Lũ lên nhanh, hàng ngàn hécta lúa, rau màu ở Long An ngập úng, nguy cơ vỡ đê bao
Tối 24-10, Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết, trong ngày, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn kéo dài diện rộng, kết hợp lũ lên nhanh khiến nước tràn qua các bờ bao làm nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả của người dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười (Long An) bị ngập úng, thiệt hại nặng.
Long An sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện kịp thời ứng phó khi lũ lên nhanh có khả năng đe dọa đến an toàn công trình đê bao |
Tại các huyện Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, dù chưa có số liệu thống kê đầy đầy đủ, nhưng ước có hàng trăm hécta rau màu như dưa hấu, mít, sầu riêng, bí đỏ, khổ qua… bị ngập, hư hỏng.
Cạnh đó, 3 xã biên giới của thị xã Kiến Tường gồm Bình Tân, Bình Hiệp và Thạnh Trị có 1.340ha lúa Thu đông và Đông Xuân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, toàn tỉnh Long An đang có hơn 11.800ha lúa, hoa màu, cây ăn quả các loại có nguy cơ bị ngập úng trong những ngày tới.
Hiện, chính quyền các địa phương đang huy động lực lượng quân đội, công an, dân quân hỗ trợ người dân tích cực bơm tát nước ra khỏi ruộng, để kéo giảm thiệt hại.
Tại các xã Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi (huyện Tân Hưng), xã Thạnh Trị (thị xã Kiến Tường), xã Bình Thạnh (huyện Mộc Hóa) và xã Bắc Hòa (huyện Tân Thạnh), mực nước ngoài kênh đang cao hơn mặt ruộng từ 1,5-2m. Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Long An, một số đoạn đê đang rất yếu, có nguy cơ xảy ra vỡ đê gây ảnh hưởng đến sản xuất.
Chính quyền và người dân gia cố đê bao, vận động người dân sử dụng các nguồn lực hiện có để bơm nước chống ngập úng. |
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, chỉ đạo các địa phương có nguy cơ ngập lụt, phải lưu ý tập trung gia cố đê bao, vận động người dân sử dụng các nguồn lực hiện có để bơm nước, gia cố bờ bao và cùng chính quyền địa phương chống ngập úng. |
UBND tỉnh Long An yêu cầu lãnh đạo các huyện vùng Đồng Tháp Mười tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND cấp xã tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát diễn biến tình hình mực nước lũ, triều cường.
Đồng thời, thường xuyên tuần tra, kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao có cao trình thấp, xung yếu, chưa khép kín; chuẩn bị tốt phương châm 4 tại chỗ (nhất là các thiết bị cơ giới) sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện kịp thời ứng phó khi lũ lên nhanh có khả năng đe dọa đến an toàn công trình đê bao, bờ bao, nhằm bảo vệ an toàn diện tích sản xuất nông nghiệp đợt mưa lớn kết hợp lũ, triều cường hiện nay.
Theo sggp.org.vn