.

 Sự sàng lọc cần thiết!

Cập nhật: 15:16, 17/12/2022 (GMT+7)

Những năm gần đây, số lượng sinh viên các trường đại học bị buộc thôi học do kết quả học tập quá thấp, nhiều lần bị cảnh báo học vụ đang có xu hướng gia tăng. Dư luận cho rằng, tín hiệu này cho thấy sự kiên quyết, nghiêm túc trong đào tạo tại các trường đại học, đồng thời cũng là lời cảnh báo đối với những sinh viên thiếu cố gắng trong học tập, rèn luyện…

a
Danh sách sinh viên Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh bị buộc thôi học đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh chụp màn hình.

Mới đây, thông tin về việc Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh buộc thôi học và cảnh báo nguy cơ buộc thôi học đối với hơn 120 sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Cụ thể, 37 sinh viên chính quy bị buộc thôi học do có điểm tổng kết trung bình ở cả 2 học kỳ của năm học 2021-2022 dưới... 1.0 (tính trên thang điểm 4.0). Ngoài 37 sinh viên bị đuổi học, Trường cũng cảnh báo học vụ đối với 89 trường hợp vì điểm trung bình tích lũy toàn khóa, trung bình học kỳ 2 năm học 2021  -2022 thấp. Nếu kết quả học tập không được cải thiện và bị cảnh báo học vụ lần 2 liên tiếp thì 89 sinh viên này cũng sẽ bị buộc thôi học theo quy định.

Thực tế hằng năm, tại các trường đại học đều có một số lượng không nhỏ sinh viên bị buộc thôi học do kết quả học tập quá thấp, nhiều lần bị cảnh báo học vụ. Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Phong Điền (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) từng thẳng thắn chia sẻ rằng hằng năm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có khoảng 700 - 800 sinh viên phải ra khỏi hệ chính quy do không đảm bảo yêu cầu của nhà trường. Ngoài ra có 40% phải trả nợ môn đến năm thứ 6 mới ra trường được. 70-80% trong số sinh viên bị buộc thôi học do sa đà, xác định mục tiêu không rõ ràng. Số còn lại xuất phát từ những nguyên nhân như mất động lực, ốm đau…

Còn tại Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, chỉ khoảng 70% sinh viên đầu vào có thể tốt nghiệp ra trường đúng hạn. Có từ 5-6% sinh viên/khoá bị buộc thôi học do hết quả học tập yếu kém.

Liên quan đến số sinh viên bị buộc thôi học hằng năm, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, kiên quyết xử lý sinh viên không đáp ứng yêu cầu đào tạo là việc làm cần thiết đối với các trường đại học. Việc sàng lọc này là khách quan, đúng quy định vì nếu cố gắng giữ lại các sinh viên có thành tích học tập không tốt, thiếu ý thức vươn lên thì sẽ triệt tiêu động lực cố gắng của những sinh viên khác; ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín đào tạo của nhà trường. Mặt khác, nếu không xử lý hoặc “tạo điều kiện” cho tốt nghiệp thì các sinh viên này cũng sẽ không có kiến thức chuyên môn tốt để có thể bước chân vào thị trường lao động; vô hình chung sẽ gây lãng phí thời gian, chi phí học tập của họ.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Trần Đình Lý (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: "Các trường không mong muốn phải cảnh báo học vụ, buộc thôi học sinh viên nhưng đây là việc phải làm để các trường đảm bảo chất lượng đào tạo, sàng lọc và đảm bảo sản phẩm đầu ra của các trường đáp ứng được nhu cầu của xã hội”.

Đồng tình với quan điểm nói trên, PGS.TS Trần Hoàng Hải, (quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thương hiệu của trường là công sức của thầy cô và sinh viên. Thầy phải dạy tốt, trò cũng phải học tốt. Do vậy, sinh viên phải thường xuyên cố gắng học tập và xem xét những cảnh báo của nhà trường để có phương hướng khắc phục, tránh bị buộc thôi học. Sẽ không có chuyện thay đổi để giảm nhẹ yêu cầu với sinh viên, vì như vậy sẽ giảm uy tín của trường.

a
Danh sách sinh viên Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh bị buộc thôi học đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh chụp màn hình.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên không theo được nhịp học ở đại học dẫn đến tình trạng học kém, bị cảnh cáo hoặc bị buộc thôi học. Ngoài lý do kết quả học tập yếu kém thì còn có thể do các sinh viên này chọn không đúng ngành nghề nên quyết định tự bỏ các môn học để chuyển sang trường khác với ngành nghề khác. Cũng có một bộ phận sinh viên bị hụt hẫng bởi sự khác biệt về phương pháp học tập bậc học phổ thông và đại học nên không theo kịp, nản chí và không cố gắng trong quá trình học.

Thậm chí, có nhiều sinh viên từng là học sinh giỏi các cấp, nhưng khi vào đại học lại không thể trụ được, bị buộc thôi học do thiếu kỹ năng, ngại học tập... Bên cạnh đó, một số sinh viên bị tác động bên ngoài nên không tập trung vào việc học, kết quả kém và bị cảnh báo, buộc thôi học.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, ngay từ khi trúng tuyển, sinh viên phải xác định việc học đại học rất khác với phổ thông. Bậc đại học cần sự tự giác, tự lập kế hoạch tập và tự học, tự nghiên cứu với sự hướng dẫn của giảng viên. Đại học không phải là “học đại”, đó là quá trình đòi hỏi sinh viên phải phấn đấu liên tục, không ngừng nghỉ.

Các trường luôn đặt ra những giới hạn nhất định cho sinh viên để đảm bảo chất lượng đầu ra. Vì thế, sinh viên đỗ vào trường nhưng phải nghiêm túc học tập, đạt chuẩn đầu ra mới được tốt nghiệp. Dù muốn hay không, sinh viên phải xác định rõ nhiệm vụ chính là học tập và nghiên cứu, không sa đà vào việc khác dẫn đến lơ là học tập để bị cảnh báo học vụ, buộc thôi học.

Đặc biệt, nhìn nhận ở góc độ hướng nghiệp, thí sinh trước khi đăng ký vào đại học cần có được những định hướng nghề nghiệp cơ bản; chỉ lựa chọn ngành nghề đào tạo khi thực sự hiểu rõ về nghề đó. Quan trọng là thí sinh phải tự đánh gia được khả năng, năng lực của bản thân; tham khảo các tiêu chí như chỉ tiêu, chương trình đào tạo, nhu cầu xã hội, việc làm sau khi ra trường... để lựa chọn trường, ngành nghề theo học cho phù hợp; tránh việc chọn nghề theo trào lưu hoặc chọn những nghề có yêu cầu cao, vượt quá khả năng, năng lực bản thân…  

Đối với các trường đại học, để đảm bảo uy tín đào tạo và chất lượng đầu ra, việc sàng lọc và buộc thôi học những sinh viên yếu kém là yêu cầu khách quan. Tuy nhiên, để hạn chế sinh viên bị cảnh báo, buộc thôi học, các trường đại học nên đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp để học sinh, sinh viên có được sự lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn; đa dạng hóa những dịch vụ hỗ trợ sinh viên như triển khai công tác cố vấn học tập, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp, mở lớp học miễn phí, hoặc cho sinh viên chuyển ngành khác nếu đủ điều kiện.

Chú trọng xây dựng không gian học tập mới, giảng đường mới, nâng cấp phòng thí nghiệm, khu thể dục thể thao giúp sinh viên hứng thú trong học tập và tiếp thu kiến thức. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hỗ trợ tài chính, động viên sinh viên trong quá trình học tập, tạo môi trường học tập tích cực, lành mạnh, thân thiện trên tình thần đồng hành cùng người học.

Theo dangcongsan.vn

.
.
.