Nhà báo cần gì để tác nghiệp an toàn trong môi trường số?
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Vietnam+) |
Theo các chuyên gia, các nhà báo cần phải nâng cao cảnh giác để có thể bảo vệ mình và dữ liệu trong môi trường số vốn đang đầy rẫy những thách thức.
Nhận diện nguy cơ
Tại Hội thảo "An toàn số cho nhà báo" được Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức diễn ra chiều 19/4, nhiều chuyên gia cho rằng, kỹ năng an toàn số cho của nhà báo, phóng viên còn nhiều hạn chế.
Thực tế cho thấy, với việc phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã đặt ra nhiều thách thức về an toàn dữ liệu, an toàn thông tin đối với người sử dụng. Chỉ trong hai tháng đầu năm 2018, đã có 1.500 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam (trong năm 2017 là gần 13.000 cuộc tấn công)…
Trong bối cảnh này, vấn đề an toàn tác nghiệp trong môi trường số trở nên ngày càng quan trọng. Trong thời đại báo chí đa phương tiện, đặc biệt với báo điện tử thì dữ liệu, thông tin số và tư liệu vừa là sản phẩm, tài sản chủ yếu của báo chí.
Dẫn giải 12 vấn đề an toàn số với nhà báo của UNESCO, tiến sỹ Vũ Tuấn Anh (Học viện Ngoại giao) cho biết nhà báo phải đối mặt với việc có thể bị giám sát; bị khai thác phần cứng và phần mềm; tấn công lừa đảo; tấn công bằng tên miền giả mạo.
Cùng lúc, họ cũng có thể bị xâm phạm tài khoản của người sử dụng; hăm dọa, quấy rối online; bôi nhọ và xóa thông tin; chiếm đoạt các sản phẩm báo chí; vi phạm sở hữu trí tuệ, bản quyền ngày càng tăng…
Ông Nguyễn Bá, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Infonet thì cho hay, nhà báo cũng như những người sử dụng môi trường số đều có thể bị ăn cắp thông tin. Tuy nhiên, việc tấn công vào nhà báo sẽ có chủ đích cao hơn.
Ngoài ra, nhà báo dễ bị lập tài khoản giả mạo để phát tán thông tin giả mạo. Và, mức độ nguy hiểm của tin giả sẽ cao hơn rất nhiều. Trong một trường hợp khác, nhà báo có thể bị tấn công bằng tin nhắn, bình luận trên mạng xã hội.
Trong một số trường hợp, phóng viên đi làm nếu không tắt định vị rất có thể bị phát hiện và dễ bị lộ khi tác nghiệp…
Tại hội thảo, một số nhà báo cũng chia sẻ mình đã bị tấn công bằng tin nhắn, lập Facebook giả mạo rồi gửi thông tin tới Facebook để khóa tài khoản "chính chủ" trong khi đây là phương tiện liên lạc thường xuyên trong tác nghiệp của họ...
Giữ an toàn thế nào?
Nhiều chuyên gia cho rằng, trước những nguy cơ ảnh hưởng khi hoạt động trong môi trường số, các nhà báo cần phải trang bị những kỹ năng của mình.
Theo tiến sỹ Vũ Tuấn Anh, nhà báo cần phải bảo vệ thiết bị khỏi phần mềm độc hại, bảo vệ thông tin khỏi các mối đe dọa, tạo và duy trì mật khẩu an toàn, bảo vệ tập tin nhạy cảm trên máy.
Cùng lúc, các nhà báo cần biết cách khôi phục thông tin bị mất, bảo vệ bản thân và dữ liệu khi sử dụng các trang mạng xã hội, sử dụng điện thoại di động an toàn…
Nhà báo Hoàng Thiên Nga, Trưởng đại diện Báo Tiền phong kể về những câu chuyện chị bị đe dọa bằng tin nhắn, bôi nhọ trên mạng xã hội, cắt ghép ảnh rồi gán bình luận không tốt đăng trên YouTube… Sau đó, chị đã tự bảo vệ mình bằng cách đề nghị tới các đơn vị chức năng đề nghị làm rõ…
“Trong mọi tình huống, nhà báo nên tự cứu mình trước,” nhà báo Hoàng Thiên Nga nói./.
(Theo TTXVN)