.

13-10 nói về văn hóa doanh nghiệp

Cập nhật: 21:10, 12/10/2018 (GMT+7)

Cách đây 2 năm, tại Lễ phát động “Ngày Văn hóa doanh nghiệp (VHDN)Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, VHDN là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt của doanh nghiệp (DN). Một DN tốt không chỉ là tài sản của DN mà còn là tài sản của quốc gia.

Vì thế, mọi quốc gia đều ra sức bảo vệ những thương hiệu của mình. Đó là lý do chính phủ kiến tạo ngày nay rất quan tâm đến chủ đề VHDN, văn hóa kinh doanh và đạo đức kinh doanh. Thủ tướng cũng gợi ý một số đặc trưng của VHDN Việt Nam, có thể là “liêm chính, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy, trách nhiệm môi trường”.

Như thế, cùng với Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, các DN Việt Nam có thêm Ngày VHDN Việt Nam 10-11 để được tôn vinh, ghi nhận. Qua đó, các DN không chỉ nỗ lực để đạt lợi nhuận mà còn từng bước xây dựng, bồi đắp cho một khái niệm mới mẻ là VHDN.

Tôn vinh 74 DN Tiền Giang tiêu biểu năm 2018

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, ngày 10-10, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng ký Quyết định 2966 về việc tặng Bằng Chứng nhận danh hiệu “DN Tiền Giang tiêu biểu” năm 2018 cho 74 DN có thành tích xuất sắc trong hoạt động xây dựng, phát triển DN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang từ năm 2017 đến năm 2018.
H.G

Nói về khái niệm này, Chủ tịch VCCI, TS. Vũ Tiến Lộc so sánh: Nếu coi DN là một cỗ xe thì động cơ chắc chắn là tinh thần DN, tay lái là VHDN và bánh xe là công nghiệp 4.0. Nếu văn hóa là ngọn đuốc soi đường thì xây dựng văn hóa là hành chính thắp lửa và không ai khác chính là các doanh nhân, nhà lãnh đạo DN phải là người thắp lửa.

Rõ ràng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa, thì vấn đề VHDN càng được quan tâm. Xây dựng VHDN là một yêu cầu tất yếu của chính sách phát triển thương hiệu, vì thông qua hình ảnh VHDN sẽ góp phần quảng bá thương hiệu của DN.

VHDN chính là tài sản vô hình của mỗi DN. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhận thức của các DN trong việc phát triển DN, xây dựng thương hiệu có gắn với xây dựng văn hóa hay không? Bởi một thương hiệu có thể bền vững khi DN đó ứng xử có văn hóa. Văn hóa đó thể hiện qua sự cạnh tranh lành mạnh, qua trách nhiệm với người tiêu dùng, với môi trường xung quanh.

Trong thời kinh tế thị trường, thương trường ví như chiến trường, thì việc xây dựng VHDN sẽ làm cho các doanh nhân bớt đi suy nghĩ đồng tiền là tất cả. Tuy nhiên, khi Chính phủ đã phát động phong trào và có ngày VHDN thì vấn đề khởi xướng, xây dựng phong trào VHDN cần được đặt ra.

Thế ai sẽ là người khởi xướng? Bởi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có yêu cầu phải sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời những DN xây dựng tốt VHDN. Và việc tổ chức ngày VHDN phải đảm bảo thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí.

Rõ ràng vai trò của Bộ Công thương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lãnh  đạo các địa phương, Đảng ủy các DN, Hiệp hội DN các tỉnh… trong việc xây dựng phong trào VHDN là rất quan trọng. Làm thế nào phát động và lan tỏa phong trào sản xuất gắn với văn hóa?

Điều này đòi hỏi các DN cần phát huy mặt tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Lành mạnh môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật. Quan tâm nâng cao văn hóa tinh thần, tăng cường thể chất cho cán bộ, nhân viên và người lao động. Đó chính là những tiêu chí cơ bản để đánh giá VHDN của các DN Việt Nam hiện nay.

DS
 

.
.
.