.

Huyện Gò Công Đông: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng

Cập nhật: 16:23, 20/12/2023 (GMT+7)

Nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế về sản phẩm nông sản và các sản phẩm truyền thống của địa phương, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang tích cực đồng hành, hỗ trợ để chủ thể tham gia xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân.

ĐỒNG HÀNH, HỖ TRỢ CHỦ THỂ THAM GIA OCOP

Huyện Gò Công Đông tích cực đồng hành, hỗ trợ để chủ thể tham gia xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.
Huyện Gò Công Đông tích cực đồng hành, hỗ trợ để chủ thể tham gia xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.

Thời gian qua, huyện Gò Công Đông đã tập trung tuyên truyền, giới thiệu về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của nhân dân về Chương trình OCOP.

Để phát triển các sản phẩm OCOP của huyện, UBND huyện đã đăng ký Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP để quảng bá sản phẩm và thúc đẩy tiêu thụ.

Đồng thời, huyện đã phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ thực hiện Chương trình OCOP huyện, xã, các chủ thể sản xuất với các nội dung triển khai, hướng dẫn Chương trình OCOP giai đoạn 2022 - 2025; kỹ năng xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm OCOP; khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, có hơn 100 lượt người tham dự.

Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, huyện Gò Công Đông có 11 sản được chứng nhận OCOP được xếp hạng 3 sao, gồm: Mứt si rô, mắm ruốc xào, cải dún, mứt sơ ri, cải ngồng, củ cải dầm, cải chua, nước tương Tamari Nguyên Dương, muối tôm, chả lụa, khô đù một nắng. Phấn đấu đến năm 2025, huyện có 13 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP đạt 3 sao trở lên.

Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh phí, hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, in tem chứng nhận OCOP cho các chủ thể. Những năm gần đây, các sản phẩm nông, thủy sản của huyện Gò Công Đông đã dần khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường được nhiều người biết đến. Sản xuất ra sản phẩm OCOP không những tạo được việc làm, mà còn giúp người dân cải thiện thu nhập.

Đến nay, UBND huyện Gò Công Đông đã xây dựng được 2 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại chợ biển Tân Thành và chợ huyện Gò Công Đông (thị trấn Tân Hòa) nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất có cơ hội tiếp cận liên kết, giới thiệu đến người tiêu dùng và du khách; giúp người tiêu dùng tiếp cận những sản phẩm tiêu chuẩn, chất lượng; góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi những nông sản, sản phẩm ưu thế của huyện Gò Công Đông.

Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm của nhiều hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trên địa bàn huyện. Việc tham gia Chương trình OCOP là cơ hội tốt để HTX, hộ kinh doanh khẳng định chất lượng thương hiệu sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường.

Đây còn là cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất của các HTX, hộ kinh doanh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Qua khảo sát, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP đều được người dân tin tưởng, thị trường ngày càng được mở rộng, doanh số bán hàng tăng từ 5% - 10%.

Với nỗ lực của các chủ thể và sự đồng hành của các cấp chính quyền, ngành chức năng, Chương trình OCOP huyện Gò Công Đông đã có những bước tiến nhanh. Trên địa bàn huyện có 17 HTX nông nghiệp, trên 100 cơ sở, doanh nghiệp.

Trong năm 2023, các chủ thể sản xuất trên địa bàn huyện đã đăng ký 6 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó đã có 3 sản phẩm, gồm: Muối tôm (xã Gia Thuận), khô cá đù một nắng và chả lụa (xã Tân Phước) được Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm huyện thẩm định, đánh giá đạt hạng 3 sao; còn lại 3 sản phẩm: Ruốc sấy (thị trấn Vàm Láng), trái sơri tươi và cơm cháy chà bông (xã Tân Đông) tiếp tục được tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm hỗ trợ tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ để thông qua Hội đồng đánh giá trong thời gian tới (dự kiến cuối tháng 12-2023).

TẬN DỤNG NGUỒN NGUYÊN LIỆU SẴN CÓ TẠI ĐỊA PHƯƠNG

Theo đánh giá từ UBND huyện Gò Công Đông, các sản phẩm OCOP của huyện ngày càng đa dạng về mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Các chủ thể đã quan tâm hơn về kiểm soát chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, tham gia vào các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm OCOP huyện Gò Công Đông tham gia Hội chợ thương mại  sản phẩm nông sản và OCOP tỉnh Tiền Giang năm 2023.
Sản phẩm OCOP huyện Gò Công Đông tham gia Hội chợ thương mại sản phẩm nông sản và OCOP tỉnh Tiền Giang năm 2023.

Anh Huỳnh Văn Thanh, chủ hộ cơ sở Muối tôm Hải Đăng (xã Gia Thuận) chia sẻ: “Được người quen truyền nghề làm muối tôm, cùng với việc tận dụng nguồn nguyên liệu tôm dồi dào ở quê hương Gò Công Đông với giá thành thấp hơn so với những nơi khác.

Tôi đã quyết định thành lập hộ kinh doanh muối tôm để kiếm thêm thu nhập. Muối tôm Hải Đăng đã được bày bán rộng rãi từ hệ thống cửa hàng đến các cơ sở thực phẩm, tiệm tạp hóa ở địa phương và các vùng lân cận. Hiện tại, tôi đã biết tìm đầu ra cho sản phẩm muối tôm trên các sàn thương mại điện tử như: Shoppee, Lazada và nhất là Tiktok shop... để đưa sản phẩm ra thị trường đến các huyện, các tỉnh thành khác.

Anh Trương Minh Tâm, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm Cánh Biển (xã Phước Trung) cho biết: Với lợi thế của củ cải trồng ở địa phương có những đặc tính riêng, cùng với kinh nghiệm làm củ cải truyền thống của gia đình, tôi bắt đầu xây dựng nhà xưởng, áp dụng quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, vệ sinh ra thị trường.

Nguồn nguyên liệu chính là củ cải trắng mang đi ướp gia vị, tôi đặt cho cái tên rất lạ với nhiều người, đó là củ cải dầm. Nét đặc trưng của sản phẩm là củ cải luôn giữ độ giòn, hàm lượng củ cải cao trên 90%”.

Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm của nhiều HTX,  hộ kinh doanh trên địa bàn huyện.
Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm của nhiều HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện.

Chương trình OCOP đã có tác động lớn đến tổ chức sản xuất, nếu trước đây người dân chỉ sản xuất hướng đến tiêu thụ trong huyện, xã thì hiện nay khi thực hiện Chương trình OCOP, người dân đã thay đổi tư duy, hướng đến thị trường lớn hơn, trong và ngoài tỉnh.

Điều đó góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp khu vực nông thôn, nhất là kinh tế hộ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi, nền tảng cho công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện thời gian qua.

Trong thời gian tới, huyện Gò Công Đông tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

L. OANH

.
.
.