.
NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM NĂM 2024:

Lan tỏa sâu rộng giá trị của sách và văn hóa đọc

Cập nhật: 10:05, 15/04/2024 (GMT+7)

Năm nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam diễn ra từ ngày 15-4 đến hết ngày 1-5 trên phạm vi cả nước với các thông điệp “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”.

Học sinh Trường Tiểu học Bình Phú (huyện Cai Lậy) đọc sách tại Góc Thư viện xanh của trường. Ảnh P.M
Học sinh Trường Tiểu học Bình Phú (huyện Cai Lậy) đọc sách tại Góc Thư viện xanh của trường. Ảnh P.M

Năm 2024 là năm thứ ba Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam diễn ra, với mục tiêu đưa sách tới càng nhiều người đọc càng tốt. Sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ được tổ chức đa dạng, phong phú, sôi nổi với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và bạn đọc, bao gồm nhiều hoạt động trực tiếp và trực tuyến, nhằm lan tỏa văn hóa đọc một cách rộng rãi trong cộng đồng.

Theo đó, công tác quảng bá cả trực tiếp và trực tuyến đều được chú trọng. Không chỉ giới thiệu, quảng bá sách, mà còn quảng bá, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc trên các phương tiện truyền thông, báo chí, nền tảng công nghệ, mạng xã hội nhằm lan tỏa sâu rộng giá trị của sách, của văn hóa đọc trong cộng đồng; kết nối bạn đọc trong nước và nước ngoài.

Nhằm hưởng ứng và tổ chức thực hiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024 trên toàn quốc, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành kế hoạch về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh Tiền Giang có 39 thư viện và 97 phòng đọc sách cấp xã. Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, hoạt động của các thư viện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của nhân dân.

Theo thống kê, hệ thống thư viện huyện, các phòng đọc cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện có trên 373 ngàn lượt sách, báo lưu hành và 164 loại báo, tạp chí đã tiếp hàng ngàn lượt bạn đọc.

Theo Giám đốc Thư viện tỉnh Tiền Giang Võ Nam Phước, trong những năm qua, Thư viện tỉnh đã phấn đấu, nỗ lực đạt được nhiều kết quả đề ra. Mỗi năm, bạn đọc tìm đến hệ thống thư viện tỉnh đều tăng, với hàng ngàn lượt bạn đọc, có trên 152 ngàn lượt sách, báo lưu hành.

Bên cạnh đó, hằng năm, Thư viện tỉnh đều hỗ trợ luân chuyển và trưng bày hàng ngàn bản sách đến với các phòng đọc cơ sở, thư viện xã và các đơn vị khác…

Theo kế hoạch, các chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra từ ngày 15-4 đến 1-5, với các hoạt động chính: Lễ phát động Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc trong hệ thống trường học, thư viện công cộng, trong đoàn viên, đội viên và thiếu nhi.

Bên cạnh đó, còn diễn ra các hoạt động, như: Vận động đóng góp sách, tặng sách cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học tốt; hoạt động của các đơn vị in và phát hành sách; hoạt động hưởng ứng của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh…

Các hoạt động nhằm xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan chức năng và tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại tỉnh nhà.

Với sự chung tay của các cấp, các ngành, tổ chức xã hội và mỗi người dân, văn hóa đọc chắc chắn sẽ lan tỏa mạnh mẽ, xây dựng được một xã hội học tập, nơi mà việc đọc sách trở thành thói quen, nhu cầu thiết yếu của mỗi người, từ đó góp phần nâng cao dân trí, phát triển đất nước.

Nhân sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024, từ giáo viên, nhân viên thư viện, học sinh... đã có những chia sẻ về sách cũng như văn hóa đọc. Theo đó, sách được nhận định là người bạn lớn của con người. Đọc sách không chỉ giúp con người mở mang trí thức trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mà còn rèn luyện nhân cách, kỹ năng sống.

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số hiện nay, giữa vô vàn thông tin thì người đọc sách cần trang bị kỹ năng, phương pháp để đọc sách.

* CÔ NGUYỄN THỊ NGỌC VÂN, TỔ TRƯỞNG NGỮ VĂN, TRƯỜNG THPT NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, TP. MỸ THO:

Đọc sách cần có kỹ năng và hiểu cái hay của sách

Cùng với việc chọn sách thì phương pháp đọc sách cũng rất quan trọng. Đọc sách phải biết phương pháp, kỹ năng đọc sách. Có 2 phương pháp đọc sách phổ biến hiện nay: Phương pháp thụ động, là cách đọc toàn bộ hay đọc lướt.

Với phương pháp này, người đọc sẽ phụ thuộc vào những thông tin mà tác giả đề cập trong sách. Phương pháp tích cực, là cách mà người đọc sách đọc, nghiền ngẫm từ đó vận dụng những hiểu biết bản thân, thế giới quan vào để  phân tích, rút ra bài học, đánh giá vấn đề.

Với phương pháp này cần phải có thời gian, đọc, hiểu và suy ngẫm, góp phần nâng cao trí tuệ của người đọc. Tuy nhiên, khi đọc bất cứ cuốn sách nào thì người đọc cũng nên rút ra một số ý chính xoay quanh việc cuốn sách nói về chủ đề gì?

Nội dung, cách trình bày, quan điểm của tác giả trong cuốn sách có gì hay? Điều đặc biệt là người đọc rút ra được bài học gì từ cuốn sách mà mình đã đọc…

* CÔ PHÙNG THỊ THANH TUẤT, NHÂN VIÊN THƯ VIỆN TRƯỜNG THPT CHỢ GẠO, HUYỆN CHỢ GẠO:

Cần chọn sách để đọc

Với người đọc sách thì chọn sách là bước đầu tiên, rất cơ bản nhưng lại rất quan trọng trong việc đọc sách. Việc chọn sách cũng như bạn chọn một món ăn ngon. Nếu chọn được một quyển sách hay thì người đọc sẽ học được rất nhiều điều bổ ích, tuy nhiên nếu đó là sách kém chất lượng thì kiến thức có được từ sách sẽ không như mong muốn.

Có rất nhiều cách khác nhau để chọn được một quyển sách tốt, có thể chủ động trò chuyện, tham khảo ý kiến từ thầy cô, những bậc đàn anh, đàn chị có kinh nghiệm về quyển sách mà chúng ta cần chọn. Bên cạnh đó, hãy chủ động chọn sách, nghiên cứu kỹ những nội dung trong sách, chú trọng xem mục lục, xem thông tin của tác giả, của nhà xuất bản hoặc năm xuất bản…

Nếu quyển sách của tác giả tên tuổi, những nhà xuất bản uy tín thì chất lượng sách cũng sẽ đáng tin cậy đối với bạn đọc. Cùng với đó, trong thời đại công nghệ số hiện nay, chúng ta có thể chọn sách trên các trang mạng uy tín, xem những clip, hình ảnh mà các tác giả giới thiệu về sách.

* EM HUỲNH THỊ KIM THƯ:

Khơi nguồn cảm hứng từ không gian đọc sách

Em Huỳnh Thị Kim Thư, là cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho từng xuất sắc đoạt giải Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu tại Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Theo Kim Thư, không gian chính là nơi khơi nguồn cảm hứng từ việc đọc sách, khi sắp xếp không gian riêng tạo cảm hứng cho hoạt động đọc sách sẽ giúp duy trì thói quen tích cực và biến việc đọc sách trở thành hoạt động thư giãn, nhẹ nhàng hơn. Hiện nay có rất nhiều không gian để đọc sách như ở nhà, thư viện hay quán cà phê, phòng làm việc…

Do đó, người đọc sách cần chọn cho mình một không gian, thời gian hợp lý để đọc sách. Không gian đọc sách và thời gian chi phối nhiều đến tâm lý và sức khỏe của người đọc. Tuy nhiên, trong không gian đọc sách cần chú ý đến ánh sáng, bởi ánh sáng là yếu tố rất quan trọng.

Không chỉ trong việc tạo ra không gian đọc sách lý tưởng, mà còn ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng và cảm xúc khi chúng ta đọc sách.

H.NGHỊ - P.CÔNG

.
.
.