Sống chung an toàn với COVID-19
COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường trên phạm vi toàn cầu. Đại dịch như sóng thần, tấn công hết đợt này tới đợt khác, các biến chủng mới liên tục xuất hiện. Do đó, việc điều chỉnh linh hoạt chiến lược ứng phó là hướng đi hợp lý và cấp thiết.
COVID-19 có thể trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 gây ra căn bệnh chết người này không ngừng biến đổi và thách thức mọi nỗ lực của con người, khiến những hy vọng trước đây về việc xóa sổ hoàn toàn đại dịch đang dần phai nhạt. Ngày 8/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận rất khó xóa bỏ dịch COVID-19, virus đã thâm nhập sâu trong cộng đồng và sẽ tồn tại lâu dài. Như vậy, WHO đã cho thấy sự thay đổi trong quan điểm ứng phó dịch bệnh từ “Zero COVID-19” (Chiến lược dập tắt hoàn toàn dịch bệnh) sang “sống chung an toàn với COVID-19”. Trên thực tế, đang ngày càng có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ xoay trục chiến lược phòng chống dịch bệnh theo hướng này.
Phát biểu mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, cũng nhấn mạnh phải nhận thức rõ tính chất phức tạp, khó lường của đại dịch. Việt Nam đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, chúng ta sẽ chủ động sống chung an toàn với dịch bệnh, nhanh chóng thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng.
Hơn 1 năm qua, với phương châm “chống dịch như chống giặc”, có thể nói rằng cả nước đã ra trận. Thành quả bước đầu của Việt Nam trong việc khống chế con virus quái ác SARS-CoV-2 là điều không thể phủ nhận. Song dịch bệnh như cơn sóng thần liên tiếp thay đổi, liên tục tấn công, với những biến chủng mới ngày càng nguy hiểm và khó đối phó hơn. Việc phong tỏa, cách ly quá nghiêm ngặt trên diện rộng mỗi khi dịch bùng phát đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội của cả nước; chuỗi cung ứng hàng hóa-sản xuất đứt gãy, nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình kiệt quệ về kinh tế, nguồn lực quốc gia bị bào mòn, hệ thống y tế và một số lực lượng tuyến đầu có dấu hiệu quá tải… Do đó, thay đổi chiến lược sang sống chung an toàn với COVID-19 là bước chuyển mình đúng đắn, uyển chuyển và rất kịp thời lúc này.
Dù với chính sách, chiến lược chống dịch nào, thì quan điểm nhất quán và được ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta đó vẫn là sức khỏe của nhân dân. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy “sống chung với COVID-19” là chiến lược đòi hỏi có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cần hết sức chủ động.
Để sống chung với virus, đưa cuộc sống sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”, vaccine có lẽ vẫn là giải pháp căn cơ nhất, là điểm tựa và cần được coi là ưu tiên số 1 trong chính sách chống dịch. Xác định rõ điều này, Chính phủ đang hết sức nỗ lực đẩy nhanh chương trình phủ sóng vaccine, tiêm phòng COVID-19; đảm bảo hệ thống điều trị đầy đủ thuốc, oxy, các trang thiết bị cần thiết. Bên cạnh ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu, người già, người có bệnh nền và các nhóm đối tượng dễ tổn thương, thời gian tới các ổ dịch lớn cũng sẽ được phân bổ ngay vaccine để “xanh hóa vùng đỏ”, bảo vệ vững chắc các vùng an toàn; cố gắng hoàn thành mục tiêu tiêm chủng COVID-19 cho tối thiểu 70% dân số vào đầu năm 2022.
Để chiến lược sống chung với COVID-19 phát huy hiệu quả, mỗi cấp mỗi ngành cũng cần chủ động hơn trong việc thích ứng với tình hình mới. Việc đảm bảo hoạt động của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay đóng vai trò quan trọng. Chúng ta sẽ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, hàng hóa-dịch vụ. Chúng ta cũng đang ngày càng quen hơn với cuộc sống thương mại điện tử, giao dịch an toàn, giao nhận hàng hóa bảo đảm giãn cách, vận chuyển không tiếp xúc. Đó là những tín hiệu, những bước chuyển mình rất đáng mừng.
Chiến lược chống dịch mới cũng cần có những thay đổi về nếp sống. Xuất phát từ truyền thống là một nước nông nghiệp, người Việt Nam có tính cộng đồng rất cao, nhân dân vốn có đời sống coi trọng tình cảm, sống gắn bó cộng đồng, quây quần gia đình, làng xóm hay khu dân cư. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, lối sống này có lẽ cũng nên điều chỉnh phù hợp. Trong điều kiện phòng chống dịch, các thói quen tụ tập đông người, như hoạt động của các chợ cóc-chợ tạm, cũng nên tiết chế. Việc tổ chức các hoạt động đám cưới, đám giỗ, đám tang, lễ hội… cũng cần cân nhắc và chỉ nên gói gọn trong phạm vi gia đình, tránh tổ chức rình rang, mời quá đông người, dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho cộng đồng. Mỗi người dân nên tự xây dựng và tham gia xây dựng lối sống giản đơn hơn, an toàn cho bản thân và an toàn cho cộng đồng. Đó chính là đời sống văn hóa mới rất nên được thực hành và nhân rộng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam đang thay đổi và chúng ta xác định sẽ chung sống lâu dài với đại dịch. Chúng ta sẽ phải học cách kiểm soát các ổ dịch, song song với mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo sinh kế của nhân dân, duy trì mọi mặt đời sống xã hội… Chiến lược ấy cần có sự chung tay của toàn xã hội và ý thức trách nhiệm của mỗi công dân, vì mục tiêu cuối cùng là chiến thắng đại dịch.
Theo TTXVN