Thứ Năm, 16/11/2023, 14:45 (GMT+7)
.

Kích cầu gắn với bình ổn thị trường dịp cuối năm

Thị trường trong nước đang được coi là điểm sáng của nền kinh tế khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 9,4% trong 10 tháng năm 2023. Tại các hệ thống siêu thị, các chương trình khuyến mãi diễn ra liên tục trong từng tuần, từng tháng và có nhiều chính sách đặc biệt để giúp kích cầu tiêu dùng. Từ nay đến cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa bằng nhiều hoạt động kích cầu đi đôi với bình ổn thị trường.

a
  Khách mua hàng bình ổn tại siêu thị Co.op Food, quận Phú Nhuận.

Đẩy mạnh hoạt động kích cầu

Theo Bộ Công Thương, tính chung 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt trên 5.100 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 10 tháng năm 2023 của một số địa phương so với cùng kỳ năm trước, như: Đà Nẵng tăng 143,8%, Khánh Hòa tăng 137,9%, TP Hồ Chí Minh tăng 68%, Hà Nội tăng 59,5%, Cần Thơ tăng 32,4%,…

Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart, kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, thời gian qua, Saigon Co.op tung ra chương trình khuyến mãi “Cùng nàng tỏa sắc” với hàng loạt ưu đãi đậm dành cho phái nữ. Chương trình này áp dụng cho hơn 1.000 sản phẩm mỹ phẩm, chăm sóc cá nhân, thời trang may mắn,… với mức giảm giá từ 20 - 46%.

Ngoài nhóm khách hàng mục tiêu, Saigon Co.op cũng dành nhiều ưu tiên cho nhóm khách hàng Gen Z là thế hệ các bạn trẻ am hiểu công nghệ, cập nhật xu hướng thường xuyên và nhanh chóng. Cùng với đó, số hóa và ứng dụng công nghệ số vào tất cả chương trình khuyến mãi cũng là định hướng của Saigon Co.op nhằm mở rộng nhóm khách hàng. Đồng thời, mang đến trải nghiệm thuận tiện cho người tiêu dùng khi mua sắm tại hệ thống bán lẻ của đơn vị.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ tháng 4/2023, Sở Công Thương triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình áp dụng cho 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, với khoảng 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia, khối lượng hàng bình ổn giá chiếm từ 23 - 31% nhu cầu thị trường.

Để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, từ tháng 7/2023, thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống còn 8% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội đối với nhiều mặt hàng. Đây được coi là giải pháp giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Bởi vì giảm thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng, người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn.

Với ngành hàng điện tử, đồ gia dụng, các đơn vị kinh doanh bắt đầu tung ra thị trường các sản phẩm có giá khuyến mãi hấp dẫn để tăng doanh thu. Đại diện Siêu thị Điện máy - nội thất Chợ Lớn chia sẻ, mùa kinh doanh cuối năm được xem là cơ hội “vàng” để siêu thị bứt phá doanh thu. Hiện siêu thị đã tăng lượng hàng hóa gấp đôi so với bình thường và áp dụng khuyến mại từ 30% - 50%.

Nhằm kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh tuyên truyền “Chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia 2023 - Vietnam Grand Sale 2023” (từ 4/12/2023 - 10/1/2024) và “Tháng khuyến mãi năm 2023” (từ 20/10 - 20/11/2023). Theo đó, tỉnh triển khai, vận động các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phân phối hàng hóa thực hiện các chương trình khuyến mãi kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước. Đồng thời, tăng cường quảng bá, tiếp thị sản phẩm, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, khẳng định uy tín thương hiệu với hình thức phù hợp, thiết thực.

Các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hưởng ứng tham gia chương trình bằng các hoạt động ưu đãi, khuyến mãi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ,… dành cho người tiêu dùng với các hình thức khuyến mãi được quy định tại Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ, hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng trong đợt này là 100%.

Kích cầu đi đôi với bình ổn thị trường

a
Mặt hàng thanh long được bán không lợi nhuận tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. Ảnh tư liệu: TTXVN

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá từ nay đến cuối năm 2023 và đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, các doanh nghiệp phân phối đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung ổn định, không có sự gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như đột biến về giá cả cho người tiêu dùng. Để kích cầu tiêu dùng, các địa phương trên cả nước đã sẵn sàng kế hoạch tổ chức khuyến mãi cuối năm. Điểm chung là chương trình năm nay sẽ kéo dài hơn, ưu tiên quảng bá hàng Việt Nam.
   
Hiện một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận,... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024 nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân tốt nhất với giá cả bình ổn.

Thực tế, từ tháng 10/2023, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ, quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết. Bộ Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp có diễn biến bất thường.

Theo đại diện hệ thống MM Mega Market, siêu thị sẵn sàng “cắt” bớt lợi nhuận để chia sẻ với khách hàng, từ đó sẽ cân đối mức giá hợp lý với nhiều chương trình ưu đãi cho người tiêu dùng nhằm kích thích sức mua cuối năm. Bên cạnh đó, MM Mega Market sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích thích sức mua, trong đó, nhiều mặt hàng có thể được áp dụng giảm giá 10% - 30%. Tại hệ thống GO!, Big C, Tops Market, nhiều loại hải sản tươi ngon cũng được giảm giá đến 40%, nhiều mặt hàng còn được bán đồng giá hấp dẫn,…

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cuối năm có xu hướng tăng cao so với bình thường, nên hầu hết các trung tâm thương mại, doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng hóa Tết từ rất sớm. Sở cũng phối hợp Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh quảng bá, kết nối du khách trong và ngoài nước đến Thành phố vui chơi, mua sắm dịp cuối năm.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ tận dụng ở mức cao nhất các cơ hội gia tăng sức mua như: Black Friday, lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán,… phát động chương trình khuyến mãi, công bố sớm và đầy đủ, chi tiết thông tin để doanh nghiệp chủ động tham gia. Dự kiến cuối tháng 12/2023, Sở Công Thương sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2023 nhằm kết nối các đơn vị sản xuất - cung ứng, tìm nguồn cung hàng hóa an toàn, giá hợp lý và có chất lượng tốt để cung cấp cho người dân Thành phố.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nhằm đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, Bộ Công Thương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Cùng với đó, đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng.

Theo TTXVN

 

.
.
.