Thứ Tư, 13/08/2014, 15:45 (GMT+7)
.
Hoa nở trên "vùng đất chết"

Bài cuối: Ươm mầm cho vùng đất mới

Bài 1: "Trận địa" Đồng Tháp Mười
Bài 2: Huyền thoại kinh Nguyễn Văn Tiếp
Bài 3: Ký ức Phú Mỹ
Bài 4: Hưng Thạnh - 200 năm & ước vọng hưng thịnh
Bài 5: Đánh thức "vùng đất chết"

Bài 6: Nước đã xuôi dòng

Bài 7: Công cuộc di dân

Một khi nước đã xuôi dòng, chính sách di dân được thực hiện đồng bộ  thì phương án khai thác đất đai bạt ngàn vào sản xuất nhằm ổn định cuộc sống của người dân đã được tính đến. Từ đó, những mầm xanh mới bắt đầu bật khỏi vỏ để vươn lên đón ánh dương của ngày mới.

NHEN NHÓM NHỮNG VÙNG CHUYÊN CANH

Trước khi thành lập huyện Tân Phước, ai cũng biết đây là vùng đất hoang hóa, sản xuất nông nghiệp nói chung chủ yếu là cây khóm với trên dưới chỉ 1.700 ha (kể cả diện tích của các nông, lâm trường). Còn cây tràm, đa số là tràm dù, không sử dụng được. Lúc này trên địa bàn cũng có trên dưới 3.000 ha cây tràm dùng để lấy gỗ. Trong khi đó, diện tích tự nhiên của huyện Tân Phước có trên dưới 33.000 ha.

Đặc thù của huyện Tân Phước trước đây là vùng rốn của  Đồng Tháp Mười (ĐTM). Từ Hà Tiên (Kiên Giang) chạy dài xuống Đồng Tháp, rồi về đến Tân Phước là đoạn cuối và là lòng chảo vì bị cắt bởi Lộ 4 (Quốc lộ 1) nên việc sản xuất khó hơn so với các vùng đất khác như Thạnh Hóa (Long An), Tháp Mười (Đồng Tháp).

Những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp đã được hình thành.
Những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp đã được hình thành.

Theo ông Võ Văn Xê, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tân Phước, khi thành lập đơn vị hành chính, huyện Tân Phước có chủ trương khai thác thủy lợi nội đồng ngay, tiếp đến là xây dựng phương án sản xuất nông nghiệp và được triển khai thực hiện theo kế hoạch hàng năm. Chủ trương ban đầu của huyện là nâng diện tích trồng khóm lên 3.200 ha và tiếp tục nâng dần hàng năm để đạt kế hoạch chung đến năm 2005 từ 7.000 - 10.000 ha trồng khóm.

Ngoài cây khóm, cây chủ lực khác của vùng là khoai mỡ. Ban đầu huyện dự tính xây dựng nhà máy chế biến bột khoai ở vùng đất này và nâng diện tích trồng khoai mỡ lên 4.000 ha, nhưng cuối cùng không làm được do đầu ra gặp khó. Huyện cũng dự kiến có khoảng 10.000 ha tràm, còn vùng phía Nam kinh Nguyễn Văn Tiếp làm lúa khoảng 3.000 ha, nhưng nay diện tích trồng lúa đã được nhân rộng ở nhiều nơi trong huyện.

Kế hoạch sản xuất đã được triển khai ngay khi thành lập huyện Tân Phước. Bắt đầu từ năm 2002, chủ trương làm đê bao gắn với cụm, tuyến dân cư theo chủ trương chung của Chính phủ, huyện Tân Phước đã hình thành nên các cụm dân cư như Tân Phước, Thạnh Hòa, Thạnh Tân, Tân Lập, Hưng Thạnh.

Còn tuyến dân cư được “lách” làm theo tuyến đê bao trồng khóm, do người dân đã cất nhà ở trong vùng này. Nhờ vậy, đến năm 2005, huyện Tân Phước đã có 7.000 ha trồng khóm đã được đê bao an toàn và phát huy hiệu quả rất lớn. Nhờ làm như thế mà hệ thống đê bao của huyện đến năm 2005 gần như hoàn chỉnh.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III đã vạch ra 5 chương trình kinh tế - xã hội có mục tiêu, trong đó có 3 chương trình kinh tế thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Việc khai hoang xây dựng vùng chuyên canh cây công nghiệp, lâm nghiệp ở khu giáp với ĐTM là một trong những lĩnh vực thuộc 3 chương trình trên.

Thực hiện chủ trương trên, ngành Nông nghiệp đã đề ra hàng loạt biện pháp về thủy lợi, khai hoang, phục hóa, nhân và phổ biến giống mới, cải tiến kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh. Trong đó, thủy lợi được xem là biện pháp hàng đầu.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về vốn, vật tư, thiết bị, nhưng hàng loạt các công trình thủy lợi quan trọng đã được thực hiện để dẫn ngọt, tiêu úng, tháu chua, rửa phèn đáp ứng yêu cầu tăng vụ, tăng năng suất, sản lượng.

Tại các huyện phía Đông, Dự án Thủy lợi Gò Công (sau này gọi là Dự án ngọt hóa Gò Công) được triển khai. Tại khu vực phía Tây, hàng loạt các kinh rạch được nạo vét. Phong trào khai hoang, phục hóa được triển khai rất sớm, đặc biệt tại khu vực ĐTM (huyện Tân Phước hiện nay).

KỲ TÍCH CHO NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Dự án cải tạo ĐTM đã làm nên “kỳ tích” cho ngành Nông nghiệp. Từ vùng đất được gọi “con hổ ngủ”, sau khi khai thông hệ thống thủy lợi tiêu chua, rửa phèn đã đánh thức tiềm năng ngủ quên bao năm của vùng đất, góp phần chuyển đổi sản xuất hiệu quả, thu hút dân cư quần tụ về khai hoang lập nghiệp, phát triển kinh tế.

Chỉ trong thời gian ngắn, từ đất hoang vu, diện tích sản xuất nông nghiệp không đáng kể, dân cư thưa thớt đã trở thành vùng dân cư đông đúc, những liếp khóm trải dài ngút ngàn tạo nên vùng chuyên canh khóm với diện tích lớn nhất, nhì trong khu vực, nhiều nông dân làm giàu từ cây trồng này với thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.

ĐTM được khai hoang góp phần đưa diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp toàn vùng lên 90.000 ha, trong đó diện tích lúa 2 - 3 vụ khoảng 5.000 ha. Có thể nói, việc cải tạo thủy lợi ĐTM là yếu tố quyết định cho việc ra đời huyện Tân Phước.

Mới đây, trong chuyến trở về tham quan, khảo sát để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Tân Phước gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐTM tỉnh Tiền Giang, ông Phan Minh Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá: Cách nay hơn 20 năm, ĐTM là vùng hoang vu, toàn là năn, sậy.

Nhớ lúc đoàn cán bộ nghiên cứu ĐTM gồm có Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành đi khảo sát phải mang theo bánh mì, muối tiêu, cá mòi để ăn. Tại chuyến khảo sát đó, tỉnh đã quyết luôn rồi sau đó về làm thủ tục sau. Lực lượng nòng cốt vận động dân trong tỉnh và các tỉnh khác vào vùng này là các cơ quan ban, ngành. Lúc đầu rất khó khăn và gian khổ, ai cũng ngán ngẫm.

“Hơn 20 năm nhìn lại, ý định năm xưa nay đã thành sự thật. Vùng ĐTM hoang vu năm nào giờ phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân thay đổi rõ rệt. Từ vùng toàn năn, sậy giờ thay thế bằng khóm và các loại cây ăn trái khác; phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Có thể nói, điểm nhấn đầu tiên và quan trọng nhất trong khai hoang ĐTM là thủy lợi và giao thông. Vai trò thể hiện rõ nhất lúc bấy giờ là ngành Thủy lợi.

Còn nhiệm vụ vận động nhân dân được giao cho đoàn thể, nhất là nông hội. Tôi nhớ chỉ trong thời gian ngắn, toàn vùng đã mở ra hơn 40 kinh mới; lúc cao điểm có trên 20 xáng cạp và xáng ủi thực hiện công việc này” - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh nhận định.

Hình thành vùng chuyên canh khóm 15.263 ha

Sau 20 năm thành lập, huyện Tân Phước đã hình thành và phát triển vùng khóm nguyên liệu với diện tích 15.263 ha, sản lượng hàng năm đạt 261.900 tấn, phục vụ cho chế biến xuất khẩu;

Cải tạo đưa diện tích lúa từ 1 vụ bấp bênh lên 3 vụ ăn chắc, nâng diện tích gieo sạ hàng năm từ 3.244 ha vào năm 1994 lên 6.500 ha, năng suất bình quân tăng từ 2,8 tấn/ha lên 6 tấn/ha.

Thâm canh, tăng vụ áp dụng khoa học - kỹ thuật, mở rộng 1.251 ha diện tích cây màu thực phẩm, đ­ưa cây dưa hấu xuống chân ruộng hàng năm 336 ha; mở ra gần 800 ha cây khoai mỡ; cải tạo và gìn giữ 3.539 ha tràm và bạch đàn;

Xây dựng hình thành khu Bảo tồn sinh thái lưu giữ các loài cây bản địa đặc trưng vùng ĐTM, với diện tích trên 100 ha (dự kiến mở rộng thêm 250 ha để nâng quy mô trên 350 ha) và dẫn dụ hơn 150 loài chim, cò về đây sinh sống, xây tổ sinh sản với mật độ ngày càng đông.

Huyện cũng đã tập trung phát triển diện tích nuôi thủy sản trên 170 ha, với sản lượng hàng năm đạt 1.000 tấn…

Sau 20 năm thành lập, theo đánh giá chung, sản xuất ở huyện Tân Phước, chủ yếu là nông nghiệp đã phát triển tốt nhưng vẫn chưa tương xứng. Tuy cây khóm có phát triển nhưng vẫn chưa được cải tạo, chỉ nổi lên là cây lúa ở những nơi có điều kiện, còn cây khoai cũng chưa phát huy hiệu quả do đầu ra bấp bênh.

“Thế nhưng, đời sống của dân so với khi thành lập huyện đã tăng gấp 10 lần. Trước đây, toàn huyện có khoảng 45% hộ nghèo, 5% hộ đói. Ngày đó, Tân Phước có nhiều cái nhất như “hộ nghèo nhiều nhất tỉnh, dân dốt nhất tỉnh, sản xuất khó khăn nhất”. Đến nay, toàn huyện chỉ còn 11,4% hộ nghèo, trường học được đầu tư xây mới khang trang, điều kiện sản xuất ngày càng thuận lợi hơn” - ông Võ Văn Xê, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tân Phước nhớ lại.

25 năm trước, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Niềm đã động viên những người đi khai hoang bằng câu: “So với nhiều nơi đã biến sỏi đá thành cơm thì không có lý do gì chúng ta không thể biến vùng phèn nặng này thành một vùng quê trù phú”.

Và đúng vậy, vùng ĐTM nói chung và Tân Phước nói riêng giờ đây đã trở thành một vùng quê trù phú. Một Tân Phước hôm nay không chỉ có vùng chuyên canh khóm, khoai, lúa mà còn trở thành khu vực phát triển công nghiệp năng động của tỉnh. Thành tựu sau 38 năm khai thác, phát triển ĐTM và 20 năm thành lập huyện Tân Phước quả là ngoài sức tưởng tượng của rất nhiều người…

THẾ ANH - NGÔ VĂN

.
.
.