.

Nghĩ về lời nói sau cùng của ông Nguyễn Thành Tài

Cập nhật: 10:53, 23/09/2020 (GMT+7)

Trong lời nói sau cùng trong vụ án giao, cho thuê đất “vàng” số 8-12 đường Lê Duẩn, TP. Hồ Chí Minh trái pháp luật, bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2008 - 2011) xúc động trình bày:

"Cuối đời ở tuổi xế chiều dính vào vòng lao lý. Đó là cú sốc rất nặng và trải nghiệm vô cùng nghiệt ngã, cay đắng. Tôi có phần hụt hẫng nhưng tôi không xấu hổ với lương tâm, không xấu hổ với chính bản thân mình vì cố gắng cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, cũng như cống hiến cho sự nghiệp mang lại hạnh phúc cho chính người dân của mình. Nhưng qua đó cũng không tránh khỏi những sơ suất, thiếu sót. Tôi không đổ lỗi cho ai, không đổ lỗi cho hoàn cảnh… Tôi xin chịu sự phán xét và tin vào pháp luật”.

Ông Nguyễn Thành Tài trong giây phút ngắn ngủi tạm biệt người thân - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Nguyễn Thành Tài trong giây phút ngắn ngủi tạm biệt người thân - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ông Tài cũng trình bày không chủ tâm làm việc xấu, không có động cơ trục lợi. Và ông khóc: “Trước hết xin lỗi mọi người vì sự việc đáng tiếc xảy ra và gây ra bao nhiêu lo lắng, công sức của rất nhiều cơ quan, con người và trong phần xin lỗi đó, cho phép tôi xin lỗi mẹ của tôi, gia đình tôi, người thân tôi, xin lỗi các đồng chí lão thành cách mạng đã từng tin tưởng tôi nhưng tôi đã dính vào sự việc đáng tiếc này”.

Lời cuối, ông Tài xin lỗi người dân TP. Hồ Chí Minh: “Tôi Nguyễn Thành Tài, đứa con của Sài Gòn - Gia Định, của TP. Hồ Chí Minh không bao giờ phản bội lại lý tưởng của mình, không bao giờ đi ngược lại lợi ích của nhân dân, nhưng với tinh thần kỷ luật của một đảng viên, tôi sẽ nhận trách nhiệm với những lỗi lầm, thiếu sót mà tôi đã gây ra”.

Theo dõi phiên tòa qua báo chí, tôi rất xót xa về lời nói sau cùng của ông Tài, tôi tin cá nhân ông đã nói thật từ đáy lòng mình là đã không chủ tâm làm việc xấu, không có động cơ trục lợi. Mặc dù, đối với các vụ án khác thuộc loại này, tôi có cảm giác bị cáo còn giấu giếm động cơ gây án thật sự là có động cơ trục lợi như nhận hối lộ, tham nhũng…

Tôi nghĩ, trong các vụ án loại này, có thể tạm phân ra 3 loại: Phạm tội có động cơ trục lợi (có tang chứng, vật chứng kết tội), phạm tội có động cơ trục lợi (không có tang chứng, vật chứng kết tội) và phạm tội không có động cơ trục lợi.

Đau lòng nhất có lẽ là đối với bị cáo loại thứ ba này, như trường hợp của ông Tài. Tôi nghĩ, dù ông Tài không có động cơ trục lợi, nhưng khi đã để xảy ra những “sự việc đáng tiếc” như ông nói mà Hội đồng xét xử đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng thì pháp luật xử tội ông với mức án 8 năm tù là hoàn toàn thỏa đáng.

Điều đó nhắc nhở chung cho xã hội, nhất là ở vị trí cán bộ lãnh đạo có chức, có quyền trong thực thi công vụ dù không có động cơ trục lợi vẫn chưa đủ, mà phải luôn tuân thủ pháp luật. Nếu như pháp luật không xử lý nghiêm minh những người như ông Tài thì nhiều kẻ vịn vào đó để ký bừa, ký ẩu, chưa kể những kẻ có động cơ trục lợi thật sự, hậu quả là tham nhũng, lãng phí tràn lan, gây mất niềm tin trong xã hội.

M.T

.
.
.