Ngăn chặn tình trạng giả nhãn hiệu hàng hóa
Vấn đề hàng giả nói chung và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nói riêng hiện được xã hội rất quan tâm. Nói về tình trạng này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Phước cho biết:
Hiện nay, các đối tượng vi phạm chủ yếu tập trung giả mạo những nhãn hiệu nổi tiếng, được nhiều người biết đến và tiêu thụ nhiều trên thị trường. Các đối tượng này đánh vào tâm lý của người tiêu dùng là thích nhãn hàng có thương hiệu, uy tín về chất lượng, nhưng giá rẻ. Thời gian qua. Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu như: Phụ tùng xe gắn máy, đồng hồ, nước uống nha đam, nước sơn...
* Phóng viên (PV): Để đấu tranh, xử lý tình trạng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, thời gian qua, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã triển khai những giải pháp, kế hoạch gì?
* Đồng chí Nguyễn Văn Phước: Nhằm bảo vệ tốt thương hiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như quyền lợi người tiêu dùng, hằng năm, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đều ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, tập trung vào từng đối tượng cụ thể.
Lực lượng QLTT lập biên bản trường hợp vi phạm nhãn hiệu hàng hóa. |
Theo đó, Cục QLTT tỉnh đã tổ chức hội thảo làm rõ nguyên nhân xảy ra hàng giả, nhằm đưa ra những giải pháp phòng, chống; tổ chức triển lãm tại hội chợ nhằm giới thiệu hàng thật, hàng giả để người tiêu dùng phân biệt. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với các doanh nghiệp để trao đổi thông tin và kịp thời kiểm tra hàng của doanh nghiệp bị giả mạo; hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh nhà xử lý đối với các trường hợp vi phạm trên các tỉnh khác…
Cụ thể, lực lượng QLTT đã đẩy mạnh truyên truyền về tác hại của hàng giả, cho tổ chức, cá nhân kinh doanh cam kết không bán hàng giả. Khi nhập hàng bán, lực lượng QLTT đề nghị bên bán cung cấp thủ tục giấy tờ theo quy định pháp luật để tránh nhập hàng giả; kịp thời thông báo cơ quan chức năng khi phát hiện hàng giả.
Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, lực lượng QLTT yêu cầu thực hiện đầy đủ các thủ tục do pháp luật quy định như: Kiểm nghiệm sản phẩm; công bố hợp quy, thực hiện ghi nhãn đúng quy định pháp luật... Đồng thời, nhập nguồn nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp, bảo đảm chất lượng, tránh nguyên liệu có nguồn gốc giả mạo nhãn hiệu.
Đối với người tiêu dùng, lực lượng QLTT tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ về tác hại của hàng giả, không vì giá rẻ mà tiếp tay, mua sử dụng hàng giả; kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng khi phát hiện hàng giả.
* PV: Trong những tháng đầu năm, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã phát hiện và xử lý bao nhiêu trường hợp vi phạm?
* Đồng chí Nguyễn Văn Phước: Thời gian qua, lực lượng QLTT đã làm tốt công tác quản lý địa bàn, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, nhất là dịp lễ, tết...
Từ đó đưa ra nhiều giải pháp nên trong những tháng đầu năm, chúng tôi đã phát hiện và xử lý 46 vụ vi phạm, thu phạt hơn 283 triệu đồng, tịch thu 1.098 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu các loại, tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 160 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với hàng hóa vi phạm từ 1 đến 2 tháng.
* PV: Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang có giải pháp gì để xử lý, ngăn chặn tình trạng giả mạo nhãn hiệu nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp?
* Đồng chí Nguyễn Văn Phước: Để thực hiện tốt việc ngăn chặn, xử lý vi phạm về hàng giả nói chung và giả mạo nhãn hiệu nói riêng, tùy tình hình thực tế, Cục QLTT tỉnh sẽ đưa ra nhiều giải pháp, tập trung thực hiện tốt một số công việc trọng tâm.
Trước hết, Cục QLTT tỉnh sẽ chỉ đạo các Đội QLTT trên toàn tỉnh làm tốt công tác quản lý địa bàn, tổ chức khảo sát các nhóm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý triệt để ngay; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Đơn vị sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên và phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa và đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả; kết hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chủ sở hữu thông qua các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện vi phạm, kiên quyết xử lý đúng pháp luật, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân được biết.
Mặt khác, Cục QLTT tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp, chủ sở hữu nhãn hiệu cần có bộ phận bảo vệ thương hiệu, thường xuyên theo dõi nắm bắt thông tin để chủ động phối hợp cơ quan chức năng ngăn chặn vi phạm.
Đối với các trường hợp xâm phạm quyền nhãn hiệu, một số lĩnh vực phải có đơn yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu thì lực lương chức năng mới được thẩm quyền kiểm tra và xử lý vi phạm.
Do đó, lực lượng QLTT vẫn còn bị động trong công tác xử lý, đôi khi có vụ việc chưa kịp thời. Do đây là quy định của pháp luật nên trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách cho phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất việc sản xuất, mua bán hàng giả mạo nhãn hiệu.
Ngoài ra, Cục QLTT tỉnh sẽ chỉ đạo các Đội QLTT thực hiện tốt công tác quản lý bán hàng qua mạng, để ngăn chặn hàng hóa vi phạm giả mạo nhãn hiệu bán hàng qua hình thức này…
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
M. THÀNH (thực hiện)