.

Giá trị cốt lõi cho sự tồn tại và phát triển doanh nghiệp

Cập nhật: 20:45, 08/11/2018 (GMT+7)

(ABO) Thực hiện theo Quyết định 1846/QĐ-TTg ngày 26-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10-11 hằng năm được chọn là Ngày Văn hóa doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Việc chọn Ngày Văn hóa DN Việt Nam không chỉ khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa DN; thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa trong cộng đồng DN Việt Nam và trong toàn xã hội mà còn góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

Trên bình diện tổng thể, mỗi người đều có sự nhìn nhận về khái niệm văn hóa DN có phần khác nhau nhưng đều rút ra những điểm chung là văn hóa DN sẽ mang lại những giá trị cốt lõi cho sự tồn tại và phát triển của mỗi DN.

Nhìn nhận từ khía cạnh thực tiễn, ông Phạm Đức Thuyên, Giám đốc Công ty TNHH Phú Đạt (xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông) cho rằng, là DN may mắn gắn bó với thị trường Nhật 28 năm nên được giao lưu với văn hóa của người Nhật và học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, trong đó có việc xây dựng văn hóa DN. Từ đó cũng góp phần tạo nên “màu sắc” riêng và giúp DN tăng trưởng với mức trung bình từ 20% - 30% mỗi năm. Nhiều năm liền công ty cũng được bình chọn là DN vì cộng đồng của Đồng bằng sông Cửu Long.

“Là người lính trở về đời thường tham gia sản xuất - kinh doanh nên tôi luôn suy nghĩ, tâm huyết là khi đã làm ra được của cải vật chất, ngoài nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, công ty luôn hướng đến các hoạt động xã hội. Đó cũng là một trong những công việc nhằm xây dựng văn hóa của DN”- ông Phạm Đức Thuyên cho biết.

Nhìn nhận một cách tổng thể hơn, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Đạo nhận định, văn hóa DN hiện nay rất quan trọng, quyết định rất lớn đến thành công của mỗi DN. Văn hóa DN ngày nay được xem trọng nhưng cần xác định được bản chất của vấn đề này là lấy con người là trọng tâm để phát triển.

Thế giới hiện nay là “thế giới phẳng”, chỉ cần sự kiện nhỏ toàn cầu có thể nhận biết do công nghệ thông tin đang lấn sâu vào đời sống xã hội, mọi người đều có thể giao lưu và kết nối với nhau. Đối với mỗi DN, khi thiếu vốn có thể vay ngân hàng miễn sao dự án chứng minh được tính hiệu quả nhưng quyết định hiệu quả hay không là do yếu tố nguồn lực lao động.

Chính vì lấy con người là yếu tố quyết định, máy móc thiết bị đều do con người điều khiển, nên cách ứng xử trong các mối quan hệ cần đảm bảo tính hài hòa, khoa học và tất nhiên DN phát triển, văn hóa DN cũng dần được hình thành. Đây cũng là yếu tố bắt buộc và đương nhiên phải có trong mỗi DN.

Hướng đến cộng đồng cũng là một trong những cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Hướng đến cộng đồng cũng là một trong những cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, trên bình diện tổng thể, ý thức dân tộc, tính cộng đồng, sự đam mê, kỳ vọng, nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển của mỗi DN nói chung và trên địa bàn Tiền Giang nói riêng là điều mà mỗi DN đều có được và là thế mạnh hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh thế mạnh cơ bản đó cũng còn có những yếu tố khách quan dẫn đến những mặt hạn chế như về trình độ quản lý, ý thức trong các mối quan hệ tương tác (giữa DN với DN, chủ DN với nhân viên, DN với lãnh đạo, DN với cộng đồng…) cũng còn một số điểm chưa chuyên nghiệp.

Thực tế này một phần bắt nguồn từ sự phát triển của DN nhìn chung còn mang tính non trẻ. Đôi khi các mối quan hệ, nhất là giữa DN với DN, chưa đặt uy tín lên hàng đầu, chữ tín bị xem nhẹ, tính “chụp giật” trong các giao dịch vẫn còn xảy ra; một số chiêu thức không nên trong kinh doanh vẫn còn…

Thực tiễn cũng cho thấy, việc xây dựng văn hóa DN đòi hỏi nhiều yếu tố nhưng cần phải xác định là văn hóa DN đóng vai trò cốt lõi cho sự phát triển và tồn tại của mỗi DN. Tất nhiên để xây dựng được văn hóa DN là chặng đường dài và nhiều vất vả nhưng không coi trọng văn hóa DN rất khó phát triển bền vững.

“Tất cả các mối quan hệ, đạo đức, tác phong công nghiệp, nghi lễ… cũng phải được mỗi DN đầu tư và xây dựng qua các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, pháp luật cũng cần phải rõ ràng, nghiêm minh để tạo điều kiện cho văn hóa DN phát triển. Chưa kể, Nhà nước phải thật sự đóng vai trò hỗ trợ và đồng hành với DN”- ông Nguyễn Văn Đạo phân tích thêm.

Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, việc nhiều DN mới ra đời là điều đương nhiên. Ngay trên địa bàn Tiền Giang cũng không thoát khỏi xu hướng chung này. Tất nhiên, nhiều DN mới ra đời cũng không tránh khỏi “mặt được và chưa được” nên việc xây dựng văn hóa DN cũng là một xu thế mang tính cần thiết và cấp bách hơn.

A. P

.
.
.