Bằng lái giả, nỗi lo thật
Cập nhật: 21:38, 06/07/2020 (GMT+7)
Câu chuyện sử dụng bằng lái máy bay giả của 250 phi công Pakistan đang gây quan ngại dư luận và là vấn đề nóng của tuần qua. Chưa hẳn các phi công Pakistan đang bay ở Việt Nam sử dụng bằng giả, nhưng qua sự kiện này cũng đặt cho chúng ta nhiều suy nghĩ về an toàn hàng không.
Từ lâu, vấn nạn bằng cấp giả không chỉ là chuyện nhức nhối ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng khá đau đầu với những gian dối trong bằng cấp, từ bằng đại học, thạc sĩ đến bằng bác sĩ, bằng lái xe…Nhưng việc bằng phi công giả thì quả là đáng lo lắng.
Bởi với lĩnh vực giao thông, việc sử dụng bằng giả thật là khủng khiếp, nó đe dọa tính mạng của nhiều người. Lâu nay, chúng ta lo ngại nhiều về bằng lái xe giả, hoặc bằng thật nhưng thi giả. Trong những lần chỉ đạo về công tác bảo đảm an toàn giao thông, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Phó Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt: "Cần thiết đóng cửa các cơ sở dạy lái xe gian dối, thỏa hiệp để bán bằng; cần tăng cường kiểm tra việc thi và cấp bằng nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm".
Từ lâu, tai nạn giao thông luôn là vấn đề nhức nhối đối với nước ta, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc với mục đích kéo giảm tai nạn giao thông hằng năm. Trong đó, việc sử dụng bằng lái xe giả là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.
Chiếc máy bay Airbus A320 số hiệu PK 8303 của Hãng hàng không Quốc tế Pakistan (PIA) chở 91 hành khách và 7 phi hành đoàn đã gặp sự cố vào khoảng 14 giờ 30 phút (theo giờ địa phương) ngày 22-5-2020. ( Ảnh: congan.com.vn) |
Trở lại việc 250 phi công Pakistan sử dụng bằng giả, để đảm bảo tuyệt đối an toàn hàng không, Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) đã có Văn bản 6263/BTGTVT-VT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát, đánh giá lại toàn bộ phi công người nước ngoài đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam rà soát, tạm dừng nhiệm vụ bay đối với các phi công quốc tịch Pakistan đang làm việc cho các hãng hàng không của Việt Nam để kiểm tra tính xác thực của bằng cấp, chứng chỉ.
Đồng thời, rà soát, xác minh tính xác thực đối với bằng cấp, chứng chỉ của tất cả các phi công người nước ngoài đang làm việc cho các hãng hàng không tại Việt Nam và xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả mạo.
Đây là một động thái kịp thời của Bộ GTVT nhằm đảm bảo an toàn hàng không trong nước. Tuy nhiên, các hãng hàng không Việt Nam thường ký hợp đồng thuê phi công nước ngoài qua các công ty môi giới. Theo hợp đồng, các công ty này phải chịu trách nhiệm xác minh và cung cấp các văn bằng, chứng chỉ của phi công cho các hãng; các hãng sẽ xem xét và gửi tới Cục Hàng không Việt Nam. Cho nên, nếu xảy ra gian lận từ khâu thi cử, cấp bằng từ các nước như trường hợp của Pakistan, chúng ta cũng khó trong xác định bằng phi công thật hay giả.
D.S