.
CHỨNG CHỈ CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP:

Cần gỡ khó trong triển khai thực hiện

Cập nhật: 09:16, 19/04/2021 (GMT+7)

Có lẽ, chưa bao giờ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp (CDNN) lại được bàn tán nhiều trong ngành Giáo dục như hiện nay. Bởi nhiều người cho rằng, những tiêu chuẩn về CDNN mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định cũng như các hình thức chuyển đổi là chưa ổn, còn tồn tại nhiều bất cập. Tuy nhiên, chứng chỉ CDNN là quy định của Bộ GD-ĐT đòi hỏi cán bộ, giáo viên toàn ngành phải tuân thủ thực hiện.

Bộ GD-ĐT đã có quy định mới về triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn CDNN và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Sự việc tưởng chừng như đơn giản nhưng bản chất lại vô cùng phức tạp, vấp phải nhiều phản ứng từ dư luận.

NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

Việc quy định tiêu chuẩn CDNN là cần thiết, hoàn toàn bình thường theo Luật Viên chức và các luật, quy định liên quan khác nhằm đổi mới nâng cao chất lượng tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, xếp lương cho giáo viên. Tuy nhiên, điều cần làm quan trọng ở đây là ngành GD-ĐT phải chỉ rõ vị trí việc làm của giáo viên, tức là mỗi cá nhân phải mô tả công việc của mình ở 2 khía cạnh là trách nhiệm và nhiệm vụ ở mỗi vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục, vì nếu không mô tả rõ ràng vị trí việc làm thì việc xác định các tiêu chuẩn để xếp ngạch, xếp lương sẽ lúng túng, phức tạp.

Cán bộ, giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu trao đổi về việc thực hiện các quy định về CDNN mà Bộ GD-ĐT quy định.
Cán bộ, giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) trao đổi về việc thực hiện các quy định về CDNN mà Bộ GD-ĐT quy định.

Như vậy, trong trường hợp này thì vai trò của thủ trưởng các cơ sở giáo dục là vô cùng lớn trong việc xây dựng tiêu chuẩn CDNN cho mỗi cán bộ, giáo viên làm sao phải khách quan, tránh trường hợp duy ý chí, mang tính áp đặt.

Thực tế khi phân tích kỹ các quy định của Bộ GD-ĐT trong các Thông tư 01, 02, 03 và 04 cho thấy đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế và bất cập. Phân tích từ thực tiễn nhà trường, Hiệu trưởng Trường THCS phường 1, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang, cho rằng, nếu theo Thông tư 03 về các điều kiện chuẩn giáo viên hạng II (mới) thì Trường THCS phường 1 có khoảng 36% giáo viên đủ điều kiện xếp chuyển sang hạng II (mới), như vậy vượt so với Quyết định 2686 ngày 8-9-2020 của UBND tỉnh Tiền Giang về phê duyệt danh mục vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo CDNN trong các cơ sở giáo dục tiểu học, trung học cơ sở phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là trong trường hợp giáo viên đủ điều kiện xếp chuyển thì hồ sơ phải làm thế nào, cơ quan nào hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên cũng thắc mắc, theo Thông tư  01, 02, thì giáo viên mầm non, tiểu học hạng IV (theo Thông tư 20, 21 cũ) khi chuyển sang hạng III (mới) vì sao không cần chứng chỉ CDNN hạng III?

Còn theo phân tích của cô Bùi Thị Xuân Trang, một giáo viên ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang với những quy định trong các thông tư mà Bộ GD-ĐT đưa ra đã vô hình trung quy chụp đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo được xếp phân hạng. Câu chuyện sẽ không hề đơn giản khi căn cứ nào lại cho rằng giáo viên hạng thấp hơn sẽ không gương mẫu so với giáo viên hạng cao hơn. Đạo đức nghề nghiệp là quy tắc ứng xử chuẩn mực, trách nhiệm, nghĩa vụ của giáo viên.

Và hơn ai hết, mỗi người khi đã chọn nghề giáo thì sẽ hiểu rất rõ cụm từ đạo đức nghề nghiệp để luôn phấn đấu là tấm gương sáng cho học trò noi theo. Vì thế, để tránh tranh cãi khi phân hạng đạo đức theo tiêu chuẩn CDNN cần làm rõ khái niệm đạo đức nghề nghiệp, không thể diễn đạt tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp qua vài ba câu từ để phân loại.

Có thể thấy, câu chuyện bàn tán về chứng chỉ CDNN trong ngành GD-ĐT trong thời gian qua là do sự thay đổi giữa thông tư cũ và thông tư mới khiến nhiều giáo viên lo lắng, vì để được bổ nhiệm vào vị trí mà các giáo viên đang giữ thì cần phải đi học một số chứng chỉ bổ sung. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã kịp thời có Công văn 971 giải quyết một phần vướng mắc, tâm tư lo lắng cho giáo viên nhưng công văn này chỉ mới giải quyết một phần của vấn đề, bởi việc phát sinh chứng chỉ thực hiện từ thời điểm các thông tư có hiệu lực.

CẦN TẬP TRUNG THỰC HIỆN

Nhiều giáo viên cho rằng, mặc dù quy định của Bộ GD-ĐT thể hiện trong nội dung của các thông tư còn nhiều điểm hạn chế nhưng đối với những ai công tác trong ngành GD-ĐT thì đây vẫn là quy định phải tuân thủ thực hiện. Tuy nhiên, đa phần giáo viên không chỉ của Tiền Giang mà của cả nước đều mong muốn các ngành chức năng mà đặc biệt là Bộ GD-ĐT cần rà soát và điều chỉnh lại những bất cập được thể hiện trong các thông tư.

Theo Trưởng Phòng Tổ chức và Quản lý cán bộ, công chức, viên chức - Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Quang, Sở GD-ĐT cần tiếp tục nghiên cứu, phổ biến đến giáo viên các điều kiện chuyển xếp hạng giáo viên theo Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ GD-ĐT để giáo viên không bị ảnh hưởng đến công việc cũng như dư luận không tốt trong xã hội. Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục cần căn cứ vào vị trí việc làm đã được phê duyệt tại các Quyết định 3130, 2686, 1715 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc phê duyệt danh mục vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo CDNN trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn đề nghị Phòng GD-ĐT cần phối hợp Phòng Nội vụ, Phòng Tài chính của các địa phương trên địa bàn tỉnh tham mưu UBND cùng cấp phê duyệt đề án vị trí việc làm, phương án xếp hạng giáo viên. Đối với những trường hợp bổ nhiệm ngạch giáo viên mà hệ số lương từ 4,0 trở lên phải báo cáo về cơ quan Nội vụ cùng cấp để trình UBND huyện, tỉnh. Đối với những trường hợp chưa bổ nhiệm ngạch giáo viên theo các thông tư liên Bộ Nội vụ - Bộ GD-ĐT tại các Thông tư 20, 21, 22, 23 thì thực hiện ngay để chuẩn bị chuyển xếp vị trí việc làm theo các thông tư mới của Bộ GD-ĐT, khi thực hiện chuyển xếp vị trí việc làm cần đối chiếu các quy định nhiệm vụ, tiêu chuẩn trong các thông tư.

P. PHƯƠNG

 

.
.
.