.

"Cứu" không "thoát", cần một cuộc cách mạng về nông sản.

Cập nhật: 08:51, 08/04/2018 (GMT+7)

 Nông sản được mùa, nhưng rồi lại phải “giải cứu”, “cứu” triền miên nhưng vẫn không thể “thoát”. Hết loại này đến thứ khác thay nhau kêu cứu khiến người ta thấy rằng, được mùa… đem đổ không còn là hiện tượng mang tính nhất thời. Được mùa, rớt giá và nay đem đổ dường như là chuyện không mới của ngành nông nghiệp, nhưng cái mới là yêu cầu nền nông nghiệp có một suy nghĩ mới, càng ngẫm càng thấy lo, bởi người nông dân có nguy cơ nghèo dần trên mảnh ruộng của mình!

a
Ảnh minh họa

Mọi quy kết đều đúng, mọi nguyên nhân chỉ ra đều hợp lý, mọi giải pháp đều khoa học, duy chỉ có khoảng lặng mang tên “trách nhiệm” mãi chưa thấy ai lên tiếng.
 
Tôi gặp anh Minh, chủ vườn Sầu Riêng lớn nhất nhì tỉnh Đồng Nai, sau cơn mưa rào bất ngờ lướt qua giữa cái nắng oi ả, anh tất bật “phun”, “xịt” để cứu những chùm bông chưa hé may mắn sót lại, hy vọng vớt vát chút đỉnh.Mấy héc ta Sầu Riêng đang độ tuổi “con gái” của anh Minh đều là giống ngoại nhập, đó là loại giống Monthong, R6 của Thái Lan chất lừ với ưu điểm “cơm vàng, hạt lép, vỏ mỏng, đề kháng tốt” và đương nhiên được thị trường ưa chuộng.
Tôi hỏi anh: Sao không dùng giống Sầu Riêng của Việt Nam? Anh có vẻ ngạc nhiên rồi bảo: “Loại ấy (Sầu Riêng Việt) trồng sao nổi, năng suất thấp, vỏ dày, cơm mỏng, hạt to…”. Anh xổ ra một loạt các “mặt đối lập” để chứng minh cây giống Việt Nam thua đứt giống ngoại nhập.

Bao nhiêu năm làm Sầu Riêng cũng đồng nghĩa với chừng ấy năm anh Minh “kiêm nhiệm” đủ các chức vụ trong kinh tế, nào là “kỹ sư nông học”, “nhân viên Marketting” cho đến “quan hệ khách hàng”… Tuyệt nhiên, vắng bóng cơ quan chức năng, trực tiếp ở đây là ngành nông nghiệp địa phương. Anh Minh chỉ là một trong vô vàn người làm nông nghiệp theo kiểu “tự làm tự chịu”.
Câu chuyện với người làm vườn càng củng cố thêm phán đoán rằng, người nông dân Việt Nam thiếu hẳn một “bệ đỡ” trong sản xuất, tiêu thụ, mặc dù hệ thống có trách nhiệm để hỗ trợ người nông dân không phải nhỏ nếu không muốn nói là khá hùng hậu.

Phụ thuộc cây giống và dư thừa nông sản là hai câu chuyện khác nhau nhưng cùng đi chung nhau trên con đường mang tên “bất ổn”. Để giải quyết vấn đề này còn qua nhiều tầng nấc, nằm sâu xa trong chiến lược, tầm nhìn của các cơ quan hữu quan. Nhưng trước hết phải tìm cho ra: Ai là người chịu trách nhiệm, ai sẽ là "nhạc trưởng "?

Vấn đề đặt ra là ngành nông nghiệp, hội đoàn thể từ trung ương tới địa phương phải làm gì để cắt “cơn khát” thị trường nông sản. Đương nhiên không thể cứ mãi “giải cứu” năm này qua tháng nọ, không thể chỉ giải quyết tình thế.

Có thể thấy mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp đến năm 2020 của Việt Nam khó thực hiện. Khi một mục tiêu đặt ra đã không thể đạt được, thì cách tốt nhất là hãy nhìn lại và tìm ra một lối đi mới hiệu quả hơn. Vậy, lối đi mới là gì? Một chuyên gia lão luyện, người từng cố vấn kinh tế cho nhiều đời Thủ tướng, TS Lê Xuân Nghĩa chỉ ra là nông nghiệp. Nhưng nông nghiệp trước hết phải bắt nguồn từ nông dân, nông thôn, và đến khi nào những người nông dân như anh Minh thôi không phải ôm đồm quá nhiều việc, chỉ an tâm canh tác thì lúc đó nông nghiệp mới đủ sức đứng vững và mang yếu tố lâu dài, làm "bệ phóng" cho đất nước  tiến lên.

(Theo enternews.vn)

 

.
.
.