.
Logo thương hiệu Gạo Việt Nam:

Cơ hội cho người làm ra hạt gạo?

Cập nhật: 20:49, 19/12/2018 (GMT+7)

Lễ Công bố Logo thương hiệu Gạo Việt Nam được tổ chức nằm trong khuôn khổ Festival lúa gạo lần thứ III tại tỉnh Long An, khai mạc vào tối ngày 18-12 và kéo dài đến ngày 24-12. Đây được xem là sự kiện mang lại nhiều ý nghĩa, nhất là đối với những người làm ra hạt gạo của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Logo thương hiệu Gạo Việt Nam mở ra một chương mới cho hành trình để thực hiện chiến lược của ngành Nông nghiệp nói chung và lúa - gạo nước ta nói riêng, trên con đường khẳng định giá trị thương hiệu Gạo Việt đối với các nước có thế mạnh về nông nghiệp lúa - gạo trong khu vực và thế giới.

Chúng tôi nghĩ rằng việc công bố Logo thương hiệu Gạo Việt Nam mang lại nhiều ý nghĩa; bởi nó được kỳ vọng, mong mỏi của nhiều người và nó cũng gắn liền với chặng đường lâu dài của ngành hàng lúa - gạo Việt Nam.

Logo thương hiệu gạo Việt Nam.
Logo thương hiệu Gạo Việt Nam vừa được công bố.

Trên thực tế, đã từ lâu nhiều người xem hạt gạo là “hạt ngọc”, bởi nó được gieo trồng, nâng niu từ chính bàn tay cần cù của hàng triệu người nông dân Việt Nam. Lúa - gạo Việt Nam đã trải qua một chặng đường khá dài, từ thuở sơ khai của người dân đồng bằng bắt đầu trồng lúa nước đến việc mang “hạt ngọc” sang các nước, để rồi chỉ gần 30 năm chính thức tham gia vào sân chơi thế giới, “hạt ngọc” Việt Nam đã có chỗ đứng quan trọng.

Dẫu rằng, Logo thương hiệu hạt gạo Việt Nam ra đời cũng mất một thời gian khá dài, trải qua nhiều khúc quanh, để rồi điểm cốt yếu là mong muốn mang lại giá trị lớn hơn cho người làm ra hạt gạo. Bởi chúng ta cũng từng tự hào về một thương cảng quốc tế đầu tiên của ĐBSCL - nơi đưa hạt gạo Việt Nam đầu tiên đến với các nước trong khu vực. Giờ đây chúng ta lại càng tự hào về một cường quốc xuất khẩu gạo của thế giới nhưng dường như người làm ra hạt gạo bao năm qua cũng chưa có niềm vui trọn vẹn.

Qua rất nhiều hội thảo đã chỉ ra rằng, trên thực tế dù thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đối với ngành Nông nghiệp nói chung, các mặt hàng chủ lực nói riêng, nhưng tình trạng thiếu nhất quán, xé lẻ đã làm cho “hạt gạo bị cắn làm 8”, “con cá bị chặt ra làm 3 khúc”, “cây mía chặt thành nhiều lóng”, “trái bưởi, trái cam, trái dừa bị cắt ra năm bảy múi”… và phần thua thiệt vẫn thuộc về người nông dân. Thực tế như thế nên cần một cơ hội mới cho người làm ra hạt gạo là điều cần thiết.

Một số sản phẩm gạo an toàn của Co6ngt y Lương thực Tiền Giang.
Một số sản phẩm gạo an toàn của Công ty Lương thực Tiền Giang.

Nhìn vào chặng đường của hạt gạo Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng, chúng ta cũng dễ dàng cảm nhận những giá trị to lớn mà người nông dân đã làm ra, trong đó có việc hình thành thương cảng để giao thương với thế giới, với mặt hàng chủ lực là gạo.

Nhìn vào thực tiễn, vào khoảng giữa thế kỷ 18, thương cảng Bãi Xàu (Bãi Xàu xưa gần với cửa biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng ngày nay) được hình thành nơi sông Ba Xuyên ăn thông ra sông Hậu, mang tên Bassac nằm bên mé sông, đất thấp và nhà cửa lợp lá dừa nước. Hơn hẳn bất kỳ con rạch nào ở ĐBSCL, rạch Bãi Xàu nối hai luồng nước và lại nằm cách biển chỉ khoảng 20 km, thủy triều chi phối rất mạnh nên càng thuận lợi cho ghe thuyền nương theo con nước.

Bãi Xàu trở thành một thương cảng quốc tế lớn vào bậc nhất Nam kỳ vào thời điểm đó. Nhiều người cũng biết đến Bãi Xàu với giống gạo ngon, nổi tiếng. Ngoài gạo, nơi đây còn buôn bán nhiều loại trái cây, rau, gà, vịt, heo...

Lúa - gạo ở đây thay vì phải chở lên Sài Gòn rồi mới xuất cảng ra ngoài, các thương gia người Hoa đã trực tiếp thu mua và bán thẳng cho các ghe buôn từ nước ngoài đến. Những hạt gạo “xuất khẩu” đầu tiên của vùng ĐBSCL cũng được định hình như thế, trước khi Việt Nam trở thành một cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới.

Trải qua một chặng đường khá dài, đến nay hạt gạo Việt Nam mới được công bố Logo thương hiệu. Dẫu sao đó cũng là một tín hiệu sáng để mở ra một chặng đường mới. Điều này cũng một phần hiện thực hóa Đề án Phát triển thương hiệu Gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mong muốn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, thương mại hóa lúa - gạo. Tất nhiên, để khai thác tốt Logo thương hiệu Gạo Việt Nam là một chặng đường khá dài và cũng còn không ít khúc quanh…

A.P

.
.
.