.
THỰC HIỆN TINH GIẢN CHƯƠNG TRÌNH HỌC CỦA BỘ GD-ĐT:

Phải đảm bảo chất lượng giáo dục

Cập nhật: 11:12, 13/04/2020 (GMT+7)

Để đảm bảo tiến độ chương trình và kế hoạch năm học đề ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố giảm tải chương trình học kỳ II cho học sinh các cấp học.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, việc tinh giản chương trình học của Bộ GD-ĐT đã đảm bảo cơ bản theo đúng chuẩn kiến thức và kỹ năng, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh chủ động trong kế hoạch giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, việc dạy học theo chương trình học tinh giản không nên đặt nặng về mặt thời gian, mà cần phải đảm bảo chất lượng, chuẩn kiến thức để học sinh có thể học tốt ở những bậc học sau. 

Hiện nay, việc tự học ở nhà, học qua mạng, học trên truyền hình được ngành GD-ĐT ưu tiên, khuyến khích.
Hiện nay, việc tự học ở nhà, học qua mạng, học trên truyền hình được ngành GD-ĐT ưu tiên, khuyến khích.

CHƯƠNG TRÌNH ĐƯỢC GIẢM NHẸ

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, việc tinh giản chương trình đã được đảm bảo theo nguyên tắc chuẩn kiến thức, kỹ năng; tuy nhiên, vẫn đảm bảo được kiến thức để học sinh có thể học được ở lớp tiếp theo. 

Bậc học tiểu học nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh trong lần tinh giản chương trình này. Bởi các kiến thức ở bậc này mang tính chất nền tảng, đặc thù so với các bậc học khác.

Theo nội dung tinh giản, sẽ ưu tiên thời gian tối đa dạy các kiến thức bắt buộc và có phương án tổ chức giảng dạy các môn tự chọn sao cho phù hợp. Còn với các môn: Mỹ thuật, Âm nhạc, Thủ công… sẽ chủ động lược bớt và kết hợp một cách nhuần nhuyễn theo phương châm khuyến khích học sinh tự học theo sự hướng dẫn của giáo viên và phụ huynh.

Đối với bậc học trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT), việc tinh giản kiến thức chủ yếu rơi vào các phần thực hành hoặc hướng dẫn đọc thêm.

Cụ thể, đối với những môn khoa học tự nhiên: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học hay môn Tiếng Anh, khi giáo viên dạy học theo hướng tinh giản cần hết sức thận trọng, bởi các kiến thức giữa các bài học có mối liên hệ với nhau, nếu truyền đạt không khéo thì học sinh có thể hổng kiến thức lớn.

Còn đối với các môn khoa học xã hội: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, việc dạy học tương đối khá dễ dàng, giáo viên có thể chủ động dạy, miễn sao đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Ở các môn: Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật, nhà trường cũng có thể dễ dàng kết hợp với phụ huynh để có thể giúp học sinh tự học, tự rèn luyện.

CÙNG NHAU VƯỢT KHÓ

Nhìn nhận ở góc độ thực tế, có thể thấy, việc tinh giản chương trình ở các bậc học là điều rất cần thiết; thế nhưng, khi giáo viên áp dụng vào thực tiễn thì không hề đơn giản, bởi yếu tố về chất lượng lúc nào cũng phải đặt lên hàng đầu.

Theo đánh giá của các cán bộ quản lý, thời điểm sau khi đi học trở lại, các trường sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình dạy học theo tinh giản chương trình. Bởi nếu không có kế hoạch kiểm tra cụ thể sẽ xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm, sẽ vô cùng tai hại và người gánh chịu không ai khác chính là học sinh, không khéo các em sẽ hổng kiến thức lớn.

Một trách nhiệm lớn lao của các nhà trường, của các tổ chuyên môn trong quá trình giảng dạy là việc thiết kế các bài kiểm tra như thế nào nhằm phù hợp với chương trình đã tinh giản, không gây áp lực cho học sinh nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng, đó là vấn đề khiến các trường đang trăn trở.

Bên cạnh niềm vui của nhiều học sinh khi nhận được thông tin tinh giản chương trình, thì lo lắng nhất vẫn là học sinh lớp 9 và lớp 12 phải tham gia 2 kỳ thi lớn là THPT Quốc gia và kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ học đề thi như thế nào? Bởi thực tế đã cho thấy, đây là kỳ thi nhằm tuyển chọn, nghĩa là có sự cạnh tranh, hơn thua với nhau ở điểm số, chính vì vậy sẽ có các câu hỏi mang tính chất nâng cao để phân loại thí sinh sẽ có trong đề thi.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là học sinh cần phải cố gắng thật nhiều, bên cạnh các kiến thức cơ bản, các em nên tự tìm hiểu, rèn luyện các đề thi một cách nhuần nhuyễn, nếu có bất kỳ khó khăn hãy tìm ngay đến giáo viên để được hướng dẫn.

Có thể thấy, theo kế hoạch kết thúc năm học mà Bộ GD-ĐT đưa ra là ngày 15-7, thế nhưng trước những diễn biến khá phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thì thời gian đi học trở lại chưa biết. Thiết nghĩ, trên cơ sở công bố chương trình tinh giản của Bộ GD-ĐT, ngành Giáo dục tỉnh nhà cần có nhiều kịch bản sao cho hợp lý để có thể đảm bảo đúng tiến độ đề ra, nhưng vẫn đảm bảo đúng chất lượng cho học sinh.

Đ. PHI

.
.
.