.
LIÊN KẾT SẢN XUẤT, TIÊU THỤ SẢN PHẨM:

Hướng đi tất yếu của hợp tác xã nông nghiệp

Cập nhật: 09:40, 18/10/2023 (GMT+7)

Xác định tầm quan trọng của việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, được sự hỗ trợ của các sở, ngành liên quan, nhiều chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã hình thành; trong đó các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đóng vai trò nòng cốt, góp phần tạo đầu ra ổn định cho HTX.

NHIỀU MÔ HÌNH HIỆU QUẢ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng tham quan mô hình liên kết sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao của HTX Nông nghiệp Thạnh Lợi ( xã Mỹ Hạnh Trung, TX. Cai Lậy) với doanh nghiệp. Ảnh: T. Đạt
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cùng với các DN tham quan mô hình liên kết sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao của HTX Nông nghiệp Thạnh Lợi ( xã Mỹ Hạnh Trung, TX. Cai Lậy). Ảnh: T. Đạt

Phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của các HTX, tổ hợp tác, nông hộ. Do vậy, trong những năm qua, Tiền Giang đã đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Cùng với đó, các doanh nghiệp (DN) tham gia liên kết sản xuất với nông dân cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định, góp phần phát triển kinh doanh bền vững.

Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hướng dẫn, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của HTX với các DN trong và ngoài tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 109 danh mục dự án, kế hoạch liên kết được phê duyệt.

Trong đó, giai đoạn từ năm 2018 - 2023 có 29 dự án, kế hoạch liên kết được phê duyệt, với tổng nguồn vốn thực hiện liên kết trên 107 tỷ đồng. Đồng thời, đã huy động 29 HTX nông nghiệp, 55 DN với 1.320 hộ nông dân tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản. Các hình thức liên kết chủ yếu là liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch và gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Điển hình trong số đó phải kể đến là mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ của HTX Rau quả Long Thuận (TX. Gò Công). HTX có 105 thành viên, diện tích canh tác 40 ha hiện đang trồng 11 loại rau cung cấp cho thị trường với sản phẩm chủ lực là cải bẹ nhúng, cải bẹ xanh và cải ngọt. HTX ký kết hợp đồng liên kết với thành viên và người dân để sắp xếp lịch gieo trồng hợp lý.

HTX Rau quả Long Thuận thu mua toàn bộ sản phẩm của thành viên và người dân ổn định với mức giá 5.000 đồng/kg và theo giá thị trường.                                                                                                                                                                                                                                                              Ảnh T. ĐẠT
HTX Rau quả Long Thuận (TX. Gò Công) thu mua toàn bộ sản phẩm của thành viên và người dân ổn định với mức giá 5.000 đồng/kg và theo giá thị trường. Ảnh T. ĐẠT

Sau đó, HTX thu mua toàn bộ sản phẩm của thành viên và người dân ổn định với mức giá 5.000 đồng/kg và theo giá thị trường. Nếu giá thị trường tăng, HTX thu mua cao hơn giá thị trường 1.000 - 2.000 đồng/kg. HTX giao hàng chủ yếu cho các chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bách Hóa Xanh, với sản lượng từ 15 - 20 tấn/ngày.

Hay mô hình liên kết giữa HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bình Quý (huyện Gò Công Tây) với Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu. HTX hiện có 106 thành viên với gần 20 ha trồng cây dược liệu. Hiện HTX đang thực hiện theo quy trình sản xuất an toàn, cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và liên kết với Công ty Thiên Ân tiến hành bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho thành viên sản xuất các mặt hàng dược liệu như: Canh rau dược liệu, cháo dược liệu, rượu dược liệu, nước uống đóng chai dược liệu... đảm bảo đúng quy trình theo tiêu chuẩn an toàn, được các siêu thị và thị trường miền Trung và miền Bắc ưa chuộng.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang Lê Minh Khánh, các HTX nông nghiệp đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành cầu nối liên kết nông dân với DN, kết nối nông dân với nông dân, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.

TIẾP TỤC HỖ TRỢ

Theo đồng chí Lê Minh Khánh, để thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, trong đó các HTX nông nghiệp đóng vai trò nòng cốt, các ngành, các cấp cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện tốt chính sách trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là chú trọng đến vai trò của DN, HTX. Một trong những yếu tố quan trọng là vận động người dân nhận thức được vai trò trong việc liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Phú Quới (xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây) liên kết với các DN cung ứng rau sạch,  tạo đầu ra ổn định cho thành viên.                                                                                                                                                                                                           Ảnh T. ĐẠT
HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Phú Quới (xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây) liên kết với các DN cung ứng rau sạch, tạo đầu ra ổn định cho thành viên. Ảnh T. ĐẠT

Qua đó từng bước thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; làm thay đổi cách nghĩ, cách làm từ cá thể sang tập thể, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Đồng thời, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giảm giá thành giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với chuỗi giá trị và phát triển bền vững.

Một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục thu hút các HTX tham gia liên kết với DN trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ các HTX nông nghiệp đang đóng trên địa bàn tỉnh về đất đai, tín dụng. Các ngành, các cấp cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho HTX; khuyến khích các HTX đầu tư xây dựng các dự án liên kết theo mô hình chuỗi giá trị; tăng cường tổ chức các hội thảo, hội chợ xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm... để thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Ngoài ra, các ngành, các cấp cần hỗ trợ tư vấn liên kết, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất hàng nông sản; hỗ trợ về hạ tầng, hỗ trợ cán bộ trẻ, đào tạo, bồi dưỡng cho các HTX; hỗ trợ về giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; truy xuất nguồn gốc, chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...

Theo Sở NN&PTNT, để đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025 và Công văn của UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung, không thực hiện danh mục dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để cho cán bộ cơ sở và người dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa, lợi ích lâu dài của việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, nâng cao nhận thức về tinh thần hợp tác.

Về tổ chức sản xuất, Sở sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp nâng cao năng lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để có đủ khả năng thực hiện tốt vai trò kết nối giữa nông dân với DN trong liên kết tiêu thụ như: Chính sách hỗ trợ về hạ tầng, hỗ trợ cán bộ trẻ, đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, tiếp tục thu hút các DN đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đạt chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tham gia liên kết tiêu thụ theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra.

Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao cho cánh đồng liên kết sản xuất; đặc biệt là thiết kế lại đồng ruộng để thuận lợi cho cơ giới hóa, hoàn thiện thủy lợi nội đồng, trạm bơm điện, nâng cấp giao thông, hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch.

Cùng với đó là tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm cho các sản phẩm có tham gia liên kết như: Trưng bày, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP tỉnh; hỗ trợ tham gia hoạt động số hóa, chống giả và quảng bá sản phẩm OCOP trên hệ thống Blockchain.

LÊ MINH

 

.
.
.