.

Chuyển biến quan trọng trong sản xuất và thị trường sầu riêng

Cập nhật: 06:50, 08/12/2022 (GMT+7)

Sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, trở thành một sự kiện quan trọng cho sự phát triển ngành hàng sầu riêng của Việt Nam ra thị trường thế giới. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước cung cấp sầu riêng cho thị trường như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia… với sầu riêng Việt Nam ngày càng gay gắt, để tận dụng tốt cơ hội và đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, nhà vườn và doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chắc chắn còn nhiều việc phải làm.

BƯỚC NGOẶT THỊ TRƯỜNG

Sự kiện 100 tấn sầu riêng lên đường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vào ngày 17-9 theo Nghị định thư đã ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của ngành hàng sầu riêng Việt Nam.

Để tận dụng tốt cơ hội và đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, nhà vườn và doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm. Ảnh: Lập Đức
Để tận dụng tốt cơ hội và đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, nhà vườn và doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm. Ảnh: LẬP ĐỨC

Những trái sầu riêng đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là bước đệm quan trọng cho sự phát triển ngành hàng sầu riêng của Việt Nam ra thị trường thế giới; bởi lẽ Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trong hiện tại và đang có xu hướng tăng.

Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp tăng cường thu mua sầu riêng và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, từ đó giá sầu riêng thu mua tại vườn tăng. Vào thượng tuần tháng 11 năm nay, nông dân bán tại vườn đối với giống Ri6 và Dona đạt tiêu chuẩn xuất khẩu dao động 70.000 - 85.000 đồng/kg. Sự hấp dẫn của giá sầu riêng đã và đang là lý do khiến nhiều hộ đầu tư kinh doanh cây sầu riêng, không ít hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đi tìm vùng đất mới để trồng sầu riêng, trong đó có vùng Đồng Tháp Mười.

Thị trường chuyển biến mạnh đi đôi với những áp lực cho sản xuất cũng như các khâu trong chuỗi cung ứng để đáp ứng các hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu. Để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, các quy trình vệ sinh phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Theo đó, trái sầu riêng thu hoạch từ các vườn sầu riêng được cấp mã vùng trồng và các doanh nghiệp được cấp mã cơ sở đóng gói; sầu riêng được phân loại, thổi bằng hơi áp suất cao, vệ sinh trái bằng bàn chải…

Đối với điều khoản đăng ký, các vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN-PTNT và được Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc và các yêu cầu trong Nghị định thư, không nhiễm các chất thuộc kiểm dịch thực vật được phía Trung Quốc quan tâm.

Điều này cho thấy, để tăng sản lượng xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc cần phải có nhiều diện tích trồng sầu riêng được cấp mã vùng trồng cũng như cần có nhiều cơ sở đóng gói, doanh nghiệp được cấp mã cơ sở đóng gói.

Tuy nhiên, cho đến nay Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ mới chính thức phê duyệt 76 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia này; trong đó, có 51 mã vùng trồng (các tỉnh ĐBSCL có 8 mã số, trong đó Tiền Giang có 3 mã số) và 25 mã số cơ sở đóng gói (các tỉnh ĐBSCL có 14 mã số, trong đó Tiền Giang có 10 cơ sở).

Với 51 vùng trồng được cấp mã số (khoảng 3.000 ha với sản lượng khoảng 68.000 tấn/năm), so với sản xuất sầu riêng của Việt Nam (hiện có khoảng 85.000 ha, sản lượng khoảng 694.000 tấn/năm) thì diện tích được cấp mã vùng trồng còn rất khiêm tốn.

CHUYỂN DỊCH VÙNG TRỒNG

Trong những năm gần đây, tại khu vực ĐBSCL có sự chuyển dịch vùng trồng sầu riêng và diễn ra theo hướng giảm diện tích trồng ở những vùng dễ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn và chuyển đến các vùng trồng khác, trong số đó phải kể đến vùng Đồng Tháp Mười.

Tại khu vực Đồng Tháp Mười thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp không ít nhà vườn đang khai thác vùng đất mới này bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa và một số cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó có cây sầu riêng.

Cần tận dụng  cơ hội đối với sầu riêng. 					                                         Ảnh: MINH THÀNH
Cần tận dụng cơ hội đối với sầu riêng. Ảnh: MINH THÀNH

Việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng tại một số địa phương thuộc vùng “rốn phèn” của vùng Đồng Tháp Mười diễn ra khá nhanh. Đây là vùng trồng mới đối với cây sầu riêng, nhiều nhà vườn chưa có kinh nghiệm nên gặp không ít khó khăn trong canh tác sầu riêng.

Trong quá trình thực hiện Dự án Khuyến nông “Xây dựng mô hình vườn mẫu cây ăn quả thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL” do Viện Cây ăn quả miền Nam chủ trì đã triển khai một số mô hình trồng sầu riêng trên địa bàn ĐBSCL, trong đó có vùng đất phèn ở Đồng Tháp Mười. Từ những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện mô hình, các chuyên gia của Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo nhà vườn trong khâu lập vườn sầu riêng về chọn giống và thiết kế vườn.

Vùng trồng sầu riêng tại Đồng Tháp Mười phải có đê bao chắc chắn nhằm hạn chế tác hại của lũ lụt, giúp giữ nước trong mùa nắng đảm bảo cung cấp nước để tưới cho cây sầu riêng. Về thiết kế mương liếp cần lưu ý thiết kế sao cho nước vào đầu này của mương và thoát ra ở đầu kia của mương để rửa phèn trong khu vườn. Kích thước liếp rộng 6 - 7 m, mương rộng 2 - 3 m, sâu 1 - 1,2 m (ngoại trừ những khu đất có chứa các yếu tố bất lợi cho cây sầu riêng nằm ở độ sâu ≤1,2 m, tầng sinh phèn). Về làm mô trồng, cần lên mô cao để hạn chế cây bị bệnh thối rễ và bệnh xì mủ do Phytophthora. Đối với đất ruộng nên làm mô trước khi đào mương lên liếp. Sử dụng lớp đất mặt của ruộng để làm mô. Mô có kích thước mặt từ 0,8 - 1 m, đáy mô từ 1,2 - 1,4 m, chiều cao mô ≥ 1,2 m (hằng năm đắp mô rộng ra theo tán cây). Đối với đất đã lên mương liếp, đắp mô trên liếp có kích thước mặt mô 0,8 - 1 m, đáy mô từ 1 - 1,2 m, chiều cao mô tối thiểu 0,8 m (hằng năm đắp mô rộng theo tán cây). Về mật độ và khoảng cách trồng, nên trồng hàng đơn, khoảng cách trồng là 7x8 m (175 cây/ha) hoặc 7x9 m hay 8x8 m (150 cây/ha) hoặc 7x10 m (140 cây/ha) hoặc 8x9 m (130 cây/ha) hoặc 8x10 m (120 cây/ha).

Theo đó, đối với khâu chọn giống, 2 giống sầu riêng được khuyến cáo trồng là Ri6 và Dona. Sầu riêng Ri6 và Dona là 2 giống sầu riêng có chất lượng cao, đã và đang được thị trường Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch; đối với các thị trường nhập khẩu khác 2 giống sầu riêng này cũng có nhu cầu cao.

2 giống sầu riêng này cũng đã và đang được người tiêu dùng tại các tỉnh, thành ưa chuộng, nhất là các thị trường lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... Do đó, nhà vườn sử dụng giống sầu riêng Ri6 và Dona để phát triển diện tích sầu riêng tại vùng Đồng Tháp Mười là phù hợp nhu cầu thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Để tận dụng tốt cơ hội sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và sự chuyển biến thị trường theo hướng tích cực nêu trên, nhà vườn trồng sầu riêng tại các vùng trồng truyền thống thuộc các tỉnh như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… cần áp dụng các biện pháp canh tác hợp lý nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, kiểm tra kỹ nguồn nước trước khi tưới cho sầu riêng, nhất là vào các tháng mùa nắng để đề phòng tác hại của mặn vì cây sầu riêng rất mẫn cảm với mặn.

Đối với phát triển vùng trồng mới, nhất là tại vùng đất phèn Đồng Tháp Mười, cần chú trọng khâu lập vườn, bao gồm chọn giống, thiết kế vườn, hệ thống tưới… Kể cả vùng trồng sầu riêng truyền thống đã có và những vùng trồng sầu riêng mở rộng thêm sau này, nhà vườn cần đầu tư thâm canh hướng đến chất lượng trái ngon, an toàn thực phẩm, tăng cường liên kết để hình thành các mô hình hợp tác sản xuất với diện tích đủ lớn (tối thiểu 10 ha), kết hợp sản xuất sầu riêng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng từ khâu trồng đến thu hoạch, bảo quản, sơ chế biến với giá thành sản xuất cạnh tranh.

Đối với doanh nghiệp, trong quá trình xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, các doanh nghiệp phải có sự thỏa thuận và được ủy quyền của các cơ sở sản xuất trong việc sử dụng mã vùng trồng để xuất khẩu. Đồng thời, cần khắc phục tình trạng doanh nghiệp sử dụng mã số vùng trồng của địa phương này nhưng mua sầu riêng ở địa phương khác để trộn vào, làm tăng sản lượng xuất khẩu, không đúng theo sản lượng thực tế.

Chính quyền địa phương cần nắm rõ năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn uy tín tiếp cận với các vùng trồng được cấp mã số vùng trồng để thu mua trái sầu riêng. Doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cần liên kết chặt chẽ với các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng sầu riêng, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và các nhà nhập khẩu để xây dựng lòng tin, xây dựng thương hiệu sầu riêng “Made in Vietnam” trên thị trường Trung Quốc, góp phần giúp trái sầu riêng ĐBSCL thêm ưa chuộng và vươn xa.

TS. ĐOÀN HỮU TIẾN
(Viện Cây ăn quả miền Nam)

.
.
.