Bài 2 - Đầu tư lớn cho tam nông
BÀI 1 - Tiền Giang không ngừng nỗ lực vươn lên
Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá nông nghiệp chuyển mạnh sang ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân. Đi cùng với thành tựu chung này, Tiền Giang cũng đã và đang tập trung nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tập trung đầu tư hạ tầng nông thôn, hướng vào nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nhằm khai thác tốt nhất các sản phẩm chủ lực là bước đi quan trọng và mang lại hiệu quả tích cực của nông nghiệp Tiền Giang.
“TRỤ ĐỠ”
Với nhiều tiềm năng và lợi thế hiện hữu, Tiền Giang đã xác định nông nghiệp là một “trụ đỡ” rất quan trọng, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa góp phần đảm bảo an sinh xã hội và trật tự trị an trên địa bàn tỉnh. Là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng trái cây với hơn 80 ngàn ha và sản lượng đạt khoảng 1,5 triệu tấn/năm, cùng với mạng lưới thu mua rộng khắp các vùng chuyên canh và 14 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động với công suất chế biến 47.000 tấn/năm, Tiền Giang đã xác định 7 chủng loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu gồm: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim…
Nông nghiệp được xem là “trụ đỡ” của nền kinh tế. |
Nhìn từ thực tiễn, việc chuyển đổi trong lĩnh vực nông nghiệp được tập trung thực hiện trong những năm gần đây, nhiều vùng cây ăn trái chuyên canh cũng từ đó hình thành và nhân rộng. Nếu như trước đây vùng đất Tân Phước được xem là rốn lũ, rốn phèn nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Nhiều nông dân cũng đã làm giàu trên chính mảnh vườn cây ăn trái của mình. Với diện tích hơn 1,2 ha bước vào tuổi thứ 6, vườn thanh long này đang được phủ lên một màu xanh mướt và bên căn nhà vừa được xây dựng với kinh phí tương đối lớn, ông Trần Văn Thích (xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước) từng chia sẻ với chúng tôi rằng, cuộc sống người dân ở đây đã bước sang trang mới. Nhìn chung, nhà cửa, đường đi đã khoác lên mình một diện mạo mới khang trang hơn.
Sau nhiều năm gắn bó với cây khóm, ông Ba Thích là một trong những người đầu tiên chuyển sang trồng cây thanh long cách đây hơn 6 năm. Giờ đây, vườn thanh long của ông đã bắt đầu cho quả ngọt. “Với 1,2 ha thanh long, mỗi năm tôi cho thu hoạch 6 lần, sản lượng thu hoạch khoảng 30 tấn, với giá bình quân khoảng 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, thanh long cho thu nhập cao gấp 5 lần so với trồng khóm” - ông Ba Thích cho biết.
Tập trung đầu tư vào vùng chuyên canh cây ăn trái đã trở thành điểm nhấn lớn để tiến lên sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, cùng với sự góp sức của công nghệ. Đánh giá về yếu tố này, ông Đỗ Văn Xinh, Tổ trưởng Tổ hợp tác Bưởi da xanh Bình Thành (xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) cho rằng, chỉ trong một vài năm gần đây bưởi da xanh đã phủ xanh toàn bộ diện tích đất trồng lúa trong khu vực. Ngoài việc tăng diện tích đi cùng với sản lượng, người trồng bưởi đã sử dụng “máy bay” (flycam) để phun thuốc, giúp tiết kiệm khoảng 3/4 chi phí so với phun thuốc thủ công như trước đây.
“Nếu như trước đây chi phí phun thuốc cho mỗi công bưởi người dân phải trả khoảng 200.000 đồng nhưng nếu sử dụng “máy bay” chỉ mất 80.000 đồng; chưa kể chi phí tiền thuốc phun chỉ bằng 50% so với phun bình thường. Nhờ những tiện ích này, hầu hết người dân trồng bưởi trong khu vực đều phun thuốc đồng loạt, tiết giảm rất nhiều chi phí, thời gian”- ông Xinh cho biết.
Nhìn một cách tổng thể hơn, công cuộc chuyển đổi trong nông nghiệp có phần góp sức của các gói tín dụng đã và đang được triển khai. Các gói chính sách tín dụng được xem là “bệ đỡ” cho ngành Nông nghiệp, giúp chuyển đổi sản xuất, cải thiện sinh kế của người dân nông thôn. Theo thống kê gần đây của ngành Nông nghiệp cho thấy, hiện có 16 nhóm chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, theo dõi, triển khai thực hiện, bao gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; hỗ trợ bố trí, sắp xếp dân cư; hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản...
ƯU TIÊN THU HÚT ĐẦU TƯ
Tiền Giang luôn xem nông nghiệp là thế mạnh. Những năm qua tỉnh đã tập trung đầu tư, thu hút đầu tư phát triển cho lĩnh vực nông nghiệp. Bởi trên thực tế cho thấy, đóng góp của ngành Nông nghiệp vào trong cơ cấu kinh tế của tỉnh còn chiếm tỷ trọng rất lớn và nguồn thu nhập mang lại cho đa số nông dân cũng từ mặt trận nông nghiệp. Từ đó, Tiền Giang đang thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa trong nông nghiệp, bắt đầu từ nông nghiệp sạch, thay đổi dần thói quen sản xuất từ các vùng chuyên canh của Tiền Giang như: Lúa cao sản, cây ăn trái… Đặc biệt, trong định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới, tỉnh vẫn ưu tiên dành đất để thu hút các khu công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018, với nhiều dự án được tỉnh trao chủ trương nghiên cứu đầu tư liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, như: Dự án Nhà máy chế biến trái cây, nhà đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thanh Bình, nhằm đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái dừa, với công suất khoảng 400.000 trái dừa/ngày; Dự án Trung tâm nghiên cứu giống và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến Mê Kông, nhà đầu tư là Công ty TNHH Thương mại xây dựng An Na, với quy mô khoảng 20 ha; Dự án Xây dựng nhà máy chế biến nông sản, nhà đầu tư là Công ty TNHH Một thành viên Thiên Hộ, với quy mô khoảng 3 ha, vốn đầu tư khoảng 229 tỷ đồng…
Nhờ tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư, chuyển hướng trong nông nghiệp trong thời gian qua, từng chuyên ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi đã tăng nhanh về diện tích, tổng đàn, năng suất, sản lượng, chất lượng và đóng góp vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 3,7%/năm; tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chuyển dịch đúng hướng theo xu hướng giảm dần trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh, năm 2015 chiếm hơn 45% thì năm 2020 chỉ còn khoảng 37%.
Song hành cùng với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, từ các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, vốn từ các dự án ODA, vốn ngân sách tỉnh.... đã tiến hành đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi, hoàn thiện hệ thống tưới tiêu cung cấp nước cho cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp trước diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu (hạn, xâm nhập mặn) diễn ra trong những năm gần đây.
Nhìn một cách tổng thể, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn đánh giá, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và là nền tảng cho công nghiệp, dịch vụ phát triển; thông qua công tác quản lý ngành, công tác hướng dẫn, điều chỉnh sản xuất bằng cơ cấu mùa vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình mới, từng bước ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh được triển khai... đã đem lại thu nhập cao và ổn định cho người dân. Từ đời sống ổn định của người dân cùng với nguồn lực của Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã phát triển mạnh mẽ, có chất lượng, đến cuối năm 2020 toàn tỉnh đã có 118/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 3 đô thị đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trong chặng đường sắp tới, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cho rằng, bên cạnh các gói tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, để đảm bảo đạt tốc độ tăng bình quân trong 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 là 3,5%/năm, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp mang tính trọng tâm như tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh cao, trong đó trọng tâm là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế; duy trì và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến…
T.T
(Còn tiếp)