Bài 7: Công cuộc di dân
Bài 1: "Trận địa" Đồng Tháp Mười
Bài 2: Huyền thoại kinh Nguyễn Văn Tiếp
Bài 3: Ký ức Phú Mỹ
Bài 4: Hưng Thạnh - 200 năm & ước vọng hưng thịnh
Bài 5: Đánh thức "vùng đất chết"
Bên cạnh những chủ trương khai thác Đồng Tháp Mười (ĐTM) là xốc vào thủy lợi, mở ra diện tích đất sản xuất, một trong những công việc quan trọng nữa là vận động người dân vào định cư nhằm khai hoang, phục hóa vùng ĐTM. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu giãn dân trong điều kiện đất chật người đông như ở Tiền Giang.
DÂN ĐẾN TỪ TRÊN 40 TỈNH, THÀNH
Mãi đến cuối những năm 1980, số hộ dân cư trú trong vùng ĐTM thuộc địa bàn huyện Tân Phước chưa nhiều, chỉ có khoảng 150 hộ với hơn 700 nhân khẩu. Số cư dân này sống rải rác theo kinh Nguyễn Văn Tiếp, lộ chợ Bưng vào Nông trường Tân Lập và 7 hộ ở sâu giữa ĐTM thuộc xã Tân Hòa Đông, giáp tỉnh Long An.
Để thực hiện công cuộc di dân vào vùng kinh tế mới, theo chủ trương của tỉnh, BCĐ khai hoang vùng ĐTM đã liên hệ với các huyện trong tỉnh thành lập 7 BCĐ khai hoang ĐTM của 7 huyện, thành của tỉnh. Mỗi BCĐ huyện có từ 3 - 5 đồng chí với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức đưa nhân dân tự nguyện đăng ký đi lập nghiệp đến nhận đất để khai thác, canh tác.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, vùng đất hoang của huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành ưu tiên cấp cho nhân dân các xã thuộc các huyện đó. Còn các huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Thường trực BCĐ liên hệ với tỉnh Long An xin đất giáp ranh để bố trí nhân dân các huyện đó vào khai hoang, định cư lập nghiệp.
Ngoài ra, nhân dân các xã Cẩm Sơn, Phú An, Phú Nhuận, Mỹ Hạnh Đông huyện Cai Lậy còn được nhận đất từ Lộ Mới đến xã Thạnh Tân để khai hoang, sản xuất.
Khu dân cư ngày đầu của xã Tân Hòa Đông. Ảnh: Tư liệu |
Từ chủ trương chung của tỉnh, quá trình vận động nhân dân các xã của từng huyện vào khai hoang ĐTM đã được tiến hành, do UBND xã, phường đến liên hệ và đăng ký với Thường trực BCĐ khai hoang vùng ĐTM tỉnh.
Trên cơ sở đăng ký của các xã, BCĐ khai hoang vùng ĐTM tỉnh bố trí theo từng xã, từng tuyến kinh đã quy hoạch, đưa dân đến tận nơi nhận đất, mỗi hộ từ 1,5 - 3 ha tùy theo khả năng. Đối với hộ dân đến khai hoang lập nghiệp, Nhà nước còn cấp một bộ cột xi măng, một hồ chứa nước ngọt, phần còn lại nhân dân tự đốn tràm làm nhà.
Theo ông Võ Văn Xê, đến khi thành lập huyện Tân Phước, dân số toàn huyện chỉ có trên dưới 32.000 người, tập trung ở các xã Hưng Thạnh, Mỹ Phước, Phú Mỹ, Tân Hòa Thành, Tân Hòa Tây, còn Tân Hòa Đông chỉ có 17 hộ, Mỹ Phước có 19 hộ. Sau này, khi tổng hợp lại thì có trên 40 tỉnh, thành trong cả nước có dân ở vùng đất Tân Phước.
Thế nhưng, người dân vào làm trong vùng kinh tế mới như “dã tràng xe cát”. Làm không được rồi bỏ đi, người khác đến, làm không được cũng bỏ đi. Cũng có người bỏ đi một thời gian rồi quay lại nhưng làm không được lại tiếp tục bỏ đi.
Người dân chủ yếu cắt năn, đươn đệm bán để kiếm sống. Nước không có uống. Chỉ cần đi một buổi trong vùng đất này đã là khổ rồi, thấy nản chí lắm. Nói chung, số hộ dân vào vùng đất này còn bám trụ đến khi thành lập huyện chưa quá 10%. Khi chuẩn bị thành lập huyện, hệ thống kinh, mương bước đầu phát huy tác dụng, người dân bắt đầu bám trụ, mặc dù nước lũ hàng năm vẫn ngập trắng đồng.
BÁM TRỤ
Số hộ dân bám trụ ở vùng đất này ngay từ buổi đầu lập nghiệp thực sự không nhiều. Ông Phạm Văn Pheo (Hai Bắc) giờ trở nên một trong những trường hợp điển hình. Ông Hai Bắc (ấp Mỹ Thiện, xã Thạnh Mỹ) nhớ lại khoảng thời gian gần 40 năm đi vỡ đất: Khi đất nước giải phóng, ông lái xe cho đoàn kiểm soát quân sự.
Cuộc sống khó khăn do lúc bấy giờ làm việc không lương mà phải nuôi vợ và 7 người con. Thế là ông quyết định đăng ký đi vùng kinh tế mới. Cuộc khai phá vùng đất phèn thật gian khổ, nhiều năm trồng mì, mía không mang lại hiệu quả do năng suất thấp và mất giá liên tục nên ông chuyển sang trồng khoai; với trách nhiệm là tập đoàn trưởng, ông khuyến khích người dân trồng khoai, đồng thời liên hệ ngân hàng hỗ trợ vốn.
Nhiều năm tích lũy, năm 1991, ông xây dựng được căn nhà khá khang trang, cuộc sống bắt đầu ổn định. “Khi mới đặt chân lên bờ, vợ tôi đã bật khóc. Chúng tôi không khỏi lo lắng, nhưng không còn con đường nào khác ngoài quyết tâm bám trụ và chiến đấu với vùng đất này” - ông Hai Bắc từng chia sẻ về chặng đường chinh phục ĐTM của gia đình.
Hình thành 26 cụm, tuyến dân cư Thực hiện Chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ của Chính phủ, huyện Tân Phước đã xây dựng được 20 tuyến và 6 cụm dân cư, bố trí cho 1.858 hộ vào ở ổn định và đảm bảo cho hơn 2.000 hộ dân có sẵn ở các tuyến khỏi bị ngập lũ hàng năm, tạo điều kiện ổn định cuộc sống, phát triển ngành nghề nông thôn. Nước sinh hoạt được cung cấp ngày một tốt hơn, hiện huyện đã có 89,6% số hộ được sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước. Điện trung thế phủ kín đến các xã trong huyện, hệ thống điện hạ thế được cải tạo theo chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn huyện đã có 99,8% hộ sử dụng điện, đáp ứng được nhu cầu thấp sáng và bơm chống lũ hàng năm. |
Gia đình ông Hai Bắc là một trong những hộ gia đình hiếm hoi còn bám trụ được từ những ngày đầu đi khai hoang trong số rất nhiều hộ dân từ các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có cả những đợt giãn dân từ TP. Hồ Chí Minh.
Từ ngày Ban vận động hồi hương được thành lập, chính sách giãn dân từ TP. Hồ Chí Minh cũng được bắt đầu; ban đầu chỉ mới 49 hộ dân được bố trí ở các xã Tân Lập, Mỹ Phước, Tân Hòa Đông và Tân Hòa Tây.
Do điều kiện quá khó khăn, các nhu cầu cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày cũng không dễ tìm, lại đa số người dân chưa quen với điều kiện nông thôn, chân lấm tay bùn nên nhiều hộ dân không thể bám trụ được.
Khó khăn nhất là vào mùa lũ năm 1978, với trận lũ kinh hoàng, nhiều người dân phải tản cư đi nơi khác, không ít người đã bỏ đi. Người đến người đi nơi vùng đất khắc nghiệt này âu cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Năm 1978, chuyến giãn dân lần thứ 2 từ TP. Hồ Chí Minh, đoàn với 40 hộ dân đến xã Tân Lập. Nhưng đến năm 1994, khi cơ quan hành chính cấp huyện được thành lập, những đoàn người theo kế hoạch giãn dân hay đi khai hoang vùng kinh tế mới ngày nào chỉ còn lại 4 hộ.
Còn đối với những hộ dân đến từ các huyện, thành trong tỉnh, nhiều người cũng đến rồi đi, chỉ số ít còn bám trụ lại. Ông Nguyễn Văn Phước, quê ở Tân Hòa Thành đùm túm vợ và 2 con lên vùng đất Tân Hòa Đông khai hoang được 2,5 ha. Mấy năm đầu lũ lớn, gia đình ông phải lên bờ kinh để tránh lũ, cây trồng bị thiệt hại đáng kể.
Sau khi có đê bao, gia đình mới về ấp Tân Thuận mua đất cất nhà trong vùng đê bao. Sau bao năm vất vả, đến nay gia đình ông có đến 17 ha đất sản xuất. “Cũng như một số người khác, mấy năm đầu khai hoang rất khó khăn. Nhớ 2 năm đầu trồng mía, lũ tràn ngập hết, gây khốn khó cho gia đình.
Đến năm 1996, tôi chuyển sang trồng khóm nhưng rồi cũng không khỏi bị lũ nhấn chìm làm hư hết. Năm sau, tôi chuyển sang trồng khoai theo vụ né lũ. Sau năm 1998, đê bao được hình thành, tôi chuyển những diện tích trong vùng ô bao sang trồng khóm. Nhờ đó mà đời sống gia đình khá lên.
Mấy năm nay, giá khóm tương đối ổn định, đảm bảo cho nông dân trồng khóm chúng tôi sống được. Quả là đất không phụ người” - ông Nguyễn Văn Phước nhớ lại.
THẾ ANH - NGÔ VĂN
Bài 8: Ươm mầm cho vùng đất mới