.

Hiệu ứng Sabeco?

Cập nhật: 21:30, 21/12/2017 (GMT+7)

Việc thoái vốn nhà nước thông qua tổ chức đấu giá cổ phần ở Tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là thương vụ thành công ngoài mong đợi cả về việc thực thi chính sách lẫn giá trị kinh tế. Điều đó chứng minh, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không phải là việc quá khó, nếu đặt lợi ích chung lên hàng đầu.

a
Phiên đấu giá cổ phần Sabeco. ( Ảnh: baocongthuong.com. vn)

Việc Bộ Công Thương vừa tổ chức bán đấu giá cạnh tranh hơn 343 triệu cổ phần (tương đương 53,59% vốn điều lệ) của Sabeco đã tăng thu cho ngân sách nhà nước gần 4,8 tỷ USD mở ra cơ hội mới cho tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Việc thoái vốn ở Sabeco thành công ngoài mong đợi đã chứng minh: cơ chế, chính sách pháp luật về cổ phần hóa ngày càng hoàn thiện hơn; Sabeco là thương hiệu lớn, có thị trường và việc thoái vốn được thực hiện một cách khá bài bản.
Hậu thoái vốn ở Sabeco, điều mà dư luận quan tâm, tại sao doanh nghiệp Thái Lan lại dám mua 53% cổ phần, trong khi nhà đầu tư trong nước mua rất ít (gần 6%)? Câu hỏi này sẽ được nhìn qua nhiều lăng kính, nhưng sự thật chúng ta phải thừa nhận là doanh nghiệp trong nước vẫn còn yếu về năng lực tài chính, tầm nhìn và chiến lược kinh doanh còn hạn chế, sợ rủi ro... nên chưa đủ sức tham gia vào những thương vụ kinh doanh lớn.

Cũng có người quan ngại, khi doanh nghiệp nước ngoài giữ cổ phần chi phối ở Sabeco thì thương hiệu sẽ không còn thuần Việt? Lo xa cho thương hiệu là việc cần thiết, nhưng cũng cần nhìn nhận thực tế hơn. Hội nhập kinh tế quốc tế và mở cửa thị trường, doanh nghiệp nội và ngoại đều bình đẳng về cơ hội kinh doanh, miễn là không làm trái luật và cạnh tranh lành mạnh. Một lý do nữa, doanh nghiệp nội hay ngoại bao giờ cũng phải chinh phục lợi nhuận, nên khó có thể tự làm biến dạng thương hiệu Sabeco vốn thân thiện với người Việt để giảm lợi nhuận, tạo ra rủi ro cho chính mình.

Từ thành công của việc thoái vốn ở Sabeco sẽ thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhanh và hiệu quả hơn. Sở dĩ phải nói như vậy là vì việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2017 khó hoàn thành mục tiêu - có thể chỉ hoàn thành 38/44 doanh nghiệp! Chưa hoàn thành mục tiêu đề ra, gánh nặng cổ phần hóa lại cộng dồn vào các năm tiếp theo. Trong lúc ngân sách nhà nước vẫn còn khó khăn, nhiều dự án an sinh xã hội đang khát vốn, thì việc chậm cổ phần hóa, thoái vốn ở doanh nghiệp nhà nước sẽ là thách thức lớn không chỉ tính bằng giá trị kinh tế.

Vì sao cổ phần hóa, thoái vốn ở doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm, dù cơ chế, chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn? Đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, chủ quan là việc dễ, tìm ra “điểm huyệt” và thay đổi tư duy mới khó dường nào. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vẫn còn biểu hiện sợ “mất ghế” sau cổ phần hóa hoặc có những toan tính khác, thì việc cổ phần hóa, thoái vốn vẫn khó về đích nhanh và hiệu quả.

Theo dangcongsan.vn

 

.
.
.