.

Chỗ ở cho công nhân: Nhiều việc cần làm

Cập nhật: 16:58, 16/01/2022 (GMT+7)

(ABO) Quốc hội vừa thông qua gói hỗ trợ, trong đó có khoản tiền lên đến 6.600 tỷ đồng nhằm sẻ chia gánh nặng cho công nhân thuê nhà trọ trong 3 tháng. Nghe tin quả là vui mừng, nhưng nghĩ xa hơn, chỗ ở cho công nhân còn nhiều điều cần phải cải thiện.

Một anh bạn chủ nhà trọ cho biết, ở tỉnh Tiền Giang, thường gian nhà trọ có diện tích tầm 25 - 30 m2 có gác lửng, có nhà vệ sinh, khu bếp riêng biệt cho từng nhà. Nếu đầu tư để cho thuê từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng/gian nhà, hiệu suất lấp đầy trên 70% thì 5 hoặc xa lắm là 7 năm có thể hoàn vốn.

Theo Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê, thu nhập của lao động làm công ăn lương quý II đạt 6,8 triệu đồng (giảm 411 ngàn đồng so với quý I). Nhiều gia đình công nhân, vợ, chồng và 2 con hoặc 2 - 3 người độc thân đến thuê những gian nhà trọ nói trên. Nhìn chung, các gian nhà trọ đáp ứng được nhu cầu nơi ăn, ở. Tuy nhiên, nếu nói là chỗ ở cho công nhân, là nơi có thể: Đáp ứng nhu cầu tái tạo sức lao động, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí sau giờ làm việc, đủ điều kiện để họ tiếp cận các cơ sở giáo dục cho con cái của mình thì chỗ ở cho công nhân còn cần phải cải thiện nhiều.

Các bức xúc đầu tiên cần giải quyết hiện nay là: Điều kiện hạ tầng kỹ thuật khu vực nhiều khu nhà trọ chưa tốt. Giá điện, nước cao hơn giá chính thức. Trật tự, trị an không được bảo đảm. Các việc đó chính quyền địa phương cần thường xuyên phối hợp với Công an, với ngành Công thương kiểm tra, xử lý, khắc phục.

Nhìn xa hơn nữa, nhà trọ không thể chỉ là chỗ ăn, chỗ ngủ, mà còn cần nhiều hơn:

Về vật chất, cần xây dựng tiêu chuẩn của các khu nhà trọ (an ninh đảm bảo, có điều kiện hạ tầng kỹ thuật công cộng phù hợp, diện tích tối thiểu, tiện nghi tối thiểu…). Có thể khuyến khích bằng cách cho chủ nhà trọ vay vốn với lãi suất thấp để xây mới, cải tạo theo quy chuẩn. Từ đó hình thành những khu nhà trọ đạt chuẩn. Các công ty, doanh nghiệp có thể giữ chân người lao động bằng cách trợ giá cho công nhân thuê nhà ở những nơi đó.

Về đời sống tinh thần, hiện công nhân cần nơi giải trí lành mạnh sau giờ làm. Gần khu công nghiệp cần xây dựng các câu lạc bộ, nhà văn hóa có nội dung phù hợp với sở thích giải trí của công nhân. Thí dụ như bằng thẻ công nhân, sau giờ làm công nhân có thể vào nhà văn hóa, câu lạc bộ để chơi bi-da, đánh bóng bàn, hát karaoke, chơi game, xem phim (chiếu thường trực để người ra ca có thể bắt đầu xem bất cứ đoạn nào của phim)… với chi phí có trợ giá. Tiến đến mở những lớp hướng dẫn kỹ năng mềm hoặc tư vấn, hỗ trợ cho công nhân chuyển đổi ngành nghề nâng cao bằng cấp, kỹ năng chuyên môn… nếu họ muốn.

Tổ chức các cơ sở giáo dục (nhà trẻ, trường học) gần khu công nghiệp với giờ giấc, chính sách nhận trẻ vào trường, vào lớp phù hợp, giải quyết được nhu cầu nuôi dưỡng giáo dục con cái của công nhân.

Tất cả mong muốn kể trên chúng ta có thể đạt được không? Tôi tin là được, vì sao? Vì Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến người lao động. Cả hệ thống chính trị đặt nền tảng trên giai cấp công nhân. Ngay cả các nhà đầu tư, chủ của các công ty, xí nghiệp cũng muốn người lao động gắn bó với mình để mang lại lợi ích cho chính họ. Vậy là chỉ còn quyết tâm làm từng bước để người công nhân sống ngày càng hạnh phúc hơn. Họ thật sự xứng đáng được hưởng khi đã cống hiến sức lao động của mình cho xã hội phát triển.

NGUYỄN HUỲNH ĐẠT

.
.
.