.

Chủ động đón "sóng" từ EVFTA

Cập nhật: 15:58, 02/10/2020 (GMT+7)

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết và chính thức có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn cho nước ta trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây cũng là một trong những “cột mốc” quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

Trải qua một thời gian dài với quyết tâm và nỗ lực của cả 2 bên, Hiệp định EVFTA đã chính thức được ký kết và có hiệu lực kể từ đầu tháng 8. Cơ hội sẽ là rất lớn nếu chúng ta khai thác hiệu quả những lợi thế mà hiệp định này mang lại.

Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.
Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.

CHỦ ĐỘNG TRIỂN KHAI

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, để thực thi Hiệp định EVFTA, Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện, tập trung vào 5 nhóm công việc lớn gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường các nước EU; xây dựng pháp luật, thể chế; các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách với tổ chức Công đoàn và các tổ chức người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Mỗi nhóm công việc này được xây dựng với những nội dung, hành động cụ thể mang tính chiến lược nhằm khắc phục những điểm còn tồn tại trong việc thực thi một số FTA trước đây, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định EVFTA được xây dựng trên nguyên tắc có đi có lại và cân bằng về lợi ích của cả 2 bên. Liên minh châu Âu xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa của nước ta, tạo cơ hội lớn hơn trong việc xuất khẩu sang thị trường này. Ngược lại, chúng ta cũng phải có nghĩa vụ mở cửa thị trường của mình cho hàng hóa của châu Âu. Vấn đề hiện nay là, bên cạnh việc trang bị năng lực cạnh tranh cho hàng hóa trong nước, chúng ta cần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho hàng hóa của cả 2 bên. Điểm đáng lưu ý là châu Âu có cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa mang tính bổ trợ, do vậy không trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa cùng phân khúc của nước ta. Chính vì thế, những mặt hàng mà EU có thế mạnh khi nhập khẩu vào Việt Nam như: Máy móc, thiết bị… sẽ giúp hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước giảm giá thành và nâng cao năng lực sản xuất, từ đó tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh tốt hơn.

Riêng tại tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 256 nhằm thực hiện Hiệp định EVFTA của tỉnh Tiền Giang.

Theo kế hoạch này, tỉnh sẽ tập trung vào một số công việc chủ yếu như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi và bổ sung các cơ chế, chính sách kinh tế của tỉnh và cải cách thủ tục hành chính khi tham gia EVFTA; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong đó, một trong những mục tiêu trọng tâm mà tỉnh hướng đến khi thực hiện Hiệp định EVFTA là nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực.

Theo đó, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030… Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng kênh phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các doanh nghiệp có xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường có tham gia trong Hiệp định EVFTA với Việt Nam. Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, có lợi thế cạnh tranh, sử dụng công nghệ cao…

DSC_0815.jpg
Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.

ĐỂ TRIỂN KHAI ĐẠT HIỆU QUẢ?

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Trần Thanh Đức, đối với tỉnh, Hiệp định EVFTA là một cơ hội, do đó phải tiếp cận và nghiên cứu thật kỹ hiệp định này. Việc coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát chất lượng hàng hóa, từng khâu sản xuất rất quan trọng. Vì vậy, HHDN tỉnh đề nghị các doanh nghiệp coi trọng việc chuyển đổi kinh tế số, tăng cường công tác quản lý các khâu trong quá trình sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa đồng đều để tham gia thị trường này.

“Việc thực hiện hiệp định này sẽ góp phần nâng cao trình độ quản lý, chất lượng hàng hóa ổn định hơn. Chúng ta phải xóa được “tật xấu” của một số doanh nghiệp. Tất cả những việc đó không thể tồn tại trong việc buôn bán hiện nay, đặc biệt là giao thương với châu Âu. Để thực hiện Hiệp định EVFTA, ngoài việc nâng cao nhận thức, cần thay đổi nhận thức của nội bộ doanh nghiệp, phải đưa công nghệ mới vào quản lý thì mới có cơ hội. Nếu cứ áp dụng cách quản lý theo kinh nghiệm, thủ công, chúng ta không đủ sức kiểm soát chất lượng hàng hóa, quy trình, khả năng bị thua thiệt, thất bại rất lớn” - đồng chí Trần Thanh Đức nhấn mạnh.

Nhiều ngành hàng đứng trước cơ hội lớn khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Nhiều ngành hàng đứng trước cơ hội lớn khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Cũng theo đồng chí Trần Thanh Đức, để triển khai thực hiện hiệp định này, HHDN tỉnh cùng các doanh nghiệp sẽ có kế hoạch chi tiết. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch chi tiết và HHDN tỉnh sẽ hỗ trợ; bởi từng doanh nghiệp phải có cách đi riêng, tổ chức quản lý theo đặc thù riêng.

Doanh nghiệp phải mạnh dạn tiếp cận và thực hiện cái mới. Hiện có một số doanh nghiệp ở tỉnh cũng đã chuẩn bị để tham gia hiệp định này. Điều này thể hiện qua một số doanh nghiệp đã thay đổi cơ cấu tổ chức, cách thức quản lý. Có một số doanh nghiệp đã mời các chuyên gia tư vấn của châu Âu về để góp ý khâu sản xuất của các doanh nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Để triển khai có hiệu quả Hiệp định EVFTA, theo đồng chí Trần Thanh Đức, về mặt cơ chế, chính sách, các ngành liên quan cần hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục. Kế đến, công tác xúc tiến thương mại cần phải tiếp tục được thực hiện.

Nhà nước phải hỗ trợ cho các hoạt động này, không chỉ dừng lại việc tham gia các hội chợ, mà đi sâu vào tìm hiểu tập tính, sinh hoạt, ăn uống… của người châu Âu. Chính vì vậy, kế hoạch chi tiết để tổ chức các đợt xúc tiến thương mại phải có sự trao đổi cặn kẽ giữa nhà tổ chức và các doanh nghiệp. Như vậy, việc xúc tiến thương mại mới hiệu quả.

M. THÀNH

.
.
.