ĐBSCL: Cần hơn 8.000 tỷ đồng để xử lý 76 điểm sạt lở nghiêm trọng
Bộ NN-PTNT đang phối hợp với Bộ KH-ĐT và các cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL xử lý cấp bách các khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển.
Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay các địa phương vùng ĐBSCL đang cần nguồn vốn 8.143 tỷ đồng để xử lý 76 điểm sạt lở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển với chiều dài 140 km.
Sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở các tuyến đê biển bán đảo Cà Mau. |
Trong gần 10 năm qua, các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đã làm giảm lượng phù sa nghiêm trọng, tình trạng sạt lở ở ĐBSCL ngày càng phức tạp hơn.
Từ năm 2018 đến nay, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các bộ ngành, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội hỗ trợ các tỉnh vùng ĐBSCL khoảng 6.622 tỷ đồng từ các nguồn vốn, để xử lý 156,9km sạt lở bờ sông, bờ biển, góp phần ổn định dân sinh, vùng ven sông, ven biển.
Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với Bộ KH-ĐT và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ vùng ĐBSCL xử lý cấp bách các khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển.
Một vụ sạt lở ở Cần Thơ, gây đứt đoạn nhiều tuyến giao thông trọng yếu trong vùng. |
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng đang thực hiện điều tra đánh giá hiện trạng và khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL; hiện trạng dân cư tại những khu vực có nguy cơ sạt lở trên các tuyến sông chính thuộc hệ thống sông Tiền, sông Hậu; điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu hiện trạng hệ thống đê bao, bờ bao vùng ĐBSCL.
(Theo www.sggp.org.vn)