Thứ Năm, 16/05/2013, 19:33 (GMT+7)
.

Bài báo...Những "hạt sạn" khó chấp nhận đã "thắp lên một que diêm"

“Thà thắp lên một que diêm, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”, xin mượn câu danh ngôn này để cảm ơn tác giả bài viết Đề kiểm tra và đáp án môn Ngữ văn lớp 8: Những “hạt sạn” khó chấp nhận đăng trên báo Ấp Bắc. Bài báo đã “thắp lên một que diêm”, giúp cho nhiều người có cơ hội lên tiếng trình bày những bức xúc của mình.

Ngay từ lúc mở đáp án môn Ngữ văn lớp 8 (kiểm tra học kỳ II, năm học 2012 - 2013), giáo viên các trường THCS trong tỉnh đã rất bất ngờ khi đọc đến câu 5. Với yêu cầu “Nêu suy nghĩ của em về câu tục ngữ “Có chí thì nên”, những tưởng học sinh (HS) sẽ được phép nêu lên những suy nghĩ riêng, không ngờ đáp án lại buộc các em phải “giải thích” và “chứng minh” theo đúng yêu cầu chứ không được có một cách trình bày nào khác!

Bài viết đã dẫn ở trên của tác giả Lê Minh Hoàng có một đề mục rất hay: “Đáp án “né” đề”. Bởi đề bài yêu cầu Bình luận - một kiểu bài các em chưa được học, do vậy đáp án phải “né” sang kiểu bài Giải thích và Chứng minh! Như vậy HS nào không đọc kỹ đề bài chắc chắn sẽ làm bài đúng với đáp án và ngược lại, những HS quan tâm phân tích đề bài (thường là những em có học lực khá, giỏi) sẽ trình bày ý kiến riêng, thậm chí có thể không đồng tình hoàn toàn với nội dung câu tục ngữ, chắc chắn sẽ đạt được số điểm rất thấp!

Đáp án đã làm nhiều giáo viên lúng túng, băn khoăn, tuy nhiên hầu như tất cả các trường đều tuân thủ và cứ chấm theo đáp án này (!). Như vậy kết quả bài kiểm tra học kỳ sẽ rất… không công bằng (điểm số câu này lại là 5,0 điểm). Chưa kể từ nay HS sẽ phải hiểu như thế nào về cụm từ “Nêu suy nghĩ của em” và sẽ làm theo kiểu bài nào trong các đề bài sắp tới?

Chúng tôi đã nhận được nhiều cuộc điện thoại, email trao đổi về vấn đề này. Theo chúng tôi, điều cần làm bây giờ không phải là chất vấn người ra đề, bởi những sai sót đã là một bài học thấm thía không chỉ cho anh (chị) ta. Cũng cần nhắc lại, dù HS lớp 8 chưa chính thức học kiểu bài Bình luận nhưng trong sách Ngữ văn 8 tập hai (SGV) trang 166 có lưu ý giáo viên: “Về đề bài văn nghị luận, như đã trình bày ở SGK Ngữ văn 7, tập hai, thường nêu ra vấn đề, đề mục để HS suy nghĩ, đề xuất suy nghĩ và thái độ của mình trước vấn đề đó, chứ không ra mệnh lệnh...”.

Điều đó có nghĩa là đề bài trên đây vẫn có thể chấp nhận được; đồng thời sẽ có những HS làm bài theo hướng nêu suy nghĩ riêng. Do đó trước mắt các thầy, cô đang chấm bài kiểm tra học kỳ môn Ngữ văn lớp 8 nên vận dụng đáp án một cách linh hoạt, không lệ thuộc vào đáp án một cách cứng nhắc để tránh thiệt thòi cho HS. Khi trả, sửa bài này cho HS, các thầy, cô nên giải thích rõ cho các em hiểu đúng về các kiểu bài và giúp các em yên tâm hơn về điểm số của mình.

Với cách giải quyết này, chúng ta đã thực sự cùng nhau “thắp lên những que diêm”, chung tay giúp cho việc giảng dạy, giáo dục đàn em thân yêu luôn đảm bảo tính khoa học và cả tính sư phạm…

HUỲNH MINH CẢNH

.
.
.