.

Nghĩ về "kịch bản" mới cho cây ăn trái

Cập nhật: 22:03, 21/11/2018 (GMT+7)

(ABO) Dường như câu chuyện về cây ăn trái của cả nước trở thành đề tài được “xới đi xới lại” của các phương tiện truyền thông là do những “nút thắt” nội tại của nhóm ngành này, mà mới đây nhất là thanh long, sầu riêng, bưởi da xanh…

Thực tế đang được đặt ra là giá trị gia tăng của cây ăn trái mang lại thật sự chưa tương xứng với sự tăng nhanh về diện tích hay năng suất mà người nông dân làm ra. Một “kịch bản” mới cho cây ăn trái trong hướng đi sắp tới lại một lần nữa được đặt ra là như thế.

Tiền Giang nằm trong bức tranh chung của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), được thiên nhiên ưu đãi nên có điều kiện để phát triển cây ăn trái. Với diện tích hiện nay hơn 76.000 ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng 1,4 triệu tấn, Tiền Giang được xếp vào nhóm đứng đầu về diện tích và sản lượng cây ăn trái không chỉ đối với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL mà còn đối với cả nước.

Diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh tăng nhanh tring thời gian gần đây.
Diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Khi đề cập đến các tỉnh, thành ĐBSCL nói chung, bên cạnh lúa - gạo, thủy sản, cây ăn trái cũng được nhắc đến đầu tiên. Tiền Giang hiện có nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái nổi tiếng, với diện tích lớn như: Thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc…

Nhiều loại trái cây của Tiền Giang cũng đã có mặt ở thị trường thế giới như thanh long, xoài và gần đây nhất là trái vú sữa được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Trên bình diện tổng thể, cây ăn trái của ĐBSCL nói chung và Tiền Giang nói riêng dường như chưa được khai thác đúng mức, vẫn còn rất nhiều “nút thắt” cần phải tháo gỡ. Nhiều hội nghị của các bộ, ngành và địa phương cũng đã được tổ chức nhằm tìm lời giải nhưng sự chuyển biến trong nhóm ngành này dường như vẫn còn rất chậm.

Gần đây nhất là Hội nghị Thúc đẩy phát triển sản xuất xuất khẩu trái cây do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang tổ chức vào tháng 12-2017. Chưa kể, Tiền Giang cũng đã từng tổ chức Festival trái cây vào năm 2010, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia và nhà khoa học trong và ngoài nước…

Tại các hội nghị mang tính chuyên đề về cây ăn trái, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã chỉ ra rất nhiều vấn đề liên quan đến thực trạng và những tồn tại trong lĩnh vực sản xuất, chế biến xuất khẩu trái cây.

Nhìn từ thực tiễn của Tiền Giang mới thấy rằng, dù có diện tích và sản lượng cây ăn trái rất lớn nhưng vẫn chưa mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân. Những vấn đề nội tại như “được mùa rớt giá” cứ lặp đi lặp lại như một bài toán nan giải.

Sản phẩm nông nghiệp chế biến mới mong mang lại giá trị gia tăng cao.
Sản phẩm nông nghiệp chế biến mới mang lại giá trị gia tăng cao.

Bởi trên thực tế, hầu hết sản lượng trái cây trên địa bàn Tiền Giang được bán dưới dạng tươi và Trung Quốc là thị trường chiếm tỷ trọng rất lớn trong khi công nghiệp chế biến cũng chỉ mới manh nha.

Đơn cử như trái thanh long, theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, chỉ sau thời gian ngắn, diện tích trồng thanh long của Tiền Giang đã tăng rất nhanh, nâng tổng diện tích trồng thanh long toàn tỉnh hiện đạt hơn 6.325 ha; tập trung nhiều nhất ở huyện Chợ Gạo, với hơn 5.500 ha.

Chưa kể, năng suất trồng thanh long cũng không ngừng tăng lên, năm 2017 đã đạt bình quân 29,5 tấn/ha/năm, tổng sản lượng đạt trên 145.014 tấn. Tuy nhiên, cùng với bức tranh chung, toàn bộ sản phẩm thanh long trên địa bàn tỉnh được thu mua và đưa ra thị trường tiêu thụ chủ yếu dưới dạng trái tươi.

Tiền Giang hiện chỉ có 5 doanh nghiệp và 45 cơ sở thu mua thanh long; trong đó có 4 doanh nghiệp đông lạnh thanh long xuất khẩu sang các thị trường EU, Hoa Kỳ nhưng chưa có doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ thanh long. Có lẽ đây cũng là thực trạng chung của nhóm ngành hàng cây ăn trái của các tỉnh ĐBSCL.

Tìm lời giải cho cây ăn trái nhằm mang lại hiệu quả mang tính bền vững cho người sản xuất là một câu chuyện dài và thực sự không đơn giản. Điều này tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố liên quan đến sản xuất, chế biến và cả khâu tiêu thụ sản phẩm. Nếu các khâu chưa được kết nối bền chặt theo một chuỗi giá trị nhất định thì cũng rất khó đạt được mục tiêu như mong đợi.

Là tỉnh có rất nhiều lợi thế về cây ăn trái, hơn ai hết Tiền Giang cũng đã và đang quyết tâm xốc vào mặt trận này để tìm một hướng đi mới hiệu quả hơn. Bên cạnh việc xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã tập trung thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực này, trọng tâm là ở khâu chế biến sản phẩm cây ăn trái.

Bằng chứng là tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 được UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức trong tháng 8-2018, nhiều dự án liên quan đến vấn đề này cũng được UBND tỉnh Tiền Giang trao chủ trương đầu tư hay nghiên cứu đầu tư, chẳng hạn như: Dự án Nhà máy chế biến trái cây, với công suất khoảng 400.000 trái dừa/ngày; Dự án Trung tâm nghiên cứu giống và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến Mê Kông, với quy mô khoảng 20 ha; Dự án Xây dựng nhà máy chế biến nông sản, với quy mô khoảng 3 ha, vốn đầu tư khoảng 229 tỷ đồng hay Dự án sản xuất, chế biến nông sản sạch, với vốn đầu tư khoảng 110 tỷ đồng…

Trước thực tế hiện nay, một “kịch bản” mới cho cây ăn trái là cần thiết. Thế nhưng, đây không phải là việc đơn giản mà cần có quyết tâm của nhiều bộ, ngành có liên quan cũng như địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ có những cái “bắt tay” bền chặt đó mới mong có sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung. Tất nhiên, mọi “kịch bản” đều không toàn diện và có thể thay đổi. “Kịch bản” mới cho cây ăn trái cũng như thế.

A.P

.
.
.