.

Khí thế mới qua Hội nghị xúc tiến đầu tư

Cập nhật: 21:46, 15/08/2018 (GMT+7)

Hội nghị Xúc tiến đầu tư (XTĐT) tỉnh Tiền Giang năm 2018 khép lại, nhưng đã mở ra một khí thế mới cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh và các nhà đầu tư.

Cam kết hỗ trợ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp tại Hội nghị XTĐT vừa qua.                                     Ảnh: MINH THÀNH
Cam kết hỗ trợ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp tại Hội nghị XTĐT vừa qua. Ảnh: MINH THÀNH

Nhận định chung từ cộng đồng DN cho thấy, Hội nghị XTĐT do UBND tỉnh tổ chức lần này được chuẩn bị một cách tốt nhất kể từ khi chương trình XTĐT được Tiền Giang triển khai thực hiện. Thực tế cho thấy, Tiền Giang không tổ chức nhiều hội nghị XTĐT, nhưng qua hội nghị lần này được cộng đồng DN đánh giá cao.

Phân tích thêm về Hội nghị XTĐT tỉnh Tiền Giang năm 2018, sáng 14-8, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Tiền Giang Trần Đỗ Liêm cho rằng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã rút kinh nghiệm các lần hội nghị trước và thực hiện được việc xã hội hóa công tác tổ chức tại hội nghị lần này.

Đó cũng là điểm nhấn rất quan trọng. Việc xã hội hóa không chỉ tính trên yếu tố tài chính, mà điều quan trọng hơn là DN thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm trong việc đầu tư, hay mở rộng đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chưa kể nội dung và phương pháp tổ chức hội nghị lần này là khá hoàn hảo, kể cả Triển lãm Thành tựu phát triển DN Tiền Giang. Đó là những yếu tố thành công cơ bản của Hội nghị XTĐT vừa qua.

“Điểm nhấn quan trọng khác tại Hội nghị XTĐT lần này là Ban Tổ chức đã mời các ngân hàng thương mại thực hiện cam kết hỗ trợ vốn cho một số DN. Đây cũng là điều quan trọng, dù việc triển khai thực hiện còn nằm ở tương lai, nhưng ít ra cũng có động thái là kết nối được giữa ngân hàng và DN. Đây là tín hiệu đáng được ghi nhận từ cộng đồng DN".

"Chưa kể, hội nghị kết thúc đã tạo nên một khí thế mới cho cộng đồng DN, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư giữa các DN trong và ngoài tỉnh”- ông Trần Đỗ Liêm nhấn mạnh.

Nhìn một cách tổng thể, bên cạnh các dự án đã được trao chứng nhận đầu tư và nghiên cứu đầu tư, các nhà đầu tư cũng đánh giá cao danh mục 19 dự án mời gọi đầu tư của Tiền Giang. Bởi danh mục các dự án mời gọi đầu tư đã hướng vào khai thác lợi thế của Tiền Giang như lĩnh vực chế biến nông sản; sản xuất giống cây trồng và rau, hoa công nghệ cao, du lịch sinh thái bên cạnh các dự án thu hút đầu tư để phát triển các khu, cụm công nghiệp.

Các dự án thu hút đầu tư cũng được rải đều trên các huyện, thị, thành và trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Chính những yếu tố này đã mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào Tiền Giang.

“Chúng tôi quan tâm đến Dự án Khu du lịch sinh thái Hòa Hưng (huyện Cái Bè) nhằm phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, thu hút và phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách, với tổng diện tích dự án khoảng 30 ha, vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng".

"Nếu đầu tư được dự án này sẽ kết nối với du lịch ở TP. Mỹ Tho và các điểm du lịch của các tỉnh lân cận, các trung tâm lớn như TP. Hồ Chí Minh hay TP. Cần Thơ sẽ tạo ra cơ hội cho các DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch”- đại diện một DN quan tâm đến dự án này cho biết như thế.

Tất nhiên, để hiện thực hóa các dự án đầu tư, thu hút đầu tư, cũng như tạo thêm khí thế cho cộng đồng DN vẫn còn là một chặng đường dài. Theo ông Trần Đỗ Liêm, trong hơn 16.000 tỷ đồng vốn của các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và nghiên cứu đầu tư tại Hội nghị XTĐT lần này chưa hẳn sẽ trở thành nhà máy và sản phẩm ra đời ngay, mà còn cần nhiều thời gian.

Do vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng cần tập trung tối đa để làm sao thực hiện bằng được số lượng dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Bởi trên thực tế cũng có những dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trước đây không triển khai thực hiện được, nên chưa đáp ứng như mong đợi của tỉnh.

Bởi suy cho cùng, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư và phát huy hiệu quả mới là điều quan trọng. Và tất nhiên, chặng đường triển khai thực hiện dự án không phải là điều dễ dàng cho nhà đầu tư, đặc biệt là liên quan đến vấn đề đất đai. Bởi thực tế cho thấy, nếu đất đai nằm trong khu công nghiệp còn dễ, khó nhất là đất phục vụ cho dự án nhưng nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp.

Đối với các DN đầu tư mới càng khó khăn hơn. “Điều cốt yếu hiện nay cần phải giải quyết là vấn đề đất đai và cải cách hành chính nhằm giảm chi phí cho DN, nhất là chi phí thời gian. Có như thế mới đẩy nhanh việc triển khai các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Còn đối với các dự án chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư, tỉnh cũng cần tập trung quyết liệt mới đi vào hiện thực hóa các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh”- ông Trần Đỗ Liêm cho biết.

Nhìn từ tổng thể, phát biểu tại Hội nghị XTĐT tỉnh Tiền Giang năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh, Tiền Giang hội tụ các yếu tố trở thành một “siêu vệ tinh” của TP. Hồ Chí Minh nếu có tầm nhìn và khả năng hiện thực hóa tầm nhìn phát triển một cách hiệu quả, đầy quyết tâm. Chính phủ thấu hiểu điều này và dành nhiều ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng của Tiền Giang trước đây, bây giờ cũng như trong tương lai.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Tiền Giang cần tích cực giải quyết các “nút thắt” và “điểm nghẽn” phát triển. Đó là tăng cường giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sẵn có cho nhà đầu tư, giải quyết tốt công tác quy hoạch, bảo đảm tính linh hoạt, hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát triển; cần tiếp tục đối thoại với người dân nhiều hơn để giải quyết vướng mắc tồn tại…

P.A

.
.
.