Chủ Nhật, 17/01/2021, 16:20 (GMT+7)
.

Học tập và làm theo Bác với những việc làm thiết thực

Nhờ cụ thể hóa việc học tập và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, hội viên, phụ nữ (HVPN) huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã không ngừng nâng cao đời sống, mà còn góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để việc học và làm theo Bác đi vào chiều sâu và thiết thực, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cái Bè đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục; tổ chức cho hội viên đăng ký thực hiện các nội dung phong trào thi đua: “Làm theo lời Bác, phụ nữ thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và các tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống của cán bộ, HVPN trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

GẮN VỚI CÔNG TÁC HỘI

Xác định học tập và làm theo Bác từ những việc làm thường xuyên, Hội LHPN huyện Cái Bè đã lựa chọn và tích cực tuyên truyền vận động HVPN thực hiện mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Bên cạnh đó, thấm nhuần nội dung Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, HVPN trên địa bàn huyện đã tích cực học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Phụ nữ Cái Bè trân trọng thờ ảnh Bác trong nhà
Phụ nữ Cái Bè trân trọng thờ ảnh Bác trong nhà

Tùy theo từng vị trí công tác, mỗi cán bộ, HVPN học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể: Cán bộ chuyên trách tiết kiệm thời gian và văn phòng phẩm; hội viên làm kinh tế phát huy đức tính cần cù lao động, tiết kiệm chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; các chi hội, tổ, nhóm phụ nữ phát huy hiệu quả mô hình hũ gạo tình thương, nuôi heo đất…

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cái Bè Nguyễn Thị Ngoãn cho biết, thành công của Hội LHPN huyện về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là đã chú trọng lồng ghép các chuyên đề học tập và làm theo Bác vào nội dung sinh hoạt chi, tổ hội; phát động HVPN thực hiện học và làm theo Bác bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tế.

Bên cạnh tuyên truyền quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác phụ nữ, về vai trò, vị trí quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng, các cấp Hội LHPN huyện đã linh hoạt đưa những lời dạy, tình cảm thiêng liêng của Bác thành những việc làm tự giác, thường xuyên của các cấp Hội, của mỗi cá nhân trong học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc.

LAN TỎA MÔ HÌNH “TỔ PHỤ NỮ THỜ ẢNH BÁC HỒ”

Hội LHPN huyện Cái Bè hiện đã thành lập 31 “Tổ phụ nữ thờ ảnh Bác Hồ”. Trong đó, “Tổ phụ nữ thờ ảnh Bác Hồ” của Hội LHPN xã Tân Thanh được thành lập vào tháng 4-2020, với 20 thành viên tham gia. Với mong ước là được phụng thờ Bác Hồ như ông bà tổ tiên của gia đình nên các thành viên trong tổ thờ ảnh Bác trên tinh thần tự nguyện, cùng nhau tham gia thực hiện các phần việc học tập và làm theo Bác đạt hiệu quả.

Mô hình “Tổ phụ nữ thờ ảnh Bác Hồ” của phụ nữ xã Tân Thanh
Mô hình “Tổ phụ nữ thờ ảnh Bác Hồ” của phụ nữ xã Tân Thanh

Theo đó, mỗi quý “Tổ phụ nữ thờ ảnh Bác Hồ” của Hội LHPN xã Tân Thanh sinh hoạt định kỳ 1 lần, trong không khí ấm áp, thân tình, các chị em cùng nhau trao đổi, thảo luận về thực hiện phong trào xây dựng “Gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc”; “Gia đình 5 không, 3 sạch” hay cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan… Đặc biệt, tổ còn sinh hoạt chuyên đề về học tập Bác ở đức tính tiết kiệm qua những mẩu chuyện kể về Bác. Qua đó, 100% HVPN trong tổ từ “học tập” chuyển sang “làm theo” Bác bằng những việc làm trong cuộc sống đời thường như tiết kiệm nuôi heo đất, xây dựng Quỹ “Tiết kiệm san sẻ” giúp đỡ chị em phụ nữ cùng nhau phát triển kinh tế…

Ngoài ra, chị em trong tổ cùng nhau tiết kiệm mua ảnh Bác tặng cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn để cùng mọi người, mọi nhà thờ Bác Hồ, thể hiện sự yêu thương, tôn kính đối với vị lãnh tụ kính yêu của đất nước và tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết trong cuộc sống. Trong ngôi nhà khang trang, chị Lê Thị Tâm, ngụ ấp 1, xã Tân Thanh đặt ảnh Bác Hồ trang nghiêm và thờ cúng như ông bà tổ tiên của gia đình. Chị Tâm cho biết: “Được sống trong đất nước hòa bình, độc lập không còn chiến tranh là nhờ ơn Đảng, ơn Bác.

Vì vậy, việc thờ ảnh Bác là việc làm luôn được gia đình tôi quan tâm, nhằm thể hiện sự tôn kính và biết ơn Người. Cứ mỗi dịp lễ, tết, đặc biệt là ngày Quốc khánh, sinh nhật Bác, gia đình tôi đều dâng trái cây lên bàn thờ Bác. Đây là cách nhắc nhở bản thân cũng như giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng thiết thực cho con, cháu phải luôn nỗ lực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

HỌC BÁC TIẾT KIỆM GIÚP NHAU GIẢM NGHÈO

Các cấp Hội LHPN huyện Cái Bè đã duy trì hiệu quả các mô hình tiết kiệm làm theo Bác gồm 247 Tổ phụ nữ nuôi heo đất, với 6.644 thành viên tham gia; 3 Tổ hũ gạo tình thương; nhiều tổ góp vốn xoay vòng… Qua 4 năm, các mô hình thực hiện tiết kiệm 22 tấn gạo, 1,445 tỷ đồng và đã giúp đỡ, hỗ trợ 1.420 lượt HVPN, 277 trẻ em nghèo; xây dựng 5 mái ấm tình thương (230 triệu đồng) cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

HVPN huyện Cái Bè học tập Bác tiết kiệm nuôi heo đất.
HVPN huyện Cái Bè học tập Bác tiết kiệm nuôi heo đất.

Riêng Hội LHPN huyện đã phát động tiết kiệm nuôi heo đất trong Ban Chấp hành với 26 con heo đất 25 cơ sở Hội và Hội Phụ nữ Công an huyện, với số tiền tiết kiệm được 50 triệu đồng đã mua phương tiện sinh kế trao cho 25 phụ nữ khởi sự kinh doanh có hoàn cảnh khó khăn và tặng 14 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.

Bên cạnh đó, các cấp Hội LHPN huyện còn duy trì các mô hình tiết kiệm theo nguồn vốn, tiết kiệm từ các chi phí trong gia đình… với 30 ngàn lượt HVPN tham gia, tổng số tiền tiết kiệm trên 65 tỷ đồng đã giúp cho trên 5.000 lượt HVPN có vốn phát triển kinh tế gia đình, nuôi con ăn học. Các mô hình góp gạo giúp người nghèo với 20 tấn gạo đã được gửi đến 2.000 người nghèo.

Ngoài ra, chị em các chi, tổ Hội còn hỗ trợ nhau vốn vay không tính lãi, tổ chức lao động giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho HVPN cùng góp sức xây dựng cộng đồng phát triển bền vững, củng cố tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt… Thực hiện chủ đề “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững” không chỉ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của chị em, mà còn phát huy giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, tinh thần tương thân tương ái của phụ nữ tại địa phương.

HỌC BÁC TỰ TIN KHỞI NGHIỆP

Theo đồng chí Nguyễn Thị Ngoãn, trong những năm qua, phụ nữ huyện Cái Bè đã mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp. Huyện hội cũng như các ban, ngành đã tạo điều kiện, hỗ trợ vốn cho hàng trăm phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế. Để khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh, các cấp Hội LHPN huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh.

Đặng Thị Hồng Nhung (xã Hậu Thành) học Bác tự tin khởi nghiệp
Chị Đặng Thị Hồng Nhung (xã Hậu Thành) học Bác tự tin khởi nghiệp

Đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động nhằm huy động nội lực của các tầng lớp phụ nữ trong huyện giúp nhau khởi nghiệp. Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kết nối, tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, nguồn quỹ hỗ trợ. Đặc biệt, mỗi chị em phụ nữ luôn chủ động tích cực học hỏi, mạnh dạn để có thể tự mình thay đổi cuộc sống, trở thành tấm gương phụ nữ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Từ các hoạt động hỗ trợ của Hội LHPN huyện Cái Bè và các ngành liên quan đã tạo động lực cho nhiều chị em mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp. Từ sự yêu thích kinh doanh, chị Đặng Thị Hồng Nhung (xã Hậu Thành, huyện Cái Bè) đã mạnh dạn đầu tư một tiệm bán nước hoa trong chợ Cái Bè. Chị Nhung cho biết, lúc đầu chị dùng số tiền dành dụm của mình nhập khoảng 20 chai nước hoa, rồi thuê mặt bằng nhỏ trong chợ Cái Bè để bán. Việc buôn bán lúc đó không mấy thuận lợi, bởi chị chỉ mua về rồi bán lại, ít mặt hàng nên không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.  

Đến năm 2018, chị Nhung tham gia lớp tập huấn “Kỹ năng quản lý kinh doanh cơ bản” để được trang bị những kiến thức, kỹ năng về quản lý kinh doanh như: Xây dựng thương hiệu, kinh doanh đa dạng nhiều mặt hàng, cách thức tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng… Vận dụng những kiến thức được tập huấn, chị Nhung mạnh dạn mở rộng quy mô kinh doanh. Ngoài thuê mặt bằng rộng hơn, bán nhiều hơn các mặt hàng nước hoa, mỹ phẩm, chị Nhung còn giới thiệu sản phẩm và kinh doanh online. Từ đó, công việc kinh doanh của chị Nhung ngày càng phát triển.

LÊ PHƯƠNG
 

.
.
Liên kết hữu ích
Tổng hợp tin đăng viec làm mới nhất Giúp việc chăm người già chi phí du học Tìm kiếm cơ hội việc làm chất lượng
.