GĐ Sở GD&ĐT Nguyễn Hồng Oanh: Trách nhiệm của người thầy càng nặng nề hơn
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) ngày càng cao đòi hỏi người thầy phải không ngừng rèn luyện về phẩm chất đạo đức, trí tuệ, kỹ năng… Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hồng Oanh chia sẻ:
Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang hướng đến nền kinh tế tri thức, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Muốn làm chủ tri thức, làm chủ khoa học - công nghệ thì không có cách nào khác là phải tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người.
Muốn làm được điều đó thì phải đẩy mạnh sự nghiệp GD&ĐT. Chính vì vậy, trong những năm qua, Nhà nước đã không ngừng tăng cường đầu tư cho sự nghiệp GD&ĐT, với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Do đó, trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay thì trách nhiệm của người thầy càng nặng nề hơn, giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người.
* PV: Không thể có học trò giỏi nếu giáo viên yếu kém về năng lực chuyên môn. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
* Ông Nguyễn Hồng Oanh: Ngày nay, đòi hỏi người thầy không chỉ có kiến thức về chuyên môn mà còn phải có kiến thức tổng hợp và những năng lực mềm. Kiến thức tổng hợp sẽ giúp cho người giáo viên dễ dàng tiếp cận với kho tàng tri thức của nhân loại, từ đó vận dụng vào công tác chuyên môn, làm cho bài giảng thêm phong phú, đa dạng, kích thích niềm đam mê học tập của học sinh.
Trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, người giáo viên không có kiến thức về ngoại ngữ, tin học thì khó khai thác, cập nhật tri thức từ mạng Internet. Môi trường sống ngày nay đã khác xưa rất nhiều, học sinh càng ngày càng thông minh, vì vậy người thầy không có kiến thức tổng hợp cũng sẽ mất tự tin khi đứng trên bục giảng.
Thực tế cho thấy, đội ngũ giáo viên có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục. Trong những năm trước, ngành GD&ĐT tổ chức các cuộc thi học sinh giỏi thì tỷ lệ học sinh giỏi ở một số địa phương đạt giải rất thấp. Tuy nhiên, sau khi ngành GD&ĐT củng cố, nâng chất đội ngũ giáo viên thì chất lượng giáo dục ở các địa phương nâng lên khá toàn diện, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và tỷ lệ học sinh khá, giỏi, lên lớp thẳng từng bước tăng lên. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh đạt giải qua các kỳ thi học sinh giỏi các cấp cũng tăng lên.
* PV: Theo ông, đội ngũ nhà giáo của tỉnh nhà đã đáp ứng được nhu cầu của công tác đào tạo, giảng dạy chưa?
* Ông Nguyễn Hồng Oanh: Trong những năm qua, chất lượng giáo dục của tỉnh nhà luôn giữ ổn định và không ngừng được nâng lên. Điều đó có thể chứng minh qua chất lượng học sinh giỏi hàng năm luôn tăng, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT năm sau luôn cao hơn năm trước. Những trường trước kia có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT thấp thì trong những năm gần đây cũng đã có bước đột phá đáng phấn khởi.
Tỷ lệ học sinh thi đậu đại học, cao đẳng của tỉnh luôn đứng ở mức cao so với khu vực ĐBSCL. Đặc biệt là Tiền Giang cũng có những trường THPT lọt vào tốp 100 trường của cả nước có tỷ lệ học sinh đậu đại học cao. Học sinh của Tiền Giang luôn đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia và khu vực, có nhiều em đậu thủ khoa, á khoa trong các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng… Chất lượng giáo dục chính là thước đo chính xác nhất về năng lực của đội ngũ nhà giáo.
Điều đáng mừng là đội ngũ nhà giáo của tỉnh nhà không ngừng nỗ lực học hỏi, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, kỹ năng, ở tất cả các bậc học giáo viên đều đạt chuẩn, không còn giáo viên dưới chuẩn. Tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn chiếm tỷ lệ cao so với mặt bằng chung trong khu vực ĐBSCL.
Ngành GD&ĐT luôn khuyến khích giáo viên tự học, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề. Trong thời gian qua, ngành GD&ĐT luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để giáo viên đi học nâng cao kiến thức. Chính vì vậy, đội ngũ giáo viên của tỉnh nhà ngày càng vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Nói như thế không có nghĩa là trong đội ngũ nhà giáo của tỉnh nhà không còn những giáo viên yếu về năng lực chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, những nhà giáo như vậy chỉ chiếm số ít. Để giúp nhà giáo nâng cao tay nghề, kỹ năng nghiệp vụ, ngành GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội thi, hội giảng, tập huấn nghiệp vụ để giúp giáo viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nhằm đáp nhu cầu trong công tác giảng dạy.
* PV: Vấn đề đạo đức nhà giáo đang là vấn đề toàn xã hội quan tâm. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này của đội ngũ nhà giáo ở tỉnh nhà?
* Ông Nguyễn Hồng Oanh: Nghề giáo là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Dù ở mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung, ở bất kỳ thời nào thì người thầy cũng được xã hội nói chung và học trò nói riêng tôn kính, quý trọng. Người thầy không chỉ truyền đạt cho học sinh kiến thức, mà còn dạy cho học sinh cách làm người.
Đối tượng lao động của người thầy là con người, là nhân cách của học sinh. Bằng nhân cách của mình, thông qua phương pháp nêu gương, người thầy cảm hóa học sinh bằng tư tưởng, tình cảm của mình. Chính vì vậy, đã làm nghề giáo thì phải sống liêm khiết, mẫu mực để nêu gương cho học sinh.
Hiện nay, việc giáo viên dùng cách này hay cách khác để bắt học sinh phải học thêm là có, nhưng đó chỉ là hiện tượng, là “con sâu làm rầu nồi canh” chứ không phải là bản chất của cả đội ngũ nhà giáo. Thỉnh thoảng chỗ này, chỗ khác cũng có giáo viên thiếu kiềm chế nên có lời lẽ hoặc dùng hình phạt không đúng với quy định của ngành, nhưng đó cũng không phải là phổ biến.
Điều đáng mừng là đội ngũ nhà giáo ngày nay vẫn luôn có ý thức giữ gìn hình ảnh cao quý của người thầy, luôn trau dồi phẩm chất đạo đức, kỹ năng để giữ gìn truyền thống tốt đẹp của ngành. Chính vì vậy, người thầy ngày nay vẫn được xã hội, phụ huynh, học sinh yêu quý và kính trọng.
* PV: Xin cảm ơn ông!
NGUYÊN CHƯƠNG (thực hiện)