.

Nỗi lo thiếu giáo sư, phó giáo sư

Cập nhật: 11:05, 17/12/2022 (GMT+7)

Từ năm 2013 đến năm 2022, số giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) giảm rõ rệt, có ngành học 10 năm không có ứng viên nào. Việc này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đào tạo sau đại học mà còn dẫn đến thiếu các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực quan trọng.

a
Trường ĐH Sư phạm TPHCM trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ năm 2022 ngành tâm lý học

Sụt giảm ứng viên

Năm 2022, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công nhận 383 ứng viên đạt chức danh GS, PGS. Trong đó, ứng viên đạt chức danh GS là 34 người, PGS là 349 người. Trong 10 năm qua, đây là con số thấp nhất, trong đó có 19/28 ngành giảm số ứng viên được công nhận GS, PGS; nhiều ngành giảm trên 60% (Dược học từ 12 ứng viên năm 2013 xuống còn 4 ứng viên năm 2022; Luyện kim từ 3 còn 1; Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học, Nhân học từ 15 còn 2; Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao từ 19 còn 4). Riêng ngành Tâm lý học, năm 2022 không có ứng viên nào đạt chức danh GS, PGS; còn ngành Pháp y thì đã 10 năm nay không có ứng viên nào.

Thống kê của Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho thấy, số GS, PGS được công nhận nhìn chung tăng trong giai đoạn 2013-2017. Riêng năm 2017, số GS, PGS đạt chuẩn tăng lên 1.131, cao nhất trong 41 năm kể từ khi bắt đầu phong hàm GS, PGS. Theo nhiều chuyên gia, “chuyến tàu vét” năm 2017 là năm cuối xét công nhận GS, PGS theo tiêu chuẩn cũ (Quyết định 174 năm 2008), không yêu cầu ứng viên phải có công bố quốc tế.

Tháng 10-2018, Quyết định 37 của Chính phủ về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS có hiệu lực, thay thế Quyết định 174. Và kể từ thời điểm này, số GS, PGS sụt giảm mạnh so với giai đoạn trước. So với năm 2017, số ứng viên đạt chuẩn từ năm 2019 đến nay chỉ bằng 1/3. Theo một chuyên gia ngành Tâm lý học, số GS ngành này tại Việt Nam đến nay mới có 10 người, nhưng một nửa đã mất hoặc nghỉ hưu, chỉ còn 5 người đang làm việc. Trong 7 năm qua, bộ môn Tâm lý học của Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) chỉ có một ứng viên. 

Ngoài ngành Tâm lý học thì một số ngành khác như Khoa học xã hội, Triết học - Chính trị học - Xã hội học, Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao, Ngôn ngữ học, Văn học đều thuộc nhóm ngành giảm số GS, PGS nhiều nhất. Riêng ngành Y, ngành luôn thuộc nhóm có nhiều GS, PGS được công nhận nhất, cũng có chuyên ngành khan hiếm nhân lực trình độ cao, đó là ngành Pháp y.
Nỗi lo thiếu giáo sư, phó giáo sư ảnh 1 Trường ĐH Sư phạm TPHCM trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ năm 2022 ngành tâm lý học

Nghiên cứu của Viện Sức khỏe cộng đồng (kết quả nghiên cứu năm 2020) cho thấy, cả nước có 63 phòng, trung tâm, tổ chức giám định pháp y. Trong 790 cán bộ, nhân viên thì có 194 giám định viên, 262 bác sĩ pháp y và 157 kỹ thuật viên y, còn lại là nhân viên văn phòng hoặc chuyên môn khác. Trong khi đó, trung bình mỗi năm, khoảng 45.000-50.000 vụ việc cần giám định!

Cần có giải pháp căn cơ

Theo Quyết định 37 của Chính phủ, ứng viên GS phải là tác giả chính công bố 3 bài báo khoa học hoặc bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế… Ứng viên PGS phải là tác giả chính đã công bố ít nhất 2 bài báo khoa học hoặc bằng độc quyền sáng chế.

Từ ngày 1-1-2020, ứng viên GS là tác giả chính của ít nhất 5 bài báo khoa học đã công bố; ứng viên PGS là 3 bài. Để được công nhận, những nghiên cứu này phải được đăng trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus (hai hệ thống dữ liệu uy tín trên thế giới đăng tải tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học) hoặc danh mục khác do Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định. Những tiêu chuẩn này được coi là nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm ứng viên GS, PGS ở một số ngành.

PGS, TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Khoa học Công nghệ (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết, công bố quốc tế hiện nay với nhóm ngành xã hội thực sự là khó khăn chung, chứ không riêng ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM). Thực tế, nhiều ngành khoa học xã hội (Tâm lý, Triết học, Lịch sử, Chính trị…) có ý nghĩa quan trọng không kém các ngành khoa học khác. Do đó, để giúp tăng công bố quốc tế cho những lĩnh vực này, ĐH Quốc gia TPHCM đã thành lập trung tâm hỗ trợ ngoại ngữ, cập nhật và hướng dẫn các quy định về công bố quốc tế.

Cùng với đó, ĐH Quốc gia TPHCM tìm kiếm các nguồn tài chính và nhiều đề tài lớn để hỗ trợ các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nghiên cứu và công bố quốc tế. Với những giải pháp như vậy, hy vọng công bố quốc tế trong lĩnh vực này trong thời gian tới sẽ tăng lên.

Trong khi đó, một phó chủ tịch của Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, tiêu chuẩn để phong hàm GS, PGS là không thể hạ thấp. Việc ngành Tâm lý thiếu GS, PGS chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các nghiên cứu của ngành cũng như về đào tạo sau đại học (phải có đủ số lượng GS, PGS theo quy định). Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta đã thấy được vai trò của ngành Tâm lý học như thế nào trong vấn đề tư vấn, hỗ trợ các bệnh nhân.

Do đó, trước hết bản thân các cơ sở đào tạo phải có sự điều chỉnh, nhất là hệ đào tạo sau đại học. Chương trình đào tạo cao học, tiến sĩ phải tăng cường nội dung hướng dẫn học viên phương pháp nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế, tăng cường năng lực ngoại ngữ. Ngoài ra, các đề tài nghiên cứu cần tập trung nội dung và hàm lượng khoa học nhiều hơn là trình bày câu chữ, lý thuyết suông.

Còn theo một thành viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, không thể làm khác với thông lệ quốc tế về công bố khoa học và lại càng không thể dễ dãi với tiêu chuẩn GS, PGS. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học rất có giá trị nhưng nếu không công bố quốc tế thì thế giới không biết đến, và như thế sẽ làm giảm giá trị của đề tài. Do đó, các cơ sở đào tạo phải nâng chất lượng đào tạo đồng bộ, trước hết phải từ đội ngũ giảng viên. Các giải pháp đồng bộ về chất lượng đào tạo sẽ thúc đẩy và hỗ trợ lẫn nhau, giúp hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học phát triển.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có khoảng 300 trường đại học với 682 GS, 4.760 PGS giảng dạy toàn thời gian. Con số này là thấp so với nhu cầu trong nước và tương quan khu vực.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.