"Tạo dựng môi trường thuận lợi nhất cho nhà giáo phát triển"
Luật Nhà giáo được Chính phủ đồng ý đưa vào chương trình xây dựng tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tháng 6/2023, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Là đơn vị nòng cốt xây dựng bộ luật đặc biệt này, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ nhiều tâm tư về hành trình khó khăn, nhưng cũng mang đầy hy vọng ấy.
TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo). |
- Kể từ thời điểm đề xuất được thông qua, ông có thể cho biết, tiến độ triển khai xây dựng Luật Nhà giáo đang được diễn ra như thế nào?
- Ngay từ khi Nghị quyết số 95/NQ-CP, có hiệu lực từ ngày 7/7/2023 được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban soạn thảo gồm các nhóm chuyên gia để xây dựng đề cương. Dự thảo bước đầu đã được hoàn thiện, đang tổ chức lấy ý kiến phản biện của một số nhà khoa học, chuyên gia về pháp luật, các hội thảo chuyên sâu cũng sẽ lần lượt được tổ chức. Sau đó, sẽ tiến hành các chương trình lấy ý kiến từ các cơ sở đào tạo sư phạm. Bộ đang cố gắng tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ từ các chuyên gia, các nhà khoa học, ý kiến diện rộng của đội ngũ giáo viên. Dự kiến, ngày 12/12 sẽ tổ chức hội thảo chuyên sâu tại Trường đại học Luật Hà Nội.
Đó là về tiến độ, còn về nội dung cũng đã được Chính phủ thông qua trong Nghị quyết số 95, sẽ bao gồm năm nhóm chính sách lớn, dự kiến dự thảo Luật sẽ có bảy chương, 66 điều (có thể còn được điều chỉnh). Hiện tại, năm nhóm chính sách đã được công bố, như sau: Vị trí, vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo; Tiêu chuẩn, tuyển dụng và sử dụng nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, hợp tác quốc tế trong phát triển nhà giáo; Chế độ, chính sách đối với nhà giáo; Quản lý Nhà nước về nhà giáo.
Giáo viên vùng cao luôn phải vượt qua nhiều khó khăn để "mang con chữ" cho học sinh. Trong ảnh: Thầy và trò điểm trường Bản Khoang, Lào Cai. Ảnh: Khiếu Minh |
- Ông có thể nói rõ hơn về năm nhóm chính sách đó?
- Tôi xin được giải thích rõ thêm: Với chương đầu tiên, điểm quan trọng nhất nằm ở nội dung định danh nhà giáo. Điều này rất quan trọng: Nhà giáo cần đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí nào, từ tiêu chuẩn đạo đức đến chuyên môn nghiệp vụ, chuẩn bằng cấp đại học? Đặc biệt hơn, với đội ngũ nhà giáo, lý lịch tư pháp cần hoàn toàn trong sạch, kể cả trường hợp đã quá thời gian, được xóa án tích cũng sẽ không được công nhận là nhà giáo. Bởi đặc thù ngành, nên những tiêu chuẩn cũng cần khắt khe hơn. Cũng tại điểm này, hướng đến bảo đảm bình đẳng công-tư, tức là tiêu chuẩn nhà giáo ở cả cơ sở công lập và dân lập phải là giống nhau. Những quy định này từ trước tới nay chưa từng có, nên khiến cho việc tuyển dụng giáo viên tại các cơ sở dân lập bị buông lỏng.
Từ đó, khi đã Định danh được rõ ràng, quy định về Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo mới có cơ sở. Từ trước tới nay, nhà giáo công lập đang được tuyển dụng theo Luật Viên chức, như vậy là không phù hợp. Do đó, ở nhóm chính sách thứ hai, chúng tôi muốn thay đổi phương thức quản lý nhà giáo theo hướng quản trị nguồn nhân lực. Nhà giáo phải là trung tâm của mọi chính sách, phục vụ cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo là mục tiêu chính. Nhóm chính sách này cũng đáp ứng yêu cầu tháo gỡ khó khăn về quy định phân cấp trong quá trình tuyển dụng với mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thống nhất về mặt chiến lược phát triển công-tư, có thể căn cứ tình hình thực tế tại các địa phương để điều phối, tức là trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ sẽ được đưa lên cao hơn.
Bên cạnh đó, việc Đào tạo, bồi dưỡng, hợp tác quốc tế trong phát triển nhà giáo cũng được quan tâm. Với bối cảnh hiện nay, nhà giáo thường xuyên phải tập huấn, rèn luyện để đáp ứng được nhu cầu của thời đại, nhưng việc đào tạo này cũng phải xuất phát từ nhu cầu của chính người làm giáo dục. Thời gian họ dành ra để đi học cũng cần được tính vào thời gian làm việc. Công tác đào tạo trong chương này cũng được chia làm ba loại: Bắt buộc, Tự nguyện và Tự chọn. Về phần Bắt buộc thì phụ thuộc vào kế hoạch hằng năm của Bộ và địa phương. Phần thay đổi ở đây là Tự chọn và Tự nguyện. Trước hết, Nhà nước hay các cơ sở giáo dục có thể xây dựng các module học tập, mà ở đó giáo viên có thể lựa chọn chương trình phù hợp với nhu cầu bản thân, thấy mình thiếu gì thì học cái đó, đó là Tự chọn. Còn Tự nguyện, là khi giáo viên tự nhận thấy muốn và cần nâng cao trình độ ở mảng đó thì giáo viên có quyền được học và được hỗ trợ.
Tôn vinh nhà giáo nằm trong nhóm chính sách thứ tư, về Chế độ, chính sách đối với nhà giáo. Ở mục này, cũng có nhiều điểm đặc biệt. Đầu tiên, bên cạnh danh hiệu Nhà giáo Ưu tú thì có thể xem xét khen thưởng nhà giáo khi có những thành tích đặc biệt. Quy định về tiêu chuẩn bảo đảm an toàn cho nhà giáo cả về thể chất và tinh thần cũng là điểm mới quan trọng. Nghiêm cấm hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà giáo, đặc biệt là trên môi trường mạng xã hội. Trong đó, Luật cũng sẽ bổ sung những điều khoản quy định về các hình thức kỷ luật tích cực, phù hợp với khoa học giáo dục mà nhà giáo có thể áp dụng trong quá trình giảng dạy. Hiện nay, các thầy cô đang vướng phải điều này, bất cứ khi nào muốn nghiêm khắc với học sinh đều có thể vướng phải nỗi lo sẽ bị học sinh hoặc phụ huynh "bóc phốt" trên mạng xã hội. Và rõ ràng điều này sẽ khiến giáo viên co mình lại, mà hậu quả của việc đó thì học sinh sẽ là người gánh chịu.
- Với cương vị là người đại diện Cục Quản lý nhà giáo, ông có thể chia sẻ thêm những tâm tư của nhà giáo hiện nay, và những điều ông đã được lắng nghe trong quá trình thực hiện xây dựng dự thảo Luật ?
- Trước hết, Đảng và Nhà nước luôn rất quan tâm đến ngành giáo dục, từ ưu đãi mức lương nghề nghiệp đến từng chính sách riêng biệt của mỗi địa phương. Thí dụ, tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thực hiện chính sách lương dành cho giáo viên cao gấp 1,8 lần so lương cơ bản. Bên cạnh đó, với truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc ta, nghề giáo luôn được toàn xã hội tôn trọng và có một vị thế nhất định.
Đương nhiên, đi kèm với những ưu ái đó, nghề giáo cũng đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức. Bên cạnh vấn đề thu nhập thấp mà thời gian qua chúng ta đã nói quá nhiều, áp lực công việc ngày càng tăng của giáo viên cũng là một vấn đề lớn. Áp lực ở đây đến từ rất nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là tình trạng thiếu giáo viên, kéo theo quá tải công việc của mỗi cá nhân nhà giáo. Tiếp đó, phải kể đến Chương trình đổi mới giáo dục cũng khiến các thầy cô gặp khó do thường xuyên phải cập nhật chương trình mới. Không chỉ vậy, mạng xã hội cũng trở thành tầng áp lực vô hình. Chúng ta đều có thể nhận thấy, ngày nay phụ huynh đôi khi quá bận bịu nên khó có thể kết nối thông suốt với thầy cô, mỗi khi thấy học sinh có vấn đề gì đó, thay vì trao đổi với thầy cô và nhà trường thì phụ huynh chọn đăng tải lên mạng xã hội.
Tiếp đến là chính sách của từng địa phương về vấn đề tinh giản biên chế. Rất nhiều địa phương, mỗi khi muốn đạt được mục tiêu tinh giản bộ máy thì khu vực đầu tiên họ lựa chọn cắt giảm là giáo viên. Nếu bạn là giáo viên mà mỗi ngày đi làm lại phải lo lắng "liệu bao giờ đến lượt mình mất việc?" thì bạn có thể làm việc tốt được không?
Và cuối cùng, bên cạnh việc mang lại nhiều lợi ích, chính khoa học-công nghệ cũng khiến các thầy cô đối diện thêm không ít áp lực. Đặc biệt là đối với các thầy, cô giáo đã có tuổi, những người gặp nhiều khó khăn hơn trong việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy.
Do đó, chúng tôi đang rất kỳ vọng có thể ứng dụng linh hoạt Luật Nhà giáo để giải quyết được từng vấn đề!
- Xin cảm ơn ông!
(Theo nhandan.vn)