(ABO) Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa, vùng trái cây lớn nhất nước; một trong những đồng bằng châu thổ rộng và phì nhiêu ở Đông Nam Á và thế giới. Tuy nhiên, vùng đất này vẫn chưa phát triển xứng tầm với những tiềm năng, lợi thế. Hai vấn đề lớn mà ĐBSCL đang đối mặt là hạ tầng giao thông và biến đổi khí hậu. Nếu biến đổi khí hậu là thách thức mới nhưng khẩn cấp, thì hạ tầng giao thông là điểm nghẽn đã lâu; bởi toàn vùng châu thổ này chỉ có khoảng 39 km đường cao tốc so với cả nước trên 1.000 km, trong khi đó số dân ĐBSCL chiếm trên 20/97 triệu dân cả nước.
|
ĐBSCL hiện chỉ có tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương về tới Tiền Giang |
1- Về hạ tầng giao thông, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng nỗ lực của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thông xe vào tháng 4-2021. Đây có thể xem là dự án cao tốc "chạy đà” cho các dự án tiếp theo.
Cụ thể, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng ĐBSCL sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây cùng với 3 tuyến cao tốc khu vực phía Nam (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) với tổng chiều dài khoảng 998 km.
Tiến độ đầu tư các tuyến cao tốc như Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo quy hoạch được duyệt đến sau năm 2030.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có kiến nghị điều chỉnh lộ trình đầu tư tuyến cao tốc này lên giai đoạn trước năm 2030; đồng thời, bổ sung tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh vào quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam làm cơ sở triển khai thực hiện theo quy định.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, vùng ĐBSCL dự kiến đề xuất đầu tư giai đoạn phân kỳ của 7 tuyến đường bộ cao tốc với tổng vốn đầu tư khoảng 64.554 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 37.272 tỷ đồng, bao gồm các đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc 2 Hồng Ngự - Trà Vinh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.
Đây thật sự là tín hiệu vui, hứa hẹn mở ra cơ hội, tạo thêm động lực cho ĐBSCL cất cánh.
2- Về biến đổi khí hậu, những năm gần đây ĐBSCL đang chuyển từ thái cực này sang thái cực khác; lũ không về nhưng hạn và xâm nhập mặn thì dự báo sẽ thường xuyên đe dọa đến sản xuất, sinh hoạt của người dân khu vực. Có thể nói, ĐBSCL đang đối diện với nhiều thách thức từ thiên nhiên, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài.
Vì thế, việc tìm ra những giải pháp cho toàn vùng là vấn đề cấp thiết phải tính đến. Năm 2017, Chính phủ đã có Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhưng rõ ràng, biến đổi khí hậu đến nhanh hơn dự báo. Chỉ trong 2 năm 2019, 2020 Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần về ĐBSCL chủ trì hội nghị làm việc với các tỉnh để bàn giải pháp ứng phó với hạn, mặn.
Và mới đây Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 36/CT-TTg về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở ĐBSCL.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khảo sát vùng chuyên canh sầu riêng huyện Cai Lậy - Tiền Giang sau đợt hạn, mặn 2019 - 2020. |
Chỉ thị đã nhận định: Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng, sự gia tăng khai thác nguồn nước ở các nước thượng nguồn hệ thống sông quốc tế và gia tăng nhu cầu sử dụng nước cho phát triển nội tại sẽ làm tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn.
Về nước sinh hoạt, chỉ thị nêu rõ: Huy động cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc, tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn hiểu, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trong đó mỗi gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xóm, ấp, làng, xã, huyện, tỉnh cần chủ động có giải pháp phù hợp để dự trữ nước ngọt ngay từ cuối mùa mưa nhằm bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong các tháng mùa khô, không để bị động, bất ngờ.
Về sản xuất, rà soát, khoanh vùng cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn; tính toán, cân đối nguồn nước tưới cần thiết trong toàn bộ thời gian ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chủ động tích trữ nước ngọt, bảo đảm đủ cung cấp cho nhu cầu tối thiểu, tránh ảnh hưởng đến cây trồng.
Thực hiện bố trí cơ cấu mùa, vụ gieo trồng phù hợp, bảo đảm xuống giống sớm vụ đông xuân 2020 - 2021 ở các vùng ven biển nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, nhóm giống chịu mặn, phèn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
|
Ngày 23-9 tại Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh ĐBSCL bàn giải pháp ứng phó hạn, mặn mùa khô 2020 - 2021 |
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi diễn biến và dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và xâm nhập mặn; kịp thời thông tin, cảnh báo cho các địa phương, cơ quan liên quan và người dân vùng ảnh hưởng để phục vụ công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL; đề xuất cấp thẩm quyền xem xét đề nghị tăng cường xả nước từ hồ chứa thủy điện thượng nguồn để góp phần đẩy mặn cho ĐBSCL trong trường hợp cần thiết và hiệu quả…
Rõ ràng, kịch bản ứng phó có tính dài hơi cho cả vùng, của mỗi tỉnh là vấn đề đặt ra cấp bách hiện nay. Người dân ĐBSCL cũng sẵn sàng tâm thế "sống chung" với hạn, mặn, cần chủ động thích ứng, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng sao cho phù hợp.
Người dân ĐBSCL vốn chịu thương, chịu khó, từng vượt qua nhiều thách thức khắc nghiệt của thiên nhiên để tồn tại, phát triển. Nay với sự đầu tư, quan tâm của Đảng, Chính phủ, cùng các bộ, ngành Trung ương và sự chủ động ứng phó của các địa phương, đó sẽ là nền tảng vững chắc để thay đổi từ tư duy sang hành động, tạo tâm thế, động lực cho cả vùng phát triển.
D.S