Chủ Nhật, 17/04/2016, 08:17 (GMT+7)
.

TP. Mỹ Tho - đô thị loại I: Chặng đường 5 năm xây dựng&phát triển

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã xác định: “Nâng cấp, phát triển TP. Mỹ Tho đạt chuẩn từ loại II vươn lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2015, tạo sự lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng ven tiếp giáp với các huyện Châu Thành và Chợ Gạo…” và để cụ thể hóa Nghị quyết trên, ngày 22-11-2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU, qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay việc TP. Mỹ Tho được công nhận là đô thị loại I đã trở thành hiện thực. Kết quả đó thể hiện sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy - UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

TP. Mỹ Tho bên bờ sông Tiền. 							Ảnh: T.L
TP. Mỹ Tho bên bờ sông Tiền. Ảnh: T.L

Nhìn lại chặng đường đã qua, từng tiêu chuẩn của đô thị loại I được lãnh đạo các cấp triển khai, thực hiện một cách chặt chẽ, sát với thực tế của địa phương; đồng thời có sự phối hợp tốt của các ngành chức năng, nhất là tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Với chức năng đô thị, TP. Mỹ Tho luôn được xác định là đô thị trung tâm của tỉnh. Do vậy, Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo xây dựng thành phố phát triển về mọi mặt để xứng tầm là một Mỹ Tho năng động và phát triển.

Trong quá trình thực hiện, thành phố đã tập trung huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của thành phố, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững. Kết quả được thể hiện, giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng giá trị tăng thêm bình quân hàng năm đạt 14,8% (giá so sánh năm 2010), Nghị quyết đề ra 13 - 13,5%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 là 4.418 USD/năm (khoảng 95 triệu đồng/năm); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm là 17.678 tỷ đồng (đạt 110,49% so với Nghị quyết đề ra).

Bộ mặt của thành phố ngày càng thay đổi qua việc đầu tư và mời gọi đầu tư thực hiện các dự án nâng cấp thành phố theo tiêu chí của đô thị loại I. Trong 5 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh cũng đã đầu đầu tư trên địa bàn thành phố các dự án có tầm vóc lớn (Trường Đại học Tiền Giang, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, Khu khám và điều trị kỹ thuật cao, Trụ sở chăm sóc và bảo vệ cán bộ, Quảng trường Trung tâm tỉnh, Khu tái định cư xã Đạo Thạnh, đường Lê Văn Phẩm, Trường THPT Chuyên Tiền Giang, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu…).

Trung ương đầu tư trên địa bàn (do TP. Mỹ Tho làm chủ đầu tư) đã thực hiện 3 công trình (Đê chống ngập sông Bảo Định, Kè chống sạt lở sông Bảo Định, tổng mức đầu tư 10,5 tỷ đồng; Đường và Kè sông Tiền khu vực TP. Mỹ Tho, dài 2.625 m, tổng mức đầu tư 390 tỷ đồng).

Đặc biệt trong thời gian qua, thực hiện Dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án TP. Mỹ Tho (vốn ODA), thành phố đã khởi công xây dựng được 9 gói thầu xây lắp giai đoạn 1 (đã hoàn thành 10 công trình), đến nay đã giải ngân 4.411.000 USD.

Bằng nguồn vốn ngân sách, tỉnh đầu tư 520,561 tỷ đồng để xây dựng 130 công trình, thực hiện và hoàn thành 87 công trình, tổng giá trị 431,550 tỷ đồng. Công tác xây dựng cơ bản cấp phường, xã đã hoàn thành 216 công trình, tổng kinh phí 31,36 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp 10,89 tỷ đồng).

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo thành phố luôn có sự tập trung cho công tác chỉnh trang đô thị, huy động nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cụ thể như đã đầu tư xây dựng tuyến đường nội thị, đường huyện trên 27 km, kinh phí khoảng 250 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn trên 75 km, kinh phí khoảng 120 tỷ đồng; lát vỉa hè 14 tuyến đường nội ô, kinh phí khoảng 27,6 tỷ đồng.

Đối với giao thông thủy, 2 tuyến chính qua địa bàn thành phố là sông Tiền và sông Bảo Định, để làm tăng vẻ đẹp vốn có đối với con sông này, thành phố đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý về vệ sinh môi trường sinh thái cho đô thị; các bến đò ngang thường xuyên được kiểm tra, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của người dân và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố hiện nay.

Thành phố còn phối hợp với các ngành chức năng cải tạo, nâng cấp 2 cảng dọc sông Tiền (Cảng cá và Cảng Mỹ Tho); xây dựng hệ thống thoát nước - vệ sinh môi trường đã thực hiện các tuyến trọng tâm, đó là hệ thống thoát nước từ phường 2 qua phường 8, ra sông Tiền, quy mô cống hộp D800 - 1000 dài 1.200 m; cống thoát nước rạch Bạch Nha, cống hộp 1.200 dài 3.500 m làm cơ sở để xử lý thoát nước tại các khu vực dân cư và gắn kết với hệ thống thoát nước thuộc Dự án nâng cấp đô thị.

Song song đó, Công ty cấp nước Tiền Giang cũng đã đầu tư cải tạo các tuyến ống cũ và rò rỉ; đồng thời đầu tư thêm nhiều tuyến mới phục vụ các khu dân cư mới, đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân thành phố.

Để tạo vẻ mỹ quan cho đô thị, hàng năm thành phố còn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch và phát động phong trào thi đua xây dựng thành phố Mỹ Tho “xanh - sạch - đẹp”, tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới…

Đối với các dự án mời gọi đầu tư vào thành phố, tổng số vốn đã đầu tư 1.706,64 tỷ đồng, bao gồm các dự án: Bến Du thuyền (Công ty TNHH Hương Hải Group); khu Dân cư dọc sông Tiền giai đoạn 1 (Công ty Cổ phần đầu tư Tây Bắc); khu Thương mại - Dịch vụ Mỹ Tho (Công ty cổ phần Nguyễn Kim); trung tâm Thương Mại Vincom Center Mỹ Tho (Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Sinh Thái); Khách sạn MeKong Mỹ Tho…

Trong việc đầu tư phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 5 năm qua trên địa bàn thành phố đã có hàng trăm doanh nghiệp ra đời, Khu công nghiệp Mỹ Tho và 2 cụm công nghiệp (Trung An và Tân Mỹ Chánh), tổng diện tích khoảng 120 ha, thu hút 54 doanh nghiệp vào đầu tư (trong đó 10 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn 1.741 tỷ đồng và 163.514.486 USD).

Hầu hết các công trình hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp đều được xây dựng khá hoàn chỉnh và đi vào hoạt động có hiệu quả, đã giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động của thành phố và các địa bàn lân cận.    

Trong lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ, thời gian qua thành phố mạnh dạn mời gọi đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hệ thống các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, từ đó tạo nên không khí mua - bán hoạt động khá sôi nổi ở khu vực này, nhất là những ngày lễ, tết; đồng thời thành phố còn tăng cường công tác quản lý du lịch, chọn cù lao Thới Sơn làm điểm tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn với các tour, tuyến du lịch văn hóa - lịch sử, làng nghề truyền thống, các dịch vụ du lịch để phát triển theo hướng bền vững.

Ngoài ra, lãnh đạo thành phố còn chủ động tăng cường công tác đối ngoại nhằm tạo cơ hội phát triển cho địa phương, chẳng hạn như giao lưu kết nghĩa với các thành phố: Nam Định, Đà Lạt, Thái Nguyên, Nha Trang; thành phố Khâm Châu (Trung Quốc), thành phố Changwon (Hàn Quốc)…

Những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Mỹ Tho phấn đấu để được công nhận là đô thị loại I như hôm nay, thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao trong quá trình triển khai, thực hiện và đã có được một Mỹ Tho với môi trường và cảnh quan đô thị “xanh - sạch - đẹp”, không ngừng phát triển, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng tạo nên bộ mặt mới khang trang và đầy sức sống.

LH

.
.
.