.

Giải bài toán nhân lực cho Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 14:53, 08/03/2022 (GMT+7)

(ABO) Tôi sinh ra, lớn lên và làm việc nhiều nơi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Có những lúc đi đây, đi đó, nhìn thấy xứ người, có nhiều thành phố xinh đẹp, sang trọng cũng ở ven sông nhưng đất đai còn không được màu mỡ như đồng ruộng quê mình, mà cảm thấy tủi thân, rồi tự hỏi không biết khi nào quê hương mình mới bằng được người ta?

Mới vừa rồi tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu 28 chữ: “Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, chủ động thích ứng, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công tư, đời sống chất lượng”. Với hội nghị này và việc kiểm tra tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm, rõ ràng ĐBSCL đang được lãnh đạo đặc biệt quan tâm, đem lại niềm tin cho cư dân của vùng đất này.

Tại hội nghị, vấn đề khó khăn về nhân lực cũng được đưa ra. Căn cứ vào thực trạng thì rõ ràng vấn nạn trên đang cản trở sự phát triển của vùng đất này. Nhưng nhìn rộng ra bài toán khó đó vẫn nằm trong tầm tay địa phương nếu khéo vận dụng phương châm "28 chữ" của Thủ tướng để giải quyết.

Thực tế có nhiều người học vị cao, có cương vị quan trọng trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể dục, thể thao… đang sống, làm việc tại các tình, thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương ngay cả tận thủ đô Hà Nội, vốn xuất thân từ các tỉnh ĐBSCL. Nhưng chính tại quê hương ĐBSCL vấn đề nhân lực vẫn là bài toán khó giải. Vì sao? Với trải nghiệm về việc làm của em cháu trong nhà tôi thấy có các nguyên do sau:

Hệ thống các trường đào tạo nghề chưa gắn với thực tế, chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc làm của thanh niên.

Thị trường việc làm tại các tỉnh ĐBSCL chưa thông thoáng, nhu cầu tìm việc, đổi việc của người lao động còn khó khăn nên người lao động có tay nghề cứ muốn đến làm việc tại các thành phố có kinh tế phát triển.

Cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ, cơ hội thăng tiến hiện nay tại cơ quan công quyền làm cho những người trẻ có khát vọng vươn lên, không còn mong muốn làm công chức nữa.

Như vậy, nếu giải quyết được các vấn đề đào tạo nghề nghiệp gắn với nhu cầu lao động; thị trường lao động linh hoạt, dễ dàng tuyển dụng, chuyển đổi (không yêu cầu các bằng cấp không cần thiết); việc tuyển dụng, đãi ngộ công khai, minh bạch tạo cơ hội thăng tiến công bằng cho công chức để thu hút người có năng lực vào cơ quan Nhà nước... Khi giải quyết những vấn đề trên, tôi tin rằng vấn đề nhân lực có thể đáp ứng cho sự phát triển của ĐBSCL.    

NGUYỄN HUỲNH ĐẠT


 

 


 

.
.
.