.

Cơ sở giáo dục ngoài công lập "gồng mình" vượt khó thời Covid

Cập nhật: 16:01, 15/04/2020 (GMT+7)

Nghỉ học kéo dài để phòng tránh dịch bệnh Covid-19, các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập đã gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, hơn 2 tháng học sinh không đi học đồng nghĩa với việc các cơ sở giáo dục ngoài công lập không có nguồn thu; thế nhưng, để tiếp tục duy trì hoạt động sau khi hết dịch, các cơ sở này vẫn phải “gồng mình” trả lương để giữ chân giáo viên, nhân viên và trả tiền thuê mặt bằng…

Vệ sinh cơ sở thông thoáng, sạch sẽ tại Trung tâm Ngoại ngữ Cambridge Tiền Giang.
Vệ sinh cơ sở thông thoáng, sạch sẽ tại Trung tâm Ngoại ngữ Cambridge Tiền Giang.

KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT

Khó khăn chồng chất là tình cảnh mà các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang gặp phải. Theo các chủ cơ sở, họ đồng tình với chủ trương nghỉ học để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh, được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, nếu tình hình nghỉ học vẫn còn kéo dài thì rất khó để duy trì hoạt động.

Nhóm Mầm non Bé Thông Minh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang là một trong nhiều cơ sở mầm non tư thục có tiếng của tỉnh, với 3 cơ sở lớn tại TP. Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo, trực tiếp dạy và chăm sóc khoảng 150 trẻ mầm non từ 1 tuổi đến 5 tuổi. Hệ thống nhóm lớp Bé Thông Minh có 50 giáo viên và nhân viên. Một khó khăn lớn nhất của trường hiện nay là việc chi trả tiền thuê mặt bằng quá lớn (khoảng 80 triệu đồng/tháng) tại 2 cơ sở ở TP. Mỹ Tho. Mặt khác, để giữ chân giáo viên, nhà trường đã động viên, ổn định tư tưởng các cô và hỗ trợ phần lương cơ bản, để các cô trang trải cuộc sống gia đình.

Còn tại Trung tâm Ngoại ngữ Cambridge Tiền Giang, hiện tại cũng lâm vào tình cảnh khó khăn tương tự. Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các cơ sở, chi nhánh của Trung tâm trên địa bàn tỉnh đều đã tạm thời đóng cửa. Mỗi ngày, nhân viên của Trung tâm luân phiên đến cơ sở để trực nhật, thực hiện vệ sinh lau chùi, quét dọn và sắp xếp lại tài liệu cho ngăn nắp.

Khó khăn lớn của Trung tâm trong giai đoạn này là việc chi trả tiền thuê mặt bằng và trả lương để giữ chân đội ngũ giáo viên và nhân viên. Theo đó, tiền chi trả mặt bằng mỗi tháng tại 2 cơ sở ở TP. Mỹ Tho trên 70 triệu đồng và đã hỗ trợ phần lương cơ bản cho đội ngũ nhân viên để có thể giữ chân họ trong mùa dịch này. Ứơc tính 2 tháng qua, việc trả lương cho nhân viên và thuê mặt bằng đã “ngốn” vài trăm triệu đồng, trong khi không có nguồn thu.

Ngoài Hệ thống mầm non Bé Thông Minh và Trung tâm Ngoại ngữ Cambridge,  nhiều chủ cơ sở giáo dục ngoài công lập đã cố “gồng mình” trả tiền thuê mặt bằng, lương và đóng BHXH cho giáo viên, nhân viên trong tháng 2, nhưng đến tháng 3 thì nhiều nơi không gồng nổi. Nhiều chủ cơ sở đã bày tỏ lo lắng: Sau đợt nghỉ dịch, không biết số lượng đi học trở lại sẽ bao nhiêu? Thực tế, vì nghỉ học dài ngày nên nhiều phụ huynh đã gửi con về quê, có khả năng sẽ có không ít phụ huynh nhờ ông bà trông coi cháu tiếp.

XOAY XỞ TÌM GIẢI PHÁP

Thật lòng mà nói, để tìm ra hướng tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong đợt dịch bệnh là điều vô cùng nan giải. Có lẽ, trong khó khăn, bằng chính sự nỗ lực của mình, họ đã cố gắng tìm cho riêng mình giải pháp để vượt qua. Tuy nhiên, có lẽ người chịu thiệt thòi, khó khăn nhiều nhất vẫn là đội ngũ giáo viên, nhân viên. Theo đó, trong thời gian phải tạm ngưng việc, nhiều giáo viên đã phải tìm việc làm thêm để cứu cánh cho việc mưu sinh. Cô thì làm lao công, cô thì làm tạp vụ, cô thì bán hàng online…

Ở họ có một điểm chung là mong mỏi dịch bệnh sớm được đẩy lùi để trở lại trường làm việc. Cô Phan Mai Hân, chủ Hệ thống Nhóm lớp mầm non Bé Thông Minh cho biết, trước tình hình nghỉ học kéo dài, tại cơ sở TP. Mỹ Tho, nhà trường đã chủ động mỗi ngày cho 2 cô giáo luân phiên nấu suất ăn dinh dưỡng giao tận nhà cho phụ huynh để trang trải thu nhập.

Bên cạnh đó, trường còn tổ chức lớp học Tiếng Anh giao tiếp online cho các bé và quay các clip hướng dẫn phụ huynh một số trò chơi giúp các bé thư giãn tại nhà. “Giải pháp trước mắt là vậy và mong nhận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho giáo viên, nhân viên ngoài công lập, giúp họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống hiện tại”  - cô Hân tâm sự.

Anh Huỳnh Văn Kha, cán bộ quản lý Trung tâm Ngoại ngữ Cambridge Tiền Giang cho rằng, việc học sinh được nghỉ học ở nhà nhưng không có nghĩa là ngừng học. Thầy cô của Trung tâm đã thể hiện quyết tâm, có nhiều sáng tạo trong việc dạy học online, tương tác kịp thời với học sinh. Theo đó, Trung tâm đã mở khoảng 30 lớp học oline để củng cố kiến thức cho các em. Hầu hết phụ huynh ủng hộ việc học này.

Đ.PHI

.
.
.