Môi trường thông thoáng mới thu hút nhà đầu tư
Nằm trong chuỗi sự kiện MDEC - Vĩnh Long 2013, sáng 25-11, Phóng viên Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi ngắn với ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Điều hành JETRO Hồ Chí Minh bên lề Hội nghị Xúc tiến đầu tư Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2013.
Ông Yasuzumi Hirotaka cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản gần đây trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Tròn 40 năm thành lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật, hai bên đã trở thành đối tác chiến lược. Quan hệ giao lưu giữa 2 bên mở rộng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa. Về triển vọng của 2 nước thì 2 bên vừa tìm kiếm lợi ích chung, vừa phát triển mối quan hệ hỗ trợ bổ sung lẫn nhau.
Phóng viên (P.V): Ông có suy nghĩ gì về lợi thế và tiềm năng của khu vực ĐBSCL dưới góc độ nhà đầu tư?
Ông Yasuzumi Hirotaka: Lực lượng lao động ưu tú của khu vực này rất dồi dào, chi phí sản xuất thấp, hạ tầng giao thông thuận lợi, chính trị ổn định; cơ sở hạ tầng hoàn thiện nên khu vực đầu tư với chi phí rẻ được mở rộng từ khu vực phụ cận TP. Hồ Chí Minh đến tận khu vực ĐBSCL. Các lĩnh vực đầu tư hiện tại có triển vọng như gia công nông thủy sản, lĩnh vực nước, môi trường, tiết kiệm năng lượng, các ngành dịch vụ cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp…
P.V: Thưa ông, các doanh nghiệp đã đầu tư vào khu vực ĐBSCL có hài lòng về môi trường đầu tư ở đây không?
Ông Yasuzumi Hirotaka: Theo tôi, môi trường đầu tư là quan trọng nhất. Bởi theo điều tra của JETRO thì các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam một cách nghiêm khắc về tất cả các vấn đề, trong đó có môi trường đầu tư. Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản thì hệ thống, cách thức thủ tục thuế vô lý và phiền toái là một vấn đề lớn. Hệ thống pháp luật, việc áp dụng luật, thủ tục hành chính, sự vận dụng chính sách thiếu minh bạch của chính quyền địa phương, phí nhân công tăng cao sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như doanh nghiệp không dám đầu tư vào đây.
P.V: Lý do nào, các doanh nghiệp thoái lui ra khỏi môi trường đầu tư thưa ông?
Ông Yasuzumi Hirotaka: Lý do lớn nhất là chi phí tăng cao (mức độ thu mua nguyên liệu tại địa phương thấp (28%), chi phí nhân công tăng cao, chi phí quản lý (thủ tục hành chính, chi phí do hệ thống pháp luật, các chi phí hành chính không minh bạch cao.... Môi trường thông thoáng, chúng ta mới kêu gọi được nhiều nhà đầu tư.
Việc tăng cường liên kết giữa Việt Nam và Nhật Bản là không thể thiếu được cho phát triển đất nước ở 2 quốc gia. Hành động kêu gọi đầu tư tốt nhất là việc các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư hài lòng với môi trường kinh doanh. Tiềm năng trong tương lai của khu vực ĐBSCL lớn nhưng còn tùy thuộc vào việc cải thiện môi trường kinh doanh. Nếu toàn bộ Chính phủ nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh thì có thể có nhiều nhà đầu tư hơn nữa.
P.V: Xin cám ơn ông!
DUY SƠN-SĨ NGUYÊN (thực hiện)