.

Câu chuyện "nóng" về nước ngọt phục vụ sản xuất

Cập nhật: 19:52, 19/09/2020 (GMT+7)

(ABO) Chưa bao giờ câu chuyện về nước ngọt phục vụ sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại "nóng" như trong năm 2020. Sức “nóng” của câu chuyện nước ngọt không chỉ xuất hiện trong các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm…, mà còn lan tỏa sâu rộng, là vấn đề “thời sự” của người dân ĐBSCL nói chung và Tiền Giang nói riêng.

Cụm từ “biến đổi khí hậu” được nhắc đi nhắc lại trong nhiều năm qua, nhất là trong những năm gần đây. Tuy nhiên, người dân ĐBSCL, nhất là những vùng cách xa biển như huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, TX. Cai Cậy của tỉnh Tiền Giang, quanh năm nước ngọt, thường xuyên hứng chịu lũ lụt, thì dường như còn rất chủ quan, chưa quan tâm.

Thế rồi đợt hạn, mặn năm 2016 ập đến, mặn luồn sâu vào nội đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vườn cây ăn trái, khiến người dân không kịp trở tay. Riêng ở Tiền Giang, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng ở nhiều tuyến sông, kinh uy hiếp nhiều khu vực trồng cây ăn trái, trong đó có vùng trồng sầu riêng của huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy.

Lúc này, người dân ở những vùng trước đây nước ngọt quanh năm, quen hứng chịu lũ lụt ở ĐBSCL dường như choàng tỉnh, cảm nhận rõ nét hơn và không còn chủ quan về biến đổi khí hậu. Ở Tiền Giang, người dân vùng Cai Lậy, nơi được mệnh danh “vương quốc sầu riêng” đã nâng cao ý thức hơn về phòng, chống hạn, mặn.

Về phía chính quyền, sau đợt hạn, mặn năm 2016, tỉnh Tiền Giang đã tập trung xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng, chống hạn, mặn; giải quyết nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân trong tỉnh. Qua đó, hệ thống cống, đập của tỉnh Tiền Giang tương đối hoàn thiện, bảo vệ hàng chục ngàn ha lúa, hàng chục ngàn ha vườn cây ăn trái và hàng ngàn ha hoa màu của nông dân trong tỉnh.

Nhưng rồi đợt hạn, mặn năm 2020 đã vượt xa sự phòng bị, luồn sâu vào nội đồng, uy hiếp không chỉ đối với “vương quốc sầu riêng” vùng Cai Lậy, mà còn xâm nhập đến những vùng mà hằng bao thập kỷ qua chưa biết đến hạn, mặn là gì, như một số xã ở khu vực huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, gây thiệt hại nặng nề. Trong đợt hạn, mặn năm 2020, tính đến ngày 26-6, tổng diện tích cây ăn trái bị thiệt hại do hạn, mặn ở Tiền Giang là 5.343 ha, trong đó tỷ lệ thiệt hại từ 30% đến 70% là 1.434 ha, trên 70% (chết) là 3.909 ha.

a
Thi công đập thép kinh Nguyễn Tấn Thành để ngăn mặn, trữ ngọt trong đợt hạn, mặn năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Qua đợt hạn, mặn năm 2020, câu chuyện về nước ngọt phục vụ cho sản xuất trở thành vấn đề thời sự “nóng” hơn bao giờ hết. Nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm… từ cấp huyện đến cấp Trung ương đã bàn sâu về các giải pháp để khắc phục tình trạng hạn, mặn, trong đó giải pháp đặt ra là phải “sống chung” với biến đổi khí hậu; đồng thời, phải chủ động tích trữ nước ngọt một cách căn cơ và đa dạng. 

Có thể nói, đợt hạn, mặn năm 2020 vừa qua không còn là “cuộc diễn tập” phòng, chống hạn, mặn nữa, mà là “cuộc chiến” thật sự với hạn, mặn. Cuộc chiến này chắc chắn sẽ còn lặp lại trong thời gian tới, khi tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt hơn.

Người dân kỳ vọng trong thời gian tới, các giải pháp về ngăn mặn, tích trữ nước ngọt ở ĐBSCL sẽ được Nhà nước đặc biệt quan tâm, xem đó là việc sống còn của ngành Nông nghiệp, của hàng triệu người dân bao đời gắn bó với ngành cây ăn trái và lúa gạo. Trong đó, vấn đề vận hành các kịch bản, phương án ứng phó theo từng cấp độ của hạn, mặn phải được thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.

THIÊN LÊ

 

.
.
.