.
TRƯỜNG THPT NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, TP. MỸ THO:

Khi học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học

Cập nhật: 21:27, 20/12/2020 (GMT+7)
 (ABO) Thông tư 32 về điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức có hiệu lực từ ngày 1-11-2020, trong đó có việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học.
 
Thông tư 32 được ban hành, nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh, giáo viên, nhà quản lý giáo dục, chuyên gia giáo dục… Có ý kiến cho rằng, quy định này có thể phát sinh những hệ quả xấu như học sinh sử dụng không đúng mục đích học trên lớp, giáo viên khó quản lý vì lớp học đông… Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến đồng tình, cho rằng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy và học cần được áp dụng nhằm tăng chất lượng giáo dục.
 
Cô Trương Thị Phương Khanh, giáo viên giảng dạy Tiếng Anh cho biết những giờ học Tiếng Anh được sử dụng điện thoại học sinh vô cùng thích thú và tiếp thu bài nhanh.
Cô Trương Thị Phương Khanh dạy Tiếng Anh cho biết, những giờ học Tiếng Anh được sử dụng điện thoại học sinh vô cùng thích thú và tiếp thu bài nhanh.
 
Sau khi khảo sát, lấy ý kiến phụ huynh, học sinh, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã cho phép học sinh dùng điện thoại thông minh trong lớp học. Việc sử dụng điện thoại phải được giáo viên cho phép, nếu không học sinh sẽ bị thu điện thoại đến cuối học kỳ mới trả.
 
Qua hơn 1 tháng cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học, từ thực tiễn của nhà trường, qua đánh giá sơ bộ: Việc cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học rất hiệu quả. Những bài học mà tranh ảnh, lời nói của giáo viên chưa lột tả được thì qua truy cập trên Internet từ điện thoại thông minh sẽ giúp cho bài học sinh động hơn. Chẳng hạn, về phản ứng hóa học diễn ra thế nào; cấu trúc thành phần hóa học, gen; tính cách nhân vật trong văn học… hay những giờ học Tiếng Anh, điện thoại thông minh hỗ trợ rất nhiều trong việc dạy và học của thầy và trò.
 
Em Lê Tường Minh Thy, học sinh lớp 10A1 cho biết: “Lớp em được các thầy, cô bộ môn cho sử dụng điện thoại thông minh vào các môn học như Anh văn, Tin học, Hóa học và Quốc phòng. Những giờ học sử dụng điện thoại vô cùng thích thú, nó giúp chúng em tìm kiếm được nhiều kiến thức mới. Chúng em không sử dụng một cách tùy tiện mà tất cả đều phải đặt dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn một cách nghiêm ngặt”. 
 
Cô Trương Thị Phương Khanh, giáo viên dạy Tiếng Anh của trường cho biết: “Tiết học rất linh động, không còn nhàm chán, mà nó đã thoát ra khỏi không gian lớp học, trường học. Nhiều ứng dụng, trò chơi học Tiếng Anh vừa giải trí vừa học tập khiến học sinh vô cùng thích thú”. 
 
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu Lê Bá Ngọc cho biết: “Đây là phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực mà nhà trường khuyến khích giáo viên sử dụng để đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Căn cứ từng bài học cụ thể, nếu thấy không nhất thiết cần đến điện thoại, thầy cô giáo có thể yêu cầu học sinh không được dùng điện thoại. Nhà trường đã giao quyền cho các giáo viên quyết định, việc học sinh có được sử dụng điện thoại trên lớp hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu của môn học, tiết học cụ thể, trong khoảng thời gian nhất định, chứ hoàn toàn không “thả nổi” để các em sử dụng một cách thoải mái”. 
 
P. PHƯƠNG
 
 
.
.
.