt sông, rạch ở vùng nội địa.

Bên cạnh mưa, bão một cách bất thường đã và đang hiện hữu, kết quả nghiên cứu của Ths. Nguyễn Hữu Thiện cũng cho thấy một số điểm bất thường liên quan đến tình hình sạt lở của ĐBSCL. Một trong những điểm nổi bật đáng lưu ý nhất là trong 25 năm qua, sạt lở ở ĐBSCL có khuynh hướng trội hơn bồi đắp; nhất là trong 10 năm và 5 năm gần đây, sạt lở càng gia tăng. Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay có hơn 50% tổng chiều dài bờ biển của ĐBSCL đang bị sạt lở dữ dội, có nơi bờ biển lấn sâu vào đến hơn 50 m. Nguyên nhân của tình hình sạt lở trong 25 năm qua, càng về gần đây càng gia tăng là do những yếu tố có biến động bất thường sau năm 1992.

Thực tiễn thời gian qua đã chứng minh rằng, ĐBSCL không chỉ đối mặt với mưa bão, hay sạt lở mà còn với cả hạn và xâm nhập mặn. Con số 10/13 tỉnh trong năm 2016 bị ảnh hưởng bởi hạn hán và nước mặn xâm lấn, 500.000 ha lúa bị mất mùa và với khoảng hơn 2 triệu người dân ĐBSCL (khoảng 12% dân số trong vùng) đang thiếu nước sinh hoạt đã chứng minh rằng chúng ta không thể phụ thuộc vào hệ thống nước tự nhiên nữa, mà cần có giải pháp tổng thể được nghiên cứu đồng bộ, từ việc xây dựng hệ thống dẫn nước, chủ động có các hồ trữ nước và cả việc thay đổi cơ cấu nông nghiệp sao cho phù hợp nhất cho từng tiểu vùng. Tìm kiếm chiến lược thích ứng (thích nghi) với BĐKH nói chung, tác động từ thượng lưu và từ biển, cùng sự tác động đa chiều của công cuộc đô thị hóa, hiện đại hóa mạng kết cấu hạ tầng đồng bộ… sẽ là những vấn đề cần có nghiên cứu cụ thể và ở tầm nhìn dài hạn.

Phát biểu tại Hội nghị Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH do Chính phủ tổ chức tại TP. Cần Thơ gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã đặc biệt lưu ý đến những thách thức của ĐBSCL. Điểm mấu chốt là BĐKH đã và đang diễn ra ngày càng nhanh hơn, khốc liệt hơn so với dự báo trước đây; tác động lớn đến phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân trong vùng. Những tác động tiêu cực của BĐKH đã trở nên nghiêm trọng hơn bởi yếu tố con người như việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên đất, nước... Chưa kể, nhiều ý kiến cho rằng, tác hại của “nhân tai” còn lớn hơn, đến sớm hơn tác động tiêu cực của BĐKH. “Tất nhiên, đây là vấn đề có tính chất liên ngành, vượt qua phạm vi của một ngành và ranh giới hành chính của một địa phương. Còn trên thực tế thời gian qua cho thấy, các chương trình dự án, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp đã và đang được thực hiện theo góc nhìn riêng rẽ của từng bộ, ngành, địa phương, còn thiên về ứng phó cục bộ; không dựa trên việc xem xét tổng thể về không gian, thời gian, liên ngành, liên vùng’’- Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trên cơ sở thực tế hiện nay và xác định bước đi cho ĐBSCL trong thời gian tới, ngày 17-11 Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Quan điểm chỉ đạo chung của Nghị quyết 120 là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa, truyền thống đặc sắc của ĐBSCL. Bên cạnh đó là thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp…

PHƯƠNG ANH

.
.
.